Đứng sau bộ phim là đạo diễn trẻ Phạm Vĩnh Khương (nghệ danh PaulDolly), người được biết đến là một trong những cá nhân tiên phong về điện ảnh ứng dụng AI tại Việt Nam và khu vực. Bộ phim được sản xuất trong vỏn vẹn 3 ngày với sự hỗ trợ của nền tảng công nghệ AS (Art Supper/AestheticSynth) do Solentic Group phát triển. Đặc biệt, toàn bộ khâu sản xuất được thực hiện chỉ với một chiếc điện thoại iPhone, không trường quay, không thiết bị cồng kềnh, không đội ngũ đông người.
Lời nguyền dưới ánh trăng kể về một con sói đột biến gen, sở hữu trí tuệ và cảm xúc giống con người. Khi bị các thế lực quân sự và khoa học phát hiện, nó trở thành đối tượng cho một chiến dịch thí nghiệm biến đổi gen nhằm tạo ra vũ khí sinh học. Tuy nhiên, hệ thống thí nghiệm thất bại, dẫn đến sự nổi dậy của những sinh vật sói lai nhân tạo tàn bạo, mất kiểm soát và chống lại loài người.
Cảnh trong phim “Shadow of the Wolf”.
Ẩn sau lớp vỏ giả tưởng là một thông điệp đầy cảnh báo con người đang ngày càng vượt qua ranh giới đạo đức khi khai thác thiên nhiên, nghiên cứu công nghệ và vũ khí sinh học. Bộ phim đặt ra những câu hỏi không dễ trả lời về cái giá phải trả của sự phát triển thiếu kiểm soát về môi trường, nhân tính.
Khác biệt hoàn toàn với điện ảnh truyền thống, phim được xây dựng theo phong cách đồ họa 3D nhập vai, vốn là ngôn ngữ thị giác của thế giới game. Sự kết hợp này tạo nên trải nghiệm điện ảnh lai, nơi cảm xúc, thị giác và dữ liệu đan xen, phản ánh đúng tinh thần thời đại số.
Chia sẻ về bộ phim, đạo diễn Phạm Vĩnh Khương khẳng định: “Thiết bị không quyết định tác phẩm. Người làm chủ công cụ mới là nhân tố sáng tạo. AI không thay thế con người, mà là công cụ để nghệ sĩ bứt phá giới hạn sáng tạo với chi phí thấp nhất.” Anh cũng nhấn mạnh vai trò học tập thực tế và đạo đức công nghệ, đặc biệt với giới trẻ trong kỷ nguyên AI.
Không chỉ là đạo diễn, Phạm Vĩnh Khương còn là người đặt nền móng cho phong trào điện ảnh AI tại Việt Nam. Từ năm 2017, anh đã bắt đầu thử nghiệm storyboard bằng AI, đến năm 2023 ra mắt “Chinese Dream”, phim điện ảnh đầu tiên trên thế giới sản xuất hoàn toàn bằng AI, không cần phần mềm dựng phim truyền thống.
Năm 2024, hàng loạt MV AI như “Ngọt Lửa Thép”, “1824”, “Mắt Bão”, “Bức Tranh Đại Việt”… gây tiếng vang. Đặc biệt, bộ phim “Chạm”, phản ánh bạo lực gia đình, sản xuất hoàn toàn bằng AI được truyền thông quốc tế như HBO, NYT, BBC, Guardian, Reuters, Le Monde... đưa tin. Bước sang 2025, bộ phim Shadow of the Wolf đánh dấu lần đầu tiên một tác phẩm điện ảnh sản xuất 100% bằng AI bước chân vào rạp chiếu.
Trong bối cảnh AI đang tái định hình các ngành sáng tạo, “Lời nguyền dưới ánh trăng” là một bộ phim tuyên ngôn công nghệ, một thử nghiệm xã hội, và là bước chuyển hóa đáng kể của nghệ thuật thứ bảy trong thời đại hậu số.
Lê Phú/Báo Tin Tức và Dân Tộc