Đây là một trong những nội dung quan trọng nhằm triển khai Nghị quyết số 27 của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII về cải cách chính sách tiền lương.
Theo đó, Bộ Chính trị đã giao Ban Kinh tế Trung ương (nay là Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương) phối hợp với Ban cán sự đảng Bộ Nội vụ và các cơ quan liên quan tiến hành sơ kết thực hiện Nghị quyết 27. Mục tiêu là đánh giá tính phù hợp, khả thi và đề xuất cơ chế thực hiện 5 bảng lương và 9 loại phụ cấp mới trong hệ thống chính trị, gắn với vị trí việc làm cụ thể.
5 bảng lương mới theo vị trí việc làm:
Bảng lương chức vụ: Áp dụng cho cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo do bầu cử hoặc bổ nhiệm từ Trung ương đến cấp xã.
Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ: Áp dụng chung cho công chức, viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo, căn cứ vào ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp.
Bảng lương sĩ quan quân đội, công an: Áp dụng theo chức vụ, chức danh và cấp bậc quân hàm/cấp hàm.
Bảng lương quân nhân chuyên nghiệp, chuyên môn kỹ thuật công an.
Bảng lương công nhân quốc phòng, công nhân công an: Bảo đảm tương quan tiền lương giữa lực lượng vũ trang và công chức hành chính.
Đây là hệ thống bảng lương hoàn toàn mới, thay thế các bảng lương theo hệ số như hiện hành. Việc chuyển đổi sẽ bảo đảm mức lương mới không thấp hơn lương hiện hưởng của người lao động.
Ảnh minh họa: VNN
9 chế độ phụ cấp mới:
Bên cạnh 5 bảng lương, chính sách tiền lương mới cũng sẽ bao gồm 9 loại phụ cấp:
Phụ cấp kiêm nhiệm.
Phụ cấp thâm niên vượt khung.
Phụ cấp khu vực.
Phụ cấp trách nhiệm công việc.
Phụ cấp lưu động.
Phụ cấp ưu đãi theo nghề.
Phụ cấp công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Phụ cấp theo phân loại đơn vị hành chính và phân hạng đơn vị sự nghiệp công lập.
Phụ cấp riêng cho lực lượng vũ trang.
Theo Bộ Nội vụ, việc xây dựng và triển khai hệ thống bảng lương mới sẽ căn cứ vào hệ thống vị trí việc làm đã được xác lập trong toàn bộ hệ thống chính trị. Lộ trình cụ thể sẽ được hoàn thiện để trình Bộ Chính trị và Trung ương xem xét sau năm 2026.
Về chính sách tăng lương cơ sở trong năm 2025, Bộ Nội vụ cho biết đây là năm cuối cùng trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế trong nước và quốc tế còn nhiều biến động, nguồn thu ngân sách nhà nước dự báo gặp khó khăn. Do đó, năm 2025 chưa có cơ sở để điều chỉnh lương cơ sở hay mở rộng thêm các chính sách mới đối với cán bộ, công chức, viên chức.
Thông tin từ Bộ Nội vụ cho thấy, việc cải cách tiền lương vẫn đang được thúc đẩy theo lộ trình bài bản, hướng tới xây dựng một hệ thống lương theo vị trí việc làm, công khai, minh bạch và gắn với chất lượng, năng suất lao động. Đây là bước đi quan trọng nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực công trong giai đoạn tới.
Nguồn VOH