Sáng 22/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi). Đa số ý kiến các đại biểu cho rằng cần xem xét lại quy định kéo dài thời hạn thanh tra, đồng thời có cơ chế kiểm soát chồng chéo giữa thanh tra với kiểm tra.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM) cho biết thanh tra ở cơ sở hầu như chưa có lực lượng thanh tra chuyên ngành, vẫn chủ yếu dựa trên liên ngành. Thời gian tới, sau khi xây dựng tổ chức thanh tra 2 cấp chính phủ và tỉnh, thành thì có thể dẫn đến việc “sếp nhiều, lính ít”.
Đồng thời, đại biểu bày tỏ băn khoăn về việc dự thảo luật chưa có giải pháp nâng cao hiệu quả, sức mạnh của lực lượng thanh tra cũng như các giải pháp tháo gỡ việc thanh tra bị “trói chân, trói tay”. Chẳng hạn như quy định thông thoáng hơn để thực hiện thanh tra đột xuất nhiều hơn thanh tra kế hoạch.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TPHCM). Ảnh: Hoàng Hà
Theo nữ đại biểu này, thanh tra kế hoạch hầu như không hiệu quả do danh sách phải công khai ít nhất từ đầu năm với sự phê duyệt của cấp trên. Trước khi đi thanh tra thì lại phải thông báo cho đơn vị, tổ chức để chuẩn bị nội dung này nội dung kia.
“Thanh tra đi đến đâu là hàng hóa được giấu hết. Các nhà thuốc đều nói với chúng tôi là không bán thực phẩm chức năng,… Rất khó để có thể bắt quả tang khi thanh tra có kế hoạch và rầm rộ thông tin trước đó”, đại biểu đoàn TPHCM phân tích.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cũng bày tỏ lo ngại, do không còn thanh tra bộ, sở, huyện, thì nhiệm vụ của Thanh tra Chính phủ và thanh tra tỉnh trở nên rất nặng nề và quan trọng. Đặc biệt là thanh tra tỉnh phải đảm đương khối lượng công việc lớn ở cơ sở. Do đó, cần có giải pháp phân công, giao nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể cho thanh tra tỉnh.
“Có những lĩnh vực cần phải có cơ quan thanh tra chuyên ngành đặc biệt, ví dụ như là vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường, hàng giả, sữa giả, hàng kém chất lượng,… Khi không còn thanh tra bộ, liệu thanh tra chính phủ có thể đảm đương hết các nhiệm vụ này hay không?”, đại biểu Hòa băn khoăn.
Thanh tra kéo dài ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị không thay đổi đơn vị thời gian từ “ngày” sang “ngày làm việc” như dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi).
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu). Ảnh: Hoàng Hà
“Việc kéo dài thời hạn thanh tra lên tới 120 ngày làm việc - tính cả thanh tra lại (tương đương khoảng 6 tháng) là quá dài, chưa phù hợp với chủ trương cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ”, đại biểu Hùng nêu rõ.
Theo đại biểu, điều này có thể ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của đối tượng thanh tra, làm giảm tính hiệu quả và kịp thời của công tác quản lý nhà nước.
Ngoài ra, đại biểu đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đề nghị ban soạn thảo cân nhắc bổ sung quy định chuyển tiếp đối với những kết luận thanh tra của các cơ quan thanh tra. Việc này là cần thiết để tránh khoảng trống pháp lý và đảm bảo sự kế thừa trách nhiệm giữa các cơ quan.
Đồng tình với việc kéo dài thời hạn thanh tra sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của đối tượng thanh tra, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) kiến nghị cần có giải trình rõ ràng hơn về việc tại sao thay đổi từ “ngày” sang “ngày làm việc” tại dự thảo luật sửa đổi.
Theo đại biểu đoàn Đồng Tháp, quy định hiện hành thời hạn thanh tra là 60 ngày. Tuy nhiên, dự thảo luật đã chuyển thành “60 ngày làm việc”. Qua tính toán sơ bộ, điều này sẽ làm tăng khoảng 40% thời gian thực tế, thành 84 ngày.
Tránh chồng chéo giữa thanh tra và kiểm tra
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Hà Nội) cho biết, dự thảo mới chỉ đề cập nguyên tắc tránh chồng chéo giữa thanh tra và kiểm toán mà chưa quy định cụ thể về kiểm soát chồng chéo giữa hoạt động thanh tra và kiểm tra.
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà (đoàn Hà Nội). Ảnh: Quốc hội
“Đây là vấn đề phổ biến, đặc biệt trong lĩnh vực quản lý doanh nghiệp. Tình trạng lặp lại các cuộc thanh tra, kiểm tra không chỉ gây tốn kém chi phí tuân thủ mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường đầu tư”, đại biểu Hà nêu rõ.
Theo đại biểu đoàn Hà Nội, Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị đã yêu cầu chấm dứt tình trạng thanh tra, kiểm tra chồng chéo, kéo dài, không cần thiết; bảo đảm nguyên tắc chỉ thực hiện thanh tra, kiểm tra mỗi năm 1 lần đối với doanh nghiệp, trừ trường hợp có vi phạm rõ ràng.
“Nếu không có cơ chế điều phối cụ thể giữa thanh tra và kiểm tra, sẽ rất khó thực hiện hiệu quả chỉ đạo này”, đại biểu nhấn mạnh.
Về vấn đề này, đại biểu Phạm Văn Hòa cũng đồng tình, kiến nghị cần có sự phân định rõ ràng và tránh chồng chéo giữa hoạt động thanh tra và kiểm tra.
Theo đại biểu đoàn Đồng Tháp, hiện nay thanh tra chuyên ngành không còn, nhưng các bộ, ngành vẫn có quyền thực hiện công tác kiểm tra chuyên ngành. Trong khi đó, thanh tra Chính phủ thực hiện nhiệm vụ thanh tra.
Đại biểu đề nghị cần có quy chế rõ ràng, tránh tình trạng một nội dung đã được thanh tra rồi lại bị kiểm tra, hoặc ngược lại, gây khó khăn và đụng chạm cho đối tượng.
“Cần phân định rõ, thanh tra là gì, kiểm tra chuyên ngành là gì. Thanh tra có quyền xử phạt, trong khi kiểm tra thường chỉ đề nghị xử lý. Sự không rõ ràng này có thể ảnh hưởng đến hoạt động của đối tượng thanh tra”, ông Hòa nói.
Thế Vinh