SEA Games 1989 đánh dấu sự trở lại của QVVN với Đại hội thể thao Đông Nam Á kể từ sau ngày đất nước thống nhất 30.4.1975. 30 năm sau đó, từ SEA Games 1989 đến trước SEA Gaems 2019, thành tích tốt nhất của QVVN chỉ là chiếc huy chương bạc đôi nam nữ của Ôn Tấn Lực - Nguyễn Thị Kim Trang tại SEA Games 1997.
Chỉ đến khi tay vợt tài năng Lý Hoàng Nam xuất hiện cùng sự đầu tư toàn diện, tập trung từ chuyên môn đến kinh phí hoàn toàn vô điều kiện của ông Thái Trường Giang, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Hải Đăng (Tây Ninh), QVVN mới có được 2 huy chương vàng, 3 huy chương bạc đơn nam. Cụ thể là Hoàng Nam đã vô địch hai kỳ SEA Games liên tiếp 2019, 2021 (kỳ 2021 được tổ chức năm 2022 do hoãn lại bởi đại dịch COVID-19), á quân SEA Games 2023; và Daniel Nguyễn cùng Trịnh Linh Giang đoạt huy chương bạc tại SEA Games 2019, 2021.
Đáng chú ý, cả ba tay vợt Hoàng Nam, Daniel Nguyễn, Linh Giang đều có cùng đơn vị chủ quản là Câu lạc bộ Hải Đăng Tây Ninh (CLB HĐTN) của ông chủ Thái Trường Giang.
QVVN tại SEA Games 2025 sẽ là vùng trắng ở giải nam?
Trước SEA Games 2023, chúng tôi đã có loạt bài phản ánh sự bất đồng giữa LĐQV VN (VTF) với đơn vị chủ quản của Hoàng Nam, Linh Giang, trong đó lỗi hoàn toàn thuộc về VTF, may có sự can thiệp kịp thời và có tình có lý của Tổng cục TDTT mà Hoàng Nam trở lại thi đấu dù trước đó Nam đã tuyên bố không khoác áo đội tuyển Việt Nam tại SEA Games 2023.
Trịnh Linh Giang, Thái Trường Giang và Lý Hoàng Nam sau trận chung kết nội bộ Việt Nam tại SEA Games 2021. Cả ba hiện nay đã không còn quan tâm đến quần vợt
Nhưng đây chỉ là giải pháp tình thế cho QVVN, vì sau SEA Games 2023, khi không cùng quan điểm với cách điều hành của VTF cũng như cách VTF không trân trọng sự đóng góp của xã hội mà cụ thể ở đây là của CLB HĐTN, nên ông Giang đã dần quay lưng, không đầu tư quần vợt nữa. Hậu quả là QVVN từ đang có một chỗ dựa, một vệ tinh vững chắc ở CLB HĐTN, thì nay gần như đã mất trắng khi các tay vợt giỏi nhất của CLB HĐTN chia tay, không tham gia, không liên quan đến bất kỳ giải đấu đỉnh cao nào trong hệ thống thi đấu của VTF.
QVVN không chỉ thiếu vắng các tay vợt nam giỏi nhất mà còn hụt hẫng cả lực lượng kế thừa, đó là chưa kể sự phát triển rầm rộ về mọi mặt của pickleball đã khiến cho QVVN đã khó lại càng thêm khó khăn chất chồng.
Trước thực trạng này, phát biểu với truyền thông, VTF cho biết dự kiến trong năm 2025, số lượng giải đấu của bộ môn quần vợt sẽ tăng gấp 3 lần so với năm 2024, gồm các giải năng khiếu thanh thiếu niên, đồng đội trẻ từ U8 đến U18, các giải vô địch quốc gia, quốc tế trẻ và quốc tế chuyên nghiệp. VTF sẽ đăng cai tổ chức 6 giải quốc tế U14, 2 giải U18 và 6 giải Men's Futures, 8 giải M15 (nam - nữ) hay đăng cai Davis Cup nhóm 3.
Xa hơn nữa, VTF sẽ thành lập học viện quần vợt. Ngoài ra, VTF cũng sẽ phối hợp với một số doanh nghiệp địa phương quan tâm quần vợt để hình thành những trung tâm huấn luyện đào tạo như ở Bắc Ninh, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu… VTF hy vọng từ những vệ tinh này sẽ đào tạo và cho ra đời thế hệ tài năng mới cho QVVN.
