Ông Nguyễn Văn Thứ kể: Những năm 2008-2010, lúc ấy là sếp một ngân hàng lớn ở Đồng Nai, ông Thứ đi thực địa tại các vùng quê với doanh nghiệp để thẩm định hợp đồng cho vay. Một lần tình cờ ra miền Trung, ông được người dân kể về sức hút của cây nha đam. Nhưng chỉ trong thời gian ngắn, người trồng phải nhổ bỏ vì các công ty sản xuất ngừng thu mua.
"Nhìn những cây nha đam tươi tốt bị bỏ đi, tôi thấy xót xa nên hình thành ý tưởng chế biến sản phẩm từ chúng để mong người dân có đầu ra ổn định", ông Thứ nói.
Ông Nguyễn Văn Thứ, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm G.C.
Ông Thứ đứng trước một trong những lựa chọn lớn nhất cuộc đời mình. “Tiếp tục sống trong vùng an toàn với một công việc đúng chuyên ngành với cương vị là phó giám đốc chi nhánh của một ngân hàng lớn có thu nhập khá cao hay bước đi một con đường mới?”, ông Thứ nhớ lại.
Khi còn công tác tại ngân hàng, những lần thẩm định và duyệt hồ sơ liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nhiều lần ông chứng kiến doanh nghiệp thành công, phát triển nhưng cũng không ít doanh nghiệp phải phá sản vì nhiều lý do: Không tìm được đầu ra cho sản phẩm, được mùa mất giá…
Gieo đồng xanh để gặt mùa vàng
Sau nhiều đêm thức trắng suy nghĩ, trăn trở, ông Thứ quyết định bước ra khỏi vùng an toàn và khởi khiệp ở tuổi 31.
Vốn là dân tài chính, ông cẩn trọng dành 2 năm thu thập dữ liệu, tìm hiểu thị trường nha đam. Tại vùng đất Ninh Thuận đầy nắng và gió, cây nha đam phát triển rất tươi tốt, cho nhiều giá trị dinh dưỡng nhưng sản phẩm mà bà con làm ra tiêu thụ rất khó khăn, được mùa thì mất giá nên thu nhập chẳng được bao nhiêu.
Song song với đó, trong một lần đi công tác, trò chuyện với doanh nhân người Nhật, ông Thứ phát hiện ra người dân của họ ưa chuộng nha đam. Do đó, ông quyết định sẽ tìm hướng đi bền vững cho loại cây đặc biệt này.
GC Food đã xây dựng một chuỗi cung ứng khép kín với các HTX, bà con nông dân ở Ninh Thuận
Đầu năm 2011, ông Thứ quyết định tay ngang lập công ty riêng (Công ty Thực phẩm G.C). Với số vốn 2 tỷ đồng từ tiền dành dụm và vay mượn ngân hàng, ông xây dựng nhà máy máy chế biến nha đam tại Đồng Nai và chọn Phan Rang (Ninh Thuận) - vùng đất có khí hậu thuận lợi - để phát triển vùng nguyên liệu.
“Là lĩnh vực trái ngành nên dù đã học hỏi nhiều kinh nghiệm và trải nghiệm thực tế nhưng G.C Food cũng gặp phải rất nhiều sự cố. Hàng loạt lô hàng xuất đi bị trả về vì hư hỏng, lần lượt mỗi lô trên dưới vài chục tấn nha đam thành phẩm, giá trị tại thời điểm đó khoảng hơn 2 tỷ đồng. Một số lô hàng bị trả về với các nguyên nhân khác nhau như lỗi sản phẩm, nhớt, mềm, có côn trùng… thiệt hại lên đến hàng tỷ đồng”, ông Thứ bùi ngùi nhớ lại.
Nhận hàng về, ông nghiên cứu lỗi sai, phát hiện quy trình của doanh nghiệp còn nhiều thiếu sót do cơ sở hạ tầng, thiết bị máy móc lạc hậu là một trong các nguyên nhân cản trở con đường xuất khẩu của cây nha đam ra thế giới.
Sau đó, ông nhờ các chuyên gia Nhật hướng dẫn xây dựng quy trình và chuyển giao các công nghệ cơ bản trong sản xuất nha đam nhằm đáp ứng đúng yêu cầu của thị trường khó tính này.
