Tòa án Hà Lan ra phán quyết ủng hộ Shell chống lại các tổ chức phi chính phủ. Ảnh AFP
Tòa phúc thẩm La Haye nhận định rằng "đơn kháng cáo của Milieudefensie không thể chấp nhận" và "do đó hủy bỏ phán quyết ban đầu", thẩm phán Carla Joustra tuyên bố.
Năm 2021, tòa án La Haye đã yêu cầu tập đoàn Anh-Hà Lan phải giảm ít nhất 45% lượng phát thải CO2 ròng của mình vào cuối năm 2030 so với năm 2019, với lý do rằng lượng khí phát thải này góp phần vào biến đổi khí hậu và các hậu quả tàn khốc của nó.
Shell đã kháng cáo vào đầu năm nay, cho rằng "không có cơ sở pháp lý nào để áp đặt các mục tiêu phát thải CO2 lên một công ty". Đối với công ty, vấn đề hành động của một doanh nghiệp trước biến đổi khí hậu không thuộc thẩm quyền của tòa án. Các tổ chức bảo vệ môi trường cáo buộc Shell còn gia tăng lượng phát thải CO2 từ sau phán quyết năm 2021.
"Chúng tôi rất vui mừng với quyết định của tòa án, điều mà chúng tôi cho là đúng đắn cho quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu, cho Hà Lan và công ty của chúng tôi", ông còn phát biểu thêm. "Mục tiêu trở thành một công ty năng lượng có phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 vẫn là trọng tâm trong chiến lược của Shell và mang tính thay đổi đối với hoạt động kinh doanh của chúng tôi... Điều này bao gồm nỗ lực tiếp tục giảm một nửa phát thải từ các hoạt động của chúng tôi vào năm 2030", ông nói thêm trong một thông cáo báo chí.
Việc bác đơn kháng cáo đã gây "đau lòng", Giám đốc Milieudefensie, chi nhánh Hà Lan của tổ chức Friends of the Earth, cho biết trong một tuyên bố. "Chúng tôi nhận thấy rằng thông qua vụ việc này đã giúp đảm bảo rằng các nguồn gây ô nhiễm lớn không thể thoát khỏi trách nhiệm và đã thúc đẩy thêm cuộc tranh luận về trách nhiệm của họ trong cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu nguy hiểm", ông nói.
Hiện tại, hai bên vẫn có thể tiếp tục kháng cáo lên Tòa án tối cao, nơi sẽ tập trung nhiều hơn vào các khía cạnh thủ tục hơn là các yếu tố thực tế.
Trong những tháng gần đây, giống như BP, Shell đã lùi bước trong một số mục tiêu khí hậu, gây thất vọng cho các nhà hoạt động môi trường khi đặt trọng tâm vào dầu mỏ và khí đốt nhằm gia tăng lợi nhuận.
“Người dân chống lại Shell”
Quy trình pháp lý được mở đầu với tên gọi “Người dân chống lại Shell” đã được khởi xướng vào tháng 4 năm 2019 bởi một số tổ chức phi Chính phủ, bao gồm Milieudefensie và Greenpeace. Hơn 17.000 công dân Hà Lan cũng đã tham gia với tư cách nguyên đơn.
Phán quyết này từng được các nhà hoạt động bảo vệ môi trường đánh giá là "lịch sử", họ cho rằng chưa từng có tập đoàn đa quốc gia nào bị tòa án buộc phải tuân thủ Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu năm 2015.
Thỏa thuận Paris năm 2015 cam kết tất cả các quốc gia phải giảm đáng kể lượng phát thải carbon nhằm hạn chế sự nóng lên của Trái Đất ở mức 2°C so với thời kỳ tiền công nghiệp và khuyến khích giảm xuống còn 1,5°C.
H.Phan
AFP