Tác giả: Thích Chúc Xuân
Chư hành vô thường, thị sinh diệt pháp” gian này đều vô thường, có sinh thì có diệt. Đức Phật đã dạy như thế. Mọi pháp hữu vi trên thế. Nhìn lại kiếp nhân sinh, có mấy ai không từng bận lòng bởi được - mất, hơn - thua? Ta chấp vào thân này, chấp vào danh vọng, chấp vào những mối duyên trần thế, để rồi khi thời gian lặng lẽ trôi qua, tất cả chỉ còn là những dấu vết mờ nhạt giữa dòng đời biến động.
Con người đến với thế gian như một lữ khách dừng chân giữa chặng đường dài vô tận. Thế nhưng, ta lại lầm tưởng rằng mình là chủ nhân của tất cả, cố gắng gom góp thật nhiều tiền tài, quyền lực, địa vị mà không hay biết mọi thứ đều chỉ như bóng câu qua cửa sổ. Vinh quang rồi cũng tàn phai, người thân yêu rồi cũng chia xa, những gì ta cố nắm giữ cuối cùng chỉ như hạt cát trôi qua kẽ tay.
Trong Kinh Kim Cang, đức Phật dạy:
“Nhất thiết hữu vi pháp,
Như mộng huyễn bào ảnh,
Như lộ diệc như điện,
Ưng tác như thị quán”.
(Tất cả các pháp hữu vi đều như giấc mộng, như huyễn hóa, như bọt nước, như bóng hình, như sương mai, như tia chớp, hãy quán chiếu như vậy).
Đời người cũng như thế, có đó rồi mất đó, như giấc mộng vừa tỉnh đã tan. Nhưng con người vẫn mãi chạy theo những phù hoa, để rồi tự nhấn chìm mình trong khổ đau và vọng tưởng. Có người vì tiền tài mà lao đao, có kẻ vì tình cảm mà lụy phiền, cũng có những tâm hồn mãi mắc kẹt trong những oán hận không nguôi. Nhưng đến cuối cùng, những gì ta chấp giữ có thực sự thuộc về ta? Một cơn gió thoảng qua, một kiếp người đã trôi về quá khứ. Bởi vậy, người hiểu đạo không níu giữ, không vướng mắc, mà nhẹ nhàng như áng mây trôi.
Áo trần đã lỡ khoác vào
Nợ trần đâu biết ngày nào cởi ra
Chông chênh một kiếp ta bà
Bể dâu mấy lượt, cũng là hư không
Nắng mưa trôi giấc mộng nồng
Tỉnh ra mới biết trong lòng nhẹ tênh
Sắc không theo gió lênh đênh
Hơn thua một thoáng, ưu phiền còn chi?
Bước chân thanh thản từ bi
Tịnh tâm hơi thở, quên đi muộn phiền
Vô thường sương sớm nghiêng nghiêng
An nhiên tự tại, ưu phiền nhẹ vơi
Nam mô Phật Tổ Như Lai
Từ bi hỷ xả, độ người hữu duyên
Nhân duyên vay trả an nhiên
Thoát vòng sinh tử, cửa thiền thảnh thơi
Tâm an, vạn sự đổi dời
Chính niệm soi lối, rạng ngời pháp âm
Đường tu muôn nẻo thăng trầm
Hành Bồ Tát hạnh, giữ tâm sáng ngời
Đường trần lắm nẻo chơi vơi
Bước qua danh lợi, rạng ngời chân như
Gió đời cuốn bụi mây mù
Trăm năm cũng chỉ sương mù thoảng bay
Sống không đắm chấp hình hài
Nụ cười sen nở tháng ngày tử sinh
Lặng nhìn mây trắng vô hình
Buông đi phiền não, tâm bình an nhiên.
(Thích Chúc Xuân)
Cuộc đời là một chuỗi vay trả của nhân duyên. Gặp nhau, yêu thương hay oán hận, chia xa hay đoàn tụ, tất cả đều có nguyên do. Người gieo nhân thiện thì gặt quả lành, kẻ mang tâm oán hận rồi cũng chỉ nhận lấy khổ đau. Bởi vậy, người trí không cưỡng cầu, không bám víu, mà tùy duyên theo dòng chảy của cuộc đời.
Trong Kinh Tứ Thập Nhị Chương, đức Phật dạy: “Người ôm giữ hận thù cũng giống như cầm hòn than nóng để ném vào kẻ khác, nhưng chính mình lại là người bị bỏng trước tiên”.
Khi lòng ta còn vướng mắc, thì dù đi đến đâu cũng mang theo gánh nặng. Nhưng một khi ta biết buông xả, lòng từ bi sẽ thay thế hận thù và khi đó, tâm hồn sẽ được tự do.
Người học đạo không bận lòng vì oán ghét, không để lòng bị ràng buộc bởi những phiền não nhân gian. Chỉ có lòng từ bi mới hóa giải được khổ đau, chỉ có buông xả mới có thể tìm thấy bình an thực sự.
Sen mọc từ bùn mà chẳng vướng mùi bùn. Con người cũng thế, có thể sinh ra giữa cõi đời đầy phiền não, nhưng nếu giữ được tâm an, vẫn có thể rực rỡ mà không vướng bụi trần. Khi hiểu được vô thường, người ta không còn lo lắng về được mất, không còn khổ đau vì nhân duyên hợp tan. Bởi lẽ, mọi thứ vốn dĩ đã an bài theo nhân quả.
Đức Phật dạy: “Tâm không dính mắc, đi đâu cũng thấy an vui”. Đến khi buông xuống được hết thảy, lòng ta sẽ nhẹ, đời ta sẽ an. Khi không còn bám víu vào những điều không thuộc về mình, con người mới thực sự tự do. Như một đóa sen vươn lên từ bùn lầy, vẫn thanh cao và tỏa ngát hương giữa dòng sinh tử luân hồi.
Nhìn lại cuộc đời, có bao nhiêu điều đáng để chấp niệm? Có bao nhiêu nỗi đau là do chính ta tự trói buộc mình? Khi gió thổi, lá bay. Khi nước chảy, mây trôi. Hiểu được quy luật ấy, con người sẽ không còn sợ hãi trước vô thường nữa.
Một chữ “buông” tưởng chừng đơn giản nhưng lại là cánh hoa sen nở giữa dòng đời, vươn lên mà chẳng vướng bụi trần. Và khi đó, giữa dòng sinh tử, giữa bể đời đầy biến động, ta vẫn có thể mỉm cười như một đóa sen nở, tỏa hương trong lặng lẽ, thanh tao mà không vướng bụi trần ai.
Tác giả: Thích Chúc Xuân