Năm 2014, ông quyết định xây nhà máy sản xuất nha đam tại Ninh Thuận với quy trình quản lý theo tiêu chuẩn Nhật Bản, khắt khe trong từng khâu. “Tôi đặt tên cho ‘đứa con’ của mình là: Cánh Đồng Việt. Đây được xem là một bước ngoặt quan trọng trong với hành trình gắn liền cây nha đam ở tỉnh Ninh Thuận”, ông bộc bạch.
Đối với hàng sản xuất thành phẩm, ông cho lưu kho một tuần để kiểm tra nhiều lần, sau đó đem đi soi chiếu để đảm bảo sản phẩm không dính bất cứ sinh vật lạ nào. Với container đóng hàng, ông chọn các đối tác uy tín và yêu cầu họ cung cấp các vỏ sạch, chưa từng chở hóa chất hay vật phẩm gây mùi. Trước khi cho đóng hàng, toàn bộ container phải được kiểm tra và phun khử khuẩn sạch sẽ.
Ông cũng mở rộng vùng trồng nguyên liệu bằng cách đến từng nhà dân đặt hàng và hướng dẫn họ trồng nha đam theo quy trình mới, ít bón phân, không phun thuốc, tiết kiệm chi phí nhưng vẫn đạt năng suất cao.
Thay vì thu hoạch nha đam hàng loạt theo mùa, ông Thứ chọn cách cắt tỉa dần. Lá nào đủ già sẽ thu hoạch trước, cứ như thế nguyên liệu có quanh năm. Nhờ thu hoạch đồng đều và ổn định, nha đam của công ty ông có chất lượng cao về độ giòn, ngọt và dinh dưỡng.
Công nhân sơ chế lá nha đam tại nhà máy chế biến nha đam VietFarm của GC Food.
Thế nhưng, chẳng có con đường nào "trải toàn hoa hồng". Khi quy trình sản xuất được quản lý theo tiêu chuẩn của quốc tế thì công ty đối mặt với việc khó khăn là người lao động có chuyên môn, tay nghề còn rất thấp nên rất khó chuyển giao quy trình sản xuất. Vì vậy, G.C Food đưa đoàn chuyên gia Nhật về hướng dẫn và tuyển dụng một nhà chuyên môn người Nhật làm việc liên tục 6 tháng tại nhà máy.
Khó khăn không dừng ở đó khi bà con tại Ninh Thuận đều mất niềm tin bởi trước đó có nhiều doanh nghiệp hứa hẹn và hỗ trợ thu mua nông sản nhưng đến ngày thu hoạch lại "biệt tăm". Do đó, ông Thứ đã làm mọi cách để thuyết phục bà con tin tưởng và làm theo quy trình sản xuất của công ty.
Vị ngọt "thực phẩm hạnh phúc"
Sau khi giải quyết được những vấn đề trên, G.C Food của ông Nguyễn Văn Thứ bắt đầu thu “trái ngọt”. Công suất của nhà máy đã tăng nhanh chóng từ 45 - 60 tấn/ngày lên 100 - 150 tấn/ngày. Các đơn hàng xuất đi Nhật, Hàn Quốc của doanh nghiệp này có tỷ lệ gặp rủi ro gần như bằng 0. Nhờ vậy, nha đam của G.C Food ngày càng có nhiều đối tác quốc tế tìm đến đặt hàng.
Dẫu vậy, khó khăn vẫn bủa vây công ty khi năng lực sản xuất giới hạn. Bởi đây là sản phẩm ngách nên các công nghệ để phục vụ sản xuất không đại trà. Thậm chí, một vài máy móc trong khâu sản xuất nha đam không có trên thị trường.
Cây nha đam được đưa vào chế biến sâu giúp cải thiện thu nhập của người dân.
Ông Thứ quyết định tuyển dụng đội ngũ kỹ sư chế tạo máy để nghiên cứu ra những công nghệ sản xuất phục vụ theo đúng nhu cầu của công ty như máy gọt vỏ, rửa lá, cắt hạt... với công suất gấp 6 lần so với hàng thô sơ ban đầu, giải quyết được áp lực về sản lượng.
Các công nghệ tại nhà máy do doanh nghiệp tự tạo hiện chiếm 50%, đáp ứng hầu hết yêu cầu khắt khe của đối tác. Công nghệ tự động hóa tại nhà máy đã dần giúp công ty giảm áp lực về lao động thời vụ. Nhiều hệ thống tự động hóa tới 70%.
