Sen - cây làm giàu

Sen - cây làm giàu
6 giờ trướcBài gốc
Vào vụ sen nở, trung bình mỗi ngày anh Tạ Văn Soay bán ra thị trường khoảng 2.000 bông. Ảnh: THÀNH CHUNG
Giàu có từ sen
Năm 2020, chị Nguyễn Thị Hiên (sinh năm 1979) ở TP Hải Dương đã bỏ ra một số tiền lớn để thuê lại 3,6 ha đất ở xã Đồng Lạc (Nam Sách) trồng sen. Chẳng ngại mưa nắng, ngày nào chị cũng ở ngoài đồng để cải tạo ruộng hoang. Không có kiến thức về trồng trọt, chị vừa làm vừa học. Nhờ sự kiên trì, cố gắng, chị Hiên đã biến cả một cánh đồng hoang hóa ngày nào trở thành đầm sen rộng lớn nhất vùng.
Sen không chỉ đẹp giản dị, mộc mạc mà còn dễ trồng, dễ chăm sóc. Hầu như bộ phận nào của loại cây này cũng có thể sử dụng. Mặt khác, sen còn là vị thuốc giúp chữa bệnh nên được thị trường ưa chuộng. Ngoài lấy hoa, lấy hạt, chị Hiên còn trồng các giống sen lấy ngó, lấy củ.
Thời gian thu hoạch sen kéo dài từ tháng 3 đến tháng 12 nên lúc nào cũng có nguồn thu. So với cấy lúa, sen cho hiệu quả kinh tế gấp 2-3 lần.
Theo chị Hiên, vào mùa xuân, người dân sẽ bắt đầu xuống giống và chỉ độ một tháng là sen sẽ đội nước vươn lên. Đến khi hè về, hoa sen nở rộ, tỏa hương ngào ngạt cả một vùng. Trời chuyển thu, sen vào hạt, căng mẩy, ngọt lịm, rung rinh trước gió heo may. Còn khi đông về, sen "rũ bỏ" bùn hôi và được đưa lên bờ chờ thương lái tới lấy củ. "Sen đẹp và chiều lòng người nên bộ phận nào của loài cây này cũng có thể sử dụng. Cũng vì thế người dân tất bật với sen quanh năm", chị Hiên chia sẻ.
Gần 4 ha sen đang mang lại nguồn thu nhập chính cho gia đình chị Hiên. Mỗi năm, chị Hiên cung ứng ra thị trường khoảng 20 tấn củ sen với giá 25.000 đồng/kg và 2 tấn ngó với giá 50.000 đồng/kg. Vào mùa hoa, chị còn bán hàng vạn bông sen. Chị Hiên thu lãi khoảng 300 triệu đồng/năm.
Mỗi năm, vườn sen của chị Nguyễn Thị Hiên ở huyện Nam Sách cho thu lãi khoảng 300 triệu đồng
Từng là nhân viên ngân hàng với mức thu nhập cao nhưng anh Tạ Văn Soay ở xã Tứ Cường (Thanh Miện) vẫn bỏ ngang vì trót lưu luyến với sen. Năm 2018, anh thành lập công ty và hợp tác với Viện Nghiên cứu rau quả (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam) để đưa nhiều giống hoa sen của nước ngoài về trồng. Hướng đi mới đã giúp anh có thêm nhiều kiến thức và kinh nghiệm về trồng sen.
"Năm 2016, tôi thuê 10 ha ruộng chiêm trũng tại xã Hoàng Diệu (Gia Lộc) để trồng sen Nhật lấy ngó và sen Trung Quốc lấy củ. Thấy hiệu quả kinh tế cao nên tôi đã xin nghỉ việc để tập trung phát triển mô hình. Tôi lựa chọn các giống sen nhập ngoại vì có nhiều ưu điểm để làm thương mại. Bên cạnh đó, các giống sen lai tạo này cho màu sắc đa dạng nên tiêu thụ rất tốt", anh Soay cho biết.
Năm 2019, anh Soay dừng trồng sen tại xã Hoàng Diệu và chuyển sang thuê đất ở các xã Tứ Cường, Thanh Giang, Chi Lăng Nam (Thanh Miện) để trồng loại cây này.
