Xem xét sửa đổi, ban hành các luật, nghị quyết về sắp xếp, tinh gọn bộ máy
Sáng 7/1/2025, tiếp tục phiên họp thứ 41, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV.
Tổng Thư ký Quốc hội Lê Quang Tùng
Về dự kiến nội dung Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, Tổng Thư ký Quốc hội Lê Quang Tùng cho biết, sau phiên họp thứ 40 (tháng 12/2024), ngày 13/12/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có văn bản số 1124/UBTVQH15-TK gửi Chính phủ, Tổng Thư ký Quốc hội có văn bản số 4828 /TTKQH-TK và văn bản số 4829/TTKQH-TK gửi Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực các Ủy ban của Quốc hội, Lãnh đạo các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan hữu quan đề nghị rà soát, đề xuất về dự kiến nội dung trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV.
Đến ngày 3/1/2025, Tổng Thư ký Quốc hội đã nhận được văn bản của 7/17 cơ quan, trong đó, Chính phủ đề nghị trình Quốc hội 8 nội dung (4 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết và 1 Tờ trình về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư), Ban Công tác đại biểu đề nghị trình Quốc hội xem xét, sửa đổi các luật về tổ chức theo Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW; công tác nhân sự thuộc thẩm quyền (nếu có).
Theo Kế hoạch sửa đổi, bổ sung các luật, nghị quyết phục vụ công tác sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Văn phòng Quốc hội (ban hành kèm theo Nghị quyết số 1339/NQ-UBTVQH15 ngày 28/12/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội), Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9 đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội và các luật khác có liên quan đến tổ chức và hoạt động của Quốc hội.
Trên cơ sở chủ trương của cấp có thẩm quyền về việc tiến hành Kỳ họp bất thường vào cuối tháng 2/2025 để xem xét sửa đổi, ban hành các luật, nghị quyết có liên quan về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, căn cứ đề xuất của các cơ quan và Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV sẽ tập trung trình Quốc hội xem xét, thông qua đối với 7nội dung cấp thiết để triển khai, thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy.
Cụ thể bao gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội và các luật khác có liên quan đến tổ chức và hoạt động của Quốc hội; Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); Nghị quyết của Quốc hội về thành lập một số Bộ của Chính phủ khóa XV nhiệm kỳ 2021-2026; Nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XVI; Nghị quyết của Quốc hội giải quyết các vấn đề phát sinh trong các quy định của pháp luật liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy; công tác nhân sự thuộc thẩm quyền (nếu có).
Bám sát tinh thần đổi mới tư duy lập pháp
Theo Tổng Thư ký Quốc hội, dự kiến Quốc hội họp khoảng 4,5 ngày (trong đó dự kiến bố trí ngày cuối Kỳ họp để biểu quyết, thông qua các dự án luật, nghị quyết và xem xét, quyết định công tác nhân sự thuộc thẩm quyền (nếu có)), khai mạc sau Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng và bế mạc vào cuối tháng 2/2025.
Các đại biểu tham dự phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV
Đồng thời, có bố trí thời gian Quốc hội nghỉ họp để các cơ quan có thời gian tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật, nghị quyết trước khi trình Quốc hội thông qua (dự kiến Quốc hội nghỉ họp từ 2 - 3 ngày).
Trường hợp trình Quốc hội dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi); Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; dự án đầu tư tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng… thì thời gian Quốc hội dự kiến họp thêm khoảng 2 ngày (thảo luận tổ 0,25 ngày/nội dung; thảo luận hội trường 0,5 ngày/nội dung; ghép thảo luận trong cùng 1 buổi đối với một số nội dung...).
Để bảo đảm thành công của Kỳ họp, góp phần triển khai đồng bộ, hiệu quả chủ trương của Đảng về sắp xếp tổ chức bộ máy, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chủ trì soạn thảo phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì thẩm tra, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ tài liệu, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến chậm nhất tại Phiên họp thứ 42 (tháng 02/2025) và gửi tài liệu đến đại biểu Quốc hội chậm nhất là 03 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp.
Bên cạnh đó, lưu ý đánh giá tác động chính sách đầy đủ, nghiêm túc theo quy định; rà soát các luật có liên quan bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; bám sát tinh thần đổi mới tư duy lập pháp, chỉ quy định những nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội, không luật hóa những vấn đề thực tiễn đang biến động mà giao Chính phủ, Bộ, ngành, địa phương quy định để bảo đảm tính ổn định của luật và linh hoạt, kịp thời điều chỉnh, bổ sung khi cần thiết; thực hiện nghiêm Quy định số 178-QĐ/TW ngày 27/6/2024 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật.
Tại Kỳ họp bất thường lần này, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung nhiều luật, nghị quyết để phục vụ công tác sắp xếp tổ chức bộ máy. Đây là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, do đó, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị các Đoàn đại biểu Quốc hội chủ động tổ chức tiếp xúc cử tri theo cách thức phù hợp để thông tin đến cử tri về các nội dung của Kỳ họp, tiếp tục lan tỏa sâu cho các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, tạo sự đồng thuận cao trong cả hệ thống chính trị từ trung ương tới địa phương.
Quỳnh Nga