Shipper TP.HCM quay cuồng vào giờ ăn trưa của dân văn phòng

Shipper TP.HCM quay cuồng vào giờ ăn trưa của dân văn phòng
3 giờ trướcBài gốc
Nhận đơn đồ ăn trưa từ Nguyễn Đình Chiểu giao đến tòa văn phòng Bitexco (quận 1, cách nhau hơn 2 km), Đăng Khoa (ngụ quận 1) cảm thấy "sốt ruột" khi bị kẹt hơn 10 phút trên đường Phạm Ngọc Thạch, đoạn qua Hồ Con Rùa.
"Mỗi lần giao hàng vào giờ trưa, tôi rất áp lực vì dân văn phòng chỉ có khoảng 1-1,5 tiếng để ăn uống, nghỉ ngơi rồi làm việc tiếp. Nếu hôm nào gặp kẹt xe thì xác định phải xin lỗi khách, nếu không họ sẽ đánh giá thấp vì giao trễ", Đăng Khoa nói với Tri Thức - Znews.
Thời gian giao hàng kéo dài vì kẹt xe là áp lực chung của các tài xế giao đồ ăn tại TP.HCM những ngày gần đây, đặc biệt vào khung giờ ăn trưa của dân văn phòng, thường hạn chế trong khoảng 1 tiếng.
Nhiều tài xế chọn từ chối nhận đơn "nổ" vào khung giờ cao điểm này nếu phải đi qua các đoạn đường ùn ứ, hoặc phải gọi điện để mong khách thông cảm nếu thời gian giao đơn kéo dài trên 30 phút.
Anh Đăng Khoa áp lực vì giao đơn trễ hơn do kẹt xe.
Chạy đua trong hơn 1 tiếng ăn trưa của dân văn phòng
Bắt đầu bật app nhận đơn từ 9h, suốt gần 3 tiếng, anh Khoa liên tục gặp cảnh kẹt xe, như trên đoạn đường Nguyễn Du hay Mai Thị Lựu.
Anh cho biết tình trạng kẹt xe diễn ra trong thời gian gần đây ảnh hưởng không nhỏ đến công việc của những tài xế giao đồ ăn như mình.
"Bình thường, một đơn hàng của tôi chỉ tốn 15-20 phút trên đường từ quán giao đến tay khách hàng. Tuy nhiên, gần đây, thời gian này kéo dài thêm 15 phút vì kẹt xe. Tỷ lệ đánh giá trên ứng dụng của tôi cũng giảm vì đơn hàng giao lâu hơn, khách phàn nàn mất quá nhiều thời gian", anh nói.
Anh Khoa cho biết tỷ lệ bị hủy đơn có cao hơn trước. Tuy nhiên, đa số khách cũng hiểu và thông cảm khi anh nhắn tin xin lỗi về sự chậm trễ do kẹt xe, không đánh giá quá thấp.
Sự thông cảm từ khách hàng cũng là điều khiến anh Phát Huy (ngụ quận Gò Vấp) cảm thấy may mắn khi nhiều lần giao đơn chậm hơn do kẹt xe trong thời gian gần đây.
Anh Huy thường xuyên giao cơm cho dân văn phòng ở quận 1, quận 3 và Bình Thạnh. Trước đây, di chuyển 3 km sẽ tốn tầm 5-10 phút, nhưng tình trạng kẹt xe đang khiến thời gian này tăng lên gấp đôi.
"Với những lần trễ đơn, tôi sẽ nhắn tin nhờ khách thông cảm. Đa số thấu hiểu và chấp nhận đợi tôi", anh nói.
Anh Huy cho biết với ứng dụng đặt đồ ăn mà anh đăng ký, trung bình mỗi ngày phải chạy 35 đơn. "Bình thường tôi chạy đến 17h là xong nhưng giờ kẹt xe, có khi kéo đến 19h-20h", anh nói.
Thường đi qua những tuyến đường vốn nổi tiếng kẹt xe như Phan Văn Trị (đoạn gần Emart Gò Vấp, giao Phạm Văn Đồng), anh nhận thấy giờ đây đoạn ùn ứ kéo dài gấp đôi. "Tôi phải chặt hẻm, luồn lách rất nhiều để đi cho kịp đơn đồ ăn".
Thời gian giao đơn của anh Huy tăng gấp đôi vì kẹt xe.
11h30, anh Nguyễn Linh Phong (ngụ quận 12) giao đơn hàng đồ ăn từ quận 4 đến tòa văn phòng Bitexco.
"Mất thời gian hơn nhiều lắm, tôi không ước chừng nổi, bởi trước đây sẽ có khung giờ kẹt xe còn bây giờ thì lúc nào cũng có thể kẹt được. Mỗi ngày, tôi làm việc từ 8-19h, có nhiều đơn hơn vào những khung giờ ăn trưa, ăn tối, cũng là những lúc dễ xảy ra kẹt xe nhất", anh nói.