Với nỗ lực vượt khó không ngừng nghỉ của G.C Food, ông Nguyễn Văn Thứ phấn khởi cho biết, hiện sản phẩm từ nha đam của G.C Food đã có mặt ở 20 quốc gia trên thế giới với sản lượng 12.000-15.000 tấn/năm, trở thành doanh nghiệp sản xuất nha đam dẫn đầu thị trường Việt.
Giá thành nguyên liệu nha đam từng nằm sát đáy 200 đồng/kg tại vườn, với quy mô ngày càng mở rộng và nhu cầu ngày càng tăng, đến nay đã tăng lên 3.000 – 4.000 đồng /kg. Nhiều hộ đã vươn lên làm giàu nhờ cây nha đam.
“Tại vùng đất Ninh Thuận, nha đam đang là cây trồng hiệu quả với lợi nhuận bình quân 300-400 triệu đồng/ha. Nhiều vùng quê canh tác nha đam cung cấp nguyên liệu cho Cánh Đồng Việt tại Ninh Thuận giờ đã thay da đổi thịt. Các hộ nông dân đang canh tác cây nha đam cho nhà máy cũng có cuộc sống ấm no, ổn định và đủ đầy hơn”, ông Thứ phấn khởi cho hay.
Đại diện HTX Xuân Phát (huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận) cho biết, trước đây, vùng đất Ninh Thuận trồng nông sản luôn trong tình trạng "được mùa mất giá", nên người dân đa số là hộ nghèo. Vài năm gần đây, khi ông Thứ tới từng hộ dân động viên, hỗ trợ giống, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm, nông dân đã thoát nghèo. Ước tính, sản lượng nha đam khoảng 1.000 tấn/năm, giá nhà máy thu mua tại ruộng 2,5 triệu đồng/tấn, số tiền thu về cho HTX là 2,5 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Thứ giới thiệu về sản phẩm thạch nha đam với khách.
Sắp tới, HTX cùng nhiều đơn vị khác sẽ mở rộng diện tích và kêu gọi thêm nông dân tham gia. "Chúng tôi không còn lo cảnh đổ bỏ hay được mùa mất giá vì sản phẩm làm ra được bao tiêu hết", đại diện HTX cho hay.
Trải qua 10 năm hình thành và phát triển, nhà máy Cánh Đồng Việt đã tăng trưởng vượt bậc nhanh chóng qua các năm, góp phần đưa Ninh Thuận thành thủ phủ lớn nhất cả nước về cây nha đam. Nhiều vùng trồng cây nha đam ở các tỉnh lân cận như Lâm Đồng, Nha Trang, Phú Yên… cũng dần hình thành.
Ngoài nha đam, G.C Food được khách hàng Nhật Bản đặt mua sản phẩm thạch dừa. Họ cử cả chuyên gia sang công ty để vấn tư vấn sản xuất. Năm 2016, GC Food mở thêm nhà máy Vinacoco (Đồng Nai) chuyên chế biến thạch dừa chất lượng cao với công suất khoảng 12.000 tấn thành phẩm/năm.
“G.C Food đã trở thành công ty sản xuất nha đam và thạch dừa lớn nhất Việt Nam và đang từng bước khẳng định vị trí số một Đông Nam Á. Mục tiêu của G.C Food trong 10 năm tới sẽ là công ty xuất khẩu nha đam và thạch dừa số 1 châu Á”, ông “vua nha đam” tự tin về lộ trình phía trước.
“Khi đã tạm thành công trên con đường đã chọn, tôi nhận ra rằng hành trình thoát ra khỏi vùng an toàn có thể giống như một cuộc phiêu lưu. Nó sẽ khiến bạn phải chấp nhận nhiều rủi ro và vượt qua nhiều khó khăn hơn. Tuy nhiên, thành quả đạt được cũng lớn hơn rất nhiều và chắc chắn sẽ mang lại cho bạn nhiều niềm vui và sự tự hào hơn. Việc dám đối mặt với những thử thách cũng khiến bạn trở nên dạn dĩ hơn, can đảm hơn”, Chủ tịch G.C Food đúc kết lại từ con đường khởi nghiệp của mình.
Lê Hoàng