Với mục tiêu trước mắt, SEA Games 2025 tổ chức tại Thái Lan vào tháng 12 tới, VTF sẽ tiếp xúc và có hướng mời các tay vợt mạnh của QVVN trong đó có Lý Hoàng Nam thi đấu cho đội tuyển VN tại SEA Games 33, đồng thời VTF cũng có định hướng mời các tay vợt nhập tịch thi đấu như đã từng thực hiện trong những SEA Games gần đây ở cả nam lẫn nữ.
Đối với sự phát triển của pickleball, ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký VTF cho biết VTF đã có định hướng cho các liên đoàn địa phương và hội viên trên cả nước sáp nhập thêm bộ môn pickleball từ năm 2024, đồng thời VTF cũng đã có kế hoạch phát triển song song bộ môn quần vợt và pickleball cho 4 khu vực trên cả nước (đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ, miền Trung-Tây Nguyên, Bắc Trung Bộ).
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên, Cục trưởng TDTT Đặng Hà Việt cho biết sẽ thành lập Liên đoàn Pickleball quốc gia Việt Nam và sẽ không có việc sáp nhập hai môn quần vợt và pickleball vào chung một liên đoàn. Do đó, kế hoạch cùng chiến lược sáp nhập hai môn này của VTF sẽ sớm... phá sản!
Ngoài ra, với định hướng cho SEA Games 33, cho đến giờ này, kế hoạch tổ chức các giải quốc tế ở Việt Nam nhằm tạo điều kiện cho các tay vợt giỏi của Việt Nam cọ xát thi đấu của VTF vẫn chưa có địa điểm và thời gian cụ thể. Cần nhớ lại, cả năm 2024, không có bất kỳ một giải quốc tế nào tổ chức ở Việt Nam cho dù có là giải thấp nhất là Men Futures 15. Có nghĩa là tất cả mới chỉ là trên giấy tờ.
Với riêng việc mời Hoàng Nam, trao đổi với phóng viên, Hoàng Nam cho biết nếu được Cục TDTT và VTF mời, Hoàng Nam sẽ cân nhắc, nhưng gần như là Hoàng Nam sẽ từ chối. Tại sao?
Giang và Nam dễ dàng kiếm thu nhập ở pickleball hơn là quần vợt. Bài toán thu nhập cũng là lời giải khó đối với QVVN trước sự phát triển của pickleball
Đó là vì, lần cuối thi đấu giải quốc tế của Nam vào tháng 9.2024 tại Thái Lan, kể từ đó Nam không còn thi đấu thêm bất kỳ giải quần vợt nào nữa. Thứ hai, nếu mời Nam thi đấu trở lại, Nam sẽ phải tập luyện, thi đấu. Như vậy ai sẽ chịu đầu tư kinh phí cho Nam tập luyện cũng như tham gia thi đấu các giải M15, M25 ở trong nước (nếu tổ chức trong năm 2025) cũng như là nước ngoài?
Với Trịnh Linh Giang, tay vợt nam số 2 của QVVN cũng khẳng định với phóng viên rằng anh dứt khoát từ chối nếu như Cục TDTT cùng VTF có mời anh quay lại thi đấu cho đội tuyển tại SEA Games.
Còn một thực tế không thể không nhắc đến đó là hiện nay, cả Hoàng Nam và Linh Giang đã cùng nhau chuyển qua tập luyện, thi đấu pickleball, môn chơi mà khi tham gia trình độ của Nam và Giang đang ngày càng phát triển, khác với với quần vợt, trình độ của Nam và Giang dù có cật lực luyện tập trở lại cũng chỉ dần đi xuống theo thời gian. Đó là chưa nói đến về mặt thu nhập, cả Nam và Giang đều kiếm được không ít từ việc tham gia các sự kiện quảng bá cũng như là thi đấu pickleball.
***
Trên đây là thực trạng của QVVN mà bất kỳ người hâm mộ nào của QVVN cũng như với những ai đã và đang quan tâm đến sự phát triển với tốc độ chóng mặt của pickleball đều biết rõ. Tất cả đều dễ dàng nhận biết và âu lo cho ngày tàn của QVVN sẽ sớm đến nếu như VTF không nỗ lực thay đổi quan điểm cùng cách điều hành cũng như quy tụ, tập hợp được sức mạnh xã hội hóa.
Đặng Hoàng