Trong quá trình chăm sóc, anh ưu tiên sử dụng các loại thuốc vi sinh, hữu cơ để phòng trừ bệnh cho sen. Nhờ đó, các sản phẩm từ sen của anh Soay rất đắt hàng, nhất là các giống sen lấy hoa. Mỗi năm vào chính vụ, các vườn sen của anh cung cấp ra thị trường khoảng 2.000 bông/ngày. Với giá từ 2.000-3.000/bông, trừ chi phí anh thu lãi khoảng 300 triệu đồng mỗi vụ. Ngoài ra, nguồn thu nhập của gia đình anh còn đến từ ngó sen và củ sen nhưng số lượng không nhiều.
Du lịch sạch
Trang trại Phong Cò thu hút du khách bởi đầm sen rộng lớn (ảnh cơ sở cung cấp)
Những năm qua, trồng sen không chỉ làm giàu cho các hộ dân trong tỉnh mà còn mang lại cho các vùng quê một sức sống mới, diện mạo mới, thúc đẩy du lịch nông thôn phát triển. Theo chị Hiên, vào mùa hoa sen, một phần hoa sẽ được cắt đem bán, còn lại để cho khách đến tham quan, trải nghiệm.
Loại hình du lịch cộng đồng này đang phát triển mạnh mẽ góp phần quảng bá hình ảnh quê hương. Nhằm tạo điều kiện cho du khách, chị Hiên thường tặng một bó hoa sen cho khách đến theo đoàn. Đây cũng là cách để chị quảng bá hình ảnh và sản phẩm của vườn sen đến đông đảo mọi người.
Nằm cách khu du lịch sinh thái Đảo Cò ở xã Chi Lăng Nam khoảng 1 km là trang trại Phong Cò. Ai đến đây lần đầu đều ngỡ ngàng trước không gian xanh mát quanh năm, đặc biệt là vườn sen rộng gần 1.000 m2. Nơi này đã được anh Vũ Văn Phong, chủ trang trại dành nhiều tâm huyết để xây dựng. Tại vườn sen có hành lang đi lại, có điểm check in và khu nhà lưu trú. Mỗi độ hè về, trang trại Phong Cò đón hàng nghìn lượt khách đến tham quan và trải nghiệm.
Theo ông Nguyễn Đức Minh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Chi Lăng Nam, cùng với khu du lịch sinh thái Đảo Cò, địa phương hiện có thêm 2 mô hình du lịch sinh thái gắn liền với cây sen. Đó là vườn sen 10 mẫu của anh Tạ Văn Soay và trang trại Phong Cò. Các mô hình này không chỉ góp phần thay đổi diện mạo quê hương mà còn mở ra hướng phát triển mới cho sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch nông thôn.
Cây sen không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cao mà còn góp phần quảng bá hình ảnh quê hương Hải Dương. Ảnh: THÀNH CHUNG
"Việc đa dạng hóa các sản phẩm du lịch đã giúp địa phương được đông đảo du khách biết đến. Lượng du khách đến tham quan, trải nghiệm tại đây tăng cao. Năm 2024, xã Chi Lăng Nam đón khoảng 12.000 lượt du khách, tăng 20% so với năm 2023", ông Minh cho biết.
Hải Dương hiện có hàng chục địa điểm phát triển du lịch sinh thái kết hợp với trồng sen. Điển hình như đầm sen rộng 20 ha ở đền Kiếp Bạc (Chí Linh). Không chỉ tạo cảnh quan, sen Kiếp Bạc còn trở thành sản phẩm du lịch đặc thù của khu di tích quốc gia đặc biệt này. Hay vào mùa vải chín, du khách có thể chèo thuyền theo những kênh mương tràn ngập sắc sen ở Đồng Mẩn, xã Thanh Khê (nay là thị trấn Thanh Hà)...
Cây sen không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cao mà còn đang góp phần làm đẹp đời sống tinh thần và phát triển du lịch của Hải Dương.
ĐỖ QUYẾT
Nguồn Hải Dương : https://baohaiduong.vn/sen-cay-lam-giau-400776.html