Shipper và xe ôm công nghệ tại TP.HCM sẽ chuyển sang xe điện thế nào?

Shipper và xe ôm công nghệ tại TP.HCM sẽ chuyển sang xe điện thế nào?
6 giờ trướcBài gốc
Ảnh: Duy Hiệu.
Năm 2014, khách hàng Việt Nam lần đầu biết đến khái niệm "xe ôm công nghệ". Sự hiện diện của Uber và Grab cách đây 10 năm mở đầu cho một xu hướng di chuyển mới trong đô thị bằng xe 2 bánh, phần nào giảm phương tiện giao thông cá nhân.
Shipper, xe ôm công nghệ đang chạy xe gì?
Ở một quốc gia mà lượng xe máy cá nhân cao gấp 11 lần phương tiện xe 4 bánh như Việt Nam, các ứng dụng xe ôm công nghệ bao gồm Grab, Uber và sau này là Gojek, Be hay Xanh SM nhanh chóng trở nên phổ biến.
Cho đến trước khi làn sóng xe máy điện bắt đầu ảnh hưởng đến Việt Nam, phần lớn đối tác của các ứng dụng gọi xe công nghệ đều lựa chọn các mẫu xe động cơ đốt trong làm phương tiện hoạt động.
Xe máy động cơ đốt trong vẫn khá phổ biến với giới xe ôm công nghệ tại Việt Nam. Ảnh minh họa: Grab.
Nhờ sở hữu thị phần lớn nhất Việt Nam ở mảng xe 2 bánh, các mẫu xe của Honda cũng là nhóm phương tiện có độ phổ biến bậc nhất trong cộng đồng tài xế xe ôm công nghệ. Số này bao gồm chủ yếu các mẫu xe số do giá rẻ và chi phí sử dụng thấp, nhưng sau đó nhiều đối tác của các ứng dụng gọi xe cũng đã chọn xe tay ga làm phương tiện di chuyển.
Yamaha cũng là thương hiệu được các bác tài xe ôm công nghệ lựa chọn, tuy không nhiều bằng Honda. Những thương hiệu xe 2 bánh phổ biến khác ở Việt Nam gồm SYM, Suzuki gần như vắng bóng trên đường phố ở vai trò phương tiện di chuyển của các bác tài xe ôm công nghệ.
Tháng 5/2023 đánh dấu lần đầu tiên một hãng xe máy điện hợp tác cùng dịch vụ gọi xe công nghệ tại Việt Nam. Khi ấy, Gojek bắt tay cùng Dat Bike để thực hiện các dịch vụ chở khách (GoRide), giao đồ ăn (GoFood) và giao hàng (GoSend) bằng xe máy điện Dat Bike Weaver++.
Gojek từng bắt tay Dat Bike triển khai xe máy điện trong các dịch vụ tại Việt Nam. Ảnh: Dat Bike.
Đến tháng 9/2023, dịch vụ Xanh SM Bike đặt chân đến TP.HCM, cho phép khách hàng thông qua ứng dụng để gọi xe ôm điện. VinFast Feliz S là dòng xe đầu tiên được Xanh SM Bike triển khai tại TP.HCM và đến nay, dịch vụ xe ôm điện của đơn vị này đã có thêm Evo200.
Tính đến hiện tại, Xanh SM vẫn là cái tên duy nhất tại Việt Nam sử dụng xe máy điện cho toàn bộ đội hình xe ôm công nghệ.
Ở các ứng dụng khác như Grab, Be hay GV, vẫn có số ít bác tài xe ôm công nghệ chọn xe máy điện VinFast, Selex làm phương tiện di chuyển, tuy nhiên chủ yếu vẫn là các dòng xe động cơ đốt trong của Honda, Yamaha.
Xanh SM là đơn vị đầu tiên sở hữu đội xe ôm công nghệ hoàn toàn là các mẫu xe máy điện. Ảnh minh họa: Đức An.
Tương tự, các ứng dụng giao hàng như Ahamove, Lalamove, GHTK, GHN, LEX cũng sử dụng chủ yếu xe 2 bánh động cơ đốt trong. Xanh SM cũng đã có dịch vụ giao hàng và đây tiếp tục là ứng dụng có tỷ lệ 100% shipper sử dụng xe máy điện.
Ở TP.HCM, xe máy điện Honda Benly e: không dễ bắt gặp do là phương tiện di chuyển được sử dụng giới hạn bởi Tổng công ty Bưu điện Việt Nam. Một đơn vị kinh doanh thức ăn nhanh ở TP.HCM cũng sử dụng mẫu xe điện Honda này để giao hàng, tuy nhiên với số lượng không quá lớn.
Thách thức nào khi "điện hóa" xe ôm công nghệ?
