Sẹo mụn điều trị thế nào?

Sẹo mụn điều trị thế nào?
6 giờ trướcBài gốc
1. Nguyên nhân dẫn đến sẹo mụn
Sẹo mụn hình thành do quá trình viêm nhiễm và tổn thương da trong hoặc sau khi bị mụn trứng cá.
Một số nguyên nhân chính dẫn đến sẹo mụn như:
- Tình trạng viêm nặng hoặc kéo dài: Khi mụn viêm (mụn bọc, mụn mủ, mụn nang) phát triển sâu trong da, sẽ phá hủy cấu trúc mô, làm tổn thương collagen và elastin. Nếu tình trạng viêm kéo dài hoặc không được kiểm soát, da sẽ khó phục hồi hoàn toàn, dẫn đến sẹo lõm hoặc sẹo lồi.
- Thói quen cậy và nặn mụn không đúng cách: Việc dùng tay hoặc dụng cụ không đảm bảo vệ sinh để nặn mụn có thể gây tổn thương mô da, làm vi khuẩn lan rộng và khiến tình trạng viêm trở nên nghiêm trọng hơn. Điều này làm tăng nguy cơ hình thành sẹo thâm, sẹo rỗ hoặc sẹo lồi.
- Không điều trị mụn kịp thời: Chủ quan, không điều trị mụn sớm hoặc sử dụng sản phẩm không phù hợp có thể khiến tình trạng viêm nhiễm nặng hơn, làm tổn thương sâu hơn vào cấu trúc da, dẫn đến sẹo vĩnh viễn.
Sẹo mụn hình thành do quá trình viêm nhiễm và tổn thương da trong hoặc sau khi bị mụn trứng cá.
- Chăm sóc da không đúng cách: Không làm sạch da thường xuyên, để bụi bẩn, dầu thừa tích tụ khiến mụn dễ bị viêm nặng hơn. Dùng sản phẩm tẩy tế bào chết hoặc điều trị quá mạnh khi da còn tổn thương, làm chậm quá trình phục hồi. Bên cạnh đó, không chống nắng, khiến vùng da bị tổn thương dễ thâm sạm, làm sẹo thâm lâu mờ.
- Chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt không hợp lý: Chế độ ăn nhiều đường, thực phẩm chế biến sẵn hoặc thiếu vitamin, khoáng chất có thể làm suy yếu khả năng tái tạo của da. Thiếu ngủ, căng thẳng kéo dài cũng làm giảm tốc độ phục hồi da, dễ để lại sẹo hơn.
2. Các phương pháp trị sẹo mụn hiệu quả
2.1. Tẩy da chết bằng AHA/BHA
Phương pháp này phù hợp với những vết sẹo nông, giúp cải thiện kết cấu da và giảm thâm hiệu quả. AHA (alpha hydroxy acid) hoạt động trên bề mặt da, loại bỏ tế bào chết, kích thích tổng hợp collagen và hỗ trợ tái tạo tế bào, từ đó giúp làm đầy các vết sẹo lõm theo thời gian.
Trong khi đó, BHA (beta hydroxy acid) thẩm thấu sâu vào lỗ chân lông, loại bỏ bã nhờn và tế bào chết tích tụ, giúp ngăn ngừa mụn tái phát, đồng thời cải thiện sắc tố da.
Tuy nhiên, việc sử dụng AHA/BHA cần tuân thủ tần suất hợp lý (khoảng 2–3 lần/tuần) để tránh gây kích ứng. Trước khi áp dụng lên mặt, bạn nên thử nghiệm trên vùng da khác như cổ hoặc mu bàn tay nhằm kiểm tra phản ứng da và giảm nguy cơ kích ứng.
2.2. Sử dụng sản phẩm hỗ trợ tái tạo da
Bên cạnh việc tẩy tế bào chết định kỳ, bạn có thể kết hợp các sản phẩm chăm sóc da chứa thành phần hỗ trợ phục hồi da như vitamin C, niacinamide và retinol. Những hoạt chất này có tác dụng chống oxy hóa, kích thích sản sinh collagen và thúc đẩy quá trình tái tạo mô, từ đó giúp cải thiện sẹo lõm và làm đều màu da.
Ngoài ra, việc sử dụng kem chống nắng mỗi ngày là điều cần thiết, giúp bảo vệ da khỏi tác động tiêu cực của tia UV. Tiếp xúc với ánh nắng có thể khiến vết sẹo trở nên sẫm màu hơn, làm chậm quá trình phục hồi da.
2.3. Tiêm filler
Trong điều trị sẹo do mụn, tiêm filler hay còn gọi là tiêm chất làm đầy, có tác dụng làm đầy bề mặt sẹo với lớp da bình thường xung quanh, từ đó giúp mờ sẹo một cách hiệu quả.
Tuy nhiên, tiêm filler là biện pháp khắc phục tạm thời sẹo do mụn trứng cá. Thông thường, hiệu quả làm đẹp sau khi tiêm chất làm đầy có thể duy trì từ 6 đến 18 tháng hoặc lâu hơn. Sau khi hết thời gian này, tình trạng sẹo lại trở về như ban đầu do filler đã tiêu biến dưới da. Do đó, bạn cần thực hiện lặp lại nhiều lần để duy trì hiệu quả mờ sẹo.
Lăn kim là một trong những kỹ thuật được ứng dụng phổ biến trong điều trị sẹo mụn.
2.4. Liệu pháp laser trong điều trị sẹo
Điều trị sẹo bằng laser là phương pháp khá phổ biến, mang lại hiệu quả cao đối với cả sẹo lõm và sẹo lồi.
Các loại laser thường được sử dụng bao gồm:
Laser bóc tách vi điểm giúp loại bỏ lớp da bề mặt, kích thích sản sinh collagen.
Laser không bóc tách tác động sâu vào mô da mà không làm tổn thương bề mặt, thúc đẩy quá trình tái tạo da từ bên trong.
Đây là phương pháp có xâm lấn, bạn nên thực hiện tại các cơ sở y tế uy tín và tuân thủ quy trình chăm sóc da sau điều trị để hạn chế nguy cơ kích ứng hoặc nhiễm trùng.
2.5. Liệu pháp lăn kim
Lăn kim là một phương pháp sử dụng thiết bị chứa nhiều đầu kim siêu nhỏ lăn trên bề mặt da, tạo ra những tổn thương vi điểm có kiểm soát, từ đó kích thích quá trình tổng hợp collagen và tái tạo da.
Bạn nên thực hiện lăn kim tại địa chỉ làm đẹp uy tín để tránh nguy cơ nhiễm trùng da. Tốt nhất, nên ưu tiên lựa chọn các bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ hoặc các cơ sở thẩm mỹ có bác sĩ chuyên khoa chịu trách nhiệm chuyên môn và được cấp phép hoạt động.
Mời bạn đọc xem tiếp video:
Bác sĩ da liễu chỉ cách trị sẹo rỗ hiệu quả | SKĐS
BSCKII. Dương Quốc Trung
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/seo-mun-dieu-tri-the-nao-169250212143713195.htm