Kẹt xe khiến thời gian di chuyển để giao mỗi đơn kéo dài, khiến nam tài xế mệt mỏi và hao tốn tiền xăng hơn. Thời gian để hoàn thành một cuốc kéo dài khiến số đơn anh Phong nhận được cũng giảm 10%.
"May mắn, khách hàng cũng biết đến tình hình kẹt xe đang diễn ra nên cũng thông cảm, tôi sẽ gọi điện báo nếu thời gian giao đơn kéo dài", anh chia sẻ.
Theo các tài xế giao hàng, tình trạng kẹt xe tăng cao có thể vì trùng vào cao điểm di chuyển, mua sắm những ngày cận Tết. Họ nhận thấy sau khi hệ thống đèn tín hiệu cho phép rẽ phải khi đèn đỏ được lắp ở nhiều chỗ, tình trạng kẹt xe có giảm nhẹ.
"Điều tích cực là sau khi mức phạt tăng cao để răn đe ý thức, mọi người thực hiện quy định về tín hiệu đèn rất nghiêm chỉnh, không còn cảnh tắc cứng ở các giao lộ, cánh tài xế như chúng tôi cũng thấy an toàn hơn khi chạy xe ngoài đường", anh Đăng Khoa bày tỏ.
Áp lực vì kẹt xe 40 phút
Trong buổi họp về tình hình giao thông trên địa bàn TP.HCM, công tác phục vụ Tết Nguyên đán ở các "điểm nóng" giao thông ngày 13/1, ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM (GTVT), xác nhận lưu lượng xe trên các tuyến đường tại thành phố gần đây cao hơn hẳn so với cùng kỳ 2024.
Theo đó, mật độ xe tăng cao ở khu trung tâm thành phố, quanh Tân Sơn Nhất, quận Bình Thạnh… dẫn đến ùn tắc, người dân di chuyển khó khăn. Dữ liệu từ trung tâm điều khiển cho thấy lượng xe ở tuyến đường trung tâm thành phố tăng khoảng 17%.
Tình trạng kẹt xe kéo dài ở một số cung đường trên địa bàn thành phố cũng khiến nhiều dân văn phòng gặp khó lúc đặt cơm trưa, khi các tài xế né giao hàng xa hoặc từ chối đi qua các đoạn đường ùn ứ.
11h13 ngày 14/1, phóng viên Tri Thức - Znews thử đặt suất đồ ăn từ một quán cơm trên đường Nguyễn Tất Thành (quận 4) tới tòa văn phòng trên đường Nguyễn Cơ Thạch (TP Thủ Đức). Thời gian nhận đồ ăn dự kiến là 12h05.
Tuy nhiên, đến 11h39, ứng dụng vẫn thông báo tài xế "đều đang bận", cần thêm thời gian để tìm người, đến 11h45 mới có người nhận đơn.
Ứng dụng thông báo phải đến 12h19 mới có thể nhận được đơn này. Thực tế, 12h30, đồ ăn mới được giao tới.
Anh Vĩnh Thiên phải đi qua đoạn đường kẹt 40 phút mới giao được đơn ăn trưa.
Anh Vĩnh Thiên (ngụ quận 11), shipper giao đơn hàng này, cho biết quãng đường 4 km nhưng kẹt xe đến 40 phút.
Là tài xế thường xuyên giao đồ ăn trưa cho dân văn phòng, anh Thiên cho biết rất áp lực vì nhóm khách này có thời gian nghỉ trưa cố định, quá giờ đó họ phải làm việc, không ăn được nên phải cố chạy nhanh nhất có thể. Những đơn gần đây đa số là đơn ghép nên đi cũng lâu hơn.
"Thật sự cũng rất áp lực. Thời gian này, số chuyến của tôi không giảm nhưng bị hủy đơn quá nhiều. Ví dụ những khi giao nước ép, sinh tố, kẹt xe quá lâu làm đá tan; thế là khách phàn nàn hoặc hủy đơn, cũng đành chịu. Như đơn hàng cơm gà vừa rồi, nhiều tài xế nhận rồi lại hủy vì biết sẽ phải đợi lâu và kẹt xe, khả năng bị đánh giá thấp rất cao", anh nói.
Thông thường, anh chạy từ 10-21h sẽ đạt khoảng mười mấy đơn, nhưng gần đây kẹt xe nên sẽ phải làm việc lâu hơn để đạt được số lượng này.
Anh Thiên cho biết làm nghề giao hàng đã được 3 năm. Thời gian gần đây vất vả hơn nhưng thu nhập của anh trong năm nay có cải thiện so với những năm trước. Vì vậy, anh dự tính sẽ "cày cuốc" đến tận ngày 28 âm lịch mới nghỉ Tết.
"Kẹt xe ở TP.HCM làm tôi bức bối, chạy xe suốt cũng đau nhức khắp người, nhưng công việc này là thế, biết làm sao được", anh bày tỏ.
Đào Phương - Đức An
Nguồn Znews : https://lifestyle.znews.vn/shipper-tphcm-quay-cuong-vao-gio-an-trua-cua-dan-van-phong-post1524974.html