Trong buổi làm việc với Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được, tập đoàn Vingroup cho biết đang hợp tác cùng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM và trường Đại học VinUni để hoàn thiện kế hoạch tổng thể, nhắm đến chuyển đổi 400.000 xe máy của nhóm tài xế công nghệ và giao hàng 2 bánh tại TP.HCM sang xe điện.
Nằm trong kế hoạch này, các đơn vị đã thực hiện khảo sát thực địa, xác định nhu cầu triển khai, địa điểm nghỉ ngơi kết hợp trạm sạc điện cho nhóm tài xế xe ôm công nghệ, giao hàng 2 bánh tại TP.HCM.
Trong tháng 6, các đơn vị sẽ hoàn thiện kế hoạch tổng thể và dự kiến tháng 7 sẽ là thời điểm tổ chức hội thảo công bố chính thức chương trình cũng như lộ trình thực hiện.
Với sự tham gia của Vingroup, nhiều khả năng đội ngũ xe ôm công nghệ tại TP.HCM sẽ sớm được điện hóa bằng dải sản phẩm VinFast hiện hữu.
VinFast Evo200 đang được nhiều người Việt sử dụng làm phương tiện chạy xe ôm công nghệ. Ảnh: Bối Hạ.
Chẳng hạn, các ứng dụng xe ôm công nghệ khác có thể sử dụng VinFast Evo200 cùng VinFast Feliz S như cách Xanh SM Bike đang triển khai. Một số lựa chọn xe máy điện VinFast khả dĩ cho đội hình xe ôm công nghệ còn bao gồm Evo Neo, Feliz Neo hay thậm chí cả Vento Neo.
Tuy vậy, điểm hạn chế trong dải sản phẩm xe máy điện hiện tại của VinFast là sự thiếu vắng một mẫu xe chuyên dùng cho hoạt động giao hàng. Honda đã có Benly e:, còn Selex cũng cung cấp Camel 1 với thiết kế đặc thù phù hợp cho hoạt động của shipper, đặc biệt khi phải giao các món đồ cồng kềnh.
Hãng xe điện Việt sẽ cần cho ra mắt một mẫu xe máy điện chuyên dụng cho mục đích giao hàng, tương tự kiểu dáng của Honda Benly e: hay Selex Camel 1 để phục vụ cho nhóm khách hàng riêng biệt.
Những mẫu xe máy điện như Honda Benly e: có thiết kế đặc thù phù hợp cho mục đích giao hàng. Ảnh: Vĩnh Phúc.
Việc điện hóa diện rộng cũng có thể trở thành thách thức không nhỏ cho các đơn vị có liên quan. Cơ sở hạ tầng trạm sạc hay thời gian sạc xe cần là vấn đề được quan tâm hàng đầu, bởi hoạt động của xe ôm công nghệ và giao hàng thường diễn ra liên tục với tốc độ nhanh, đòi hỏi phương tiện làm việc gần như phải luôn trong trạng thái sẵn sàng.
Đối với các tài xế xe 2 bánh chở khách hay chở hàng, phần lớn đối tác shipper, xe ôm công nghệ vẫn còn quen với việc sử dụng xe máy xăng cũng là thách thức không nhỏ trong kế hoạch này. Chuyển đổi phương tiện có thể khiến việc kinh doanh vận tải của tài xế bị gián đoạn khi phải đăng ký lại với các ứng dụng gọi xe.
Đối với các công ty vận tải hành khách hay hàng hóa bằng xe 2 bánh, ngoài Xanh SM sử dụng hoàn toàn là xe điện, những cái tên khác như Grab, Be đều không quá tập trung vào câu chuyện tài xế sử dụng xe điện hay xe xăng ở thời điểm hiện tại. Be có một vài ưu đãi cho tài xế chuyển sang dùng xe VinFast như giảm giá xe 4%, lãi suất vay 0%...
Nhìn chung, kế hoạch điện hóa 400.000 xe máy của shipper, tài xế công nghệ tại TP.HCM là phù hợp trong định hướng giảm thiểu phát thải cho đô thị này. Tuy nhiên khác với ôtô điện có chi phí vận hành khác biệt rất lớn so với xe xăng, xe máy điện sẽ gặp nhiều khó khăn hơn để chuyển đổi "hoàn toàn" từ xe xăng.
Để kế hoạch điện hóa này sớm thành hiện thực, có lẽ cần những chính sách từ các cơ quan chức năng ví dụ như hỗ trợ chi phí cho việc chuyển đổi xe xăng sang xe điện hay lộ trình cấm xe xăng vào các khu trung tâm.
Khi lộ trình Net Zero vào năm 2050 của Việt Nam vẫn đang đi đúng hướng, việc chuyển đổi nhóm phương tiện này sang xe máy điện là có thể thực hiện được, nhưng sẽ cần thời gian.
Phúc Hậu
Nguồn Znews : https://lifestyle.znews.vn/shipper-va-xe-om-cong-nghe-tai-tphcm-se-chuyen-sang-xe-dien-the-nao-post1554413.html