Sếp doanh nghiệp nhà nước được xếp lương thế nào?

Sếp doanh nghiệp nhà nước được xếp lương thế nào?
16 giờ trướcBài gốc
Bà Bùi Thị Thắm, đại diện doanh nghiệp hoạt động theo mô hình công ty cổ phần có vốn nhà nước chi phối (trên 50%), phản ánh đến Bộ Nội vụ đề nghị làm rõ hai vấn đề.
Trong đó, vấn đề thứ nhất là: Khi xây dựng quỹ lương kế hoạch cho các chức danh lãnh đạo và người lao động, thang bảng lương quy định tại Điều 6 Nghị định 44/2025 của Chính phủ có bắt buộc phải trùng với mức lương cơ bản hay không?
Thứ hai, doanh nghiệp có thể xây dựng mức tiền lương kế hoạch của Chủ tịch HĐQT, Trưởng Ban kiểm soát chuyên trách thấp hơn mức lương cơ bản tại Điều 20 Nghị định 44 hay không, khi Điều 21 chỉ quy định mức trần?
Ảnh minh họa.
Xung quanh thắc mắc của bà Thắm, Bộ Nội vụ cho biết: Theo Khoản 2, Điều 6 Nghị định 44/2025, doanh nghiệp được chủ động xây dựng thang, bảng lương và các khoản phụ cấp theo vị trí việc làm. Tuy nhiên, tổng tiền lương thực hiện (gồm lương, phụ cấp và các khoản bổ sung nếu có) của từng chức danh không được vượt quá tổng quỹ lương kế hoạch tương ứng đã được xác định.
Đáng chú ý, tại Điều 20 Nghị định 44, mức lương cơ bản được xác định dựa trên kế hoạch sản xuất kinh doanh của năm, quy mô doanh nghiệp, điều kiện lao động và mặt bằng thị trường lao động. Đây là căn cứ nền tảng để doanh nghiệp xây dựng quỹ lương, trong đó có tiền lương của người quản lý.
Tuy nhiên, theo Điều 21, tiền lương kế hoạch của người quản lý chuyên trách (như Chủ tịch HĐQT, Trưởng Ban kiểm soát chuyên trách, Tổng giám đốc…) được tính bằng mức lương cơ bản nhân với hệ số điều chỉnh tiền lương.
Hệ số này được xác định tùy theo hiệu quả sản xuất kinh doanh, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu, mức độ hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch, tính chất phức tạp của công việc và quy mô doanh nghiệp. Mức lương kế hoạch sau điều chỉnh không được vượt quá trần lương quy định.
Như vậy, quy định cho phép doanh nghiệp xây dựng mức tiền lương kế hoạch thấp hơn hoặc cao hơn mức lương cơ bản, tùy vào hiệu quả và điều kiện thực tế, miễn là không vượt trần. Đồng thời, Nghị định 44 không bắt buộc doanh nghiệp phải xây dựng mức lương tối thiểu bằng mức lương cơ bản.
Với quy định mới, doanh nghiệp có vốn nhà nước chi phối được trao quyền chủ động nhiều hơn trong xây dựng chính sách tiền lương, nhưng phải bảo đảm minh bạch, gắn với hiệu quả kinh doanh và trong giới hạn pháp lý cho phép.
Vũ Điệp
Nguồn VietnamNet : https://vietnamnet.vn/sep-doanh-nghiep-nha-nuoc-duoc-xep-luong-the-nao-2419661.html