Di tích lịch sử văn hóa Nhà thờ họ Lê Sỹ là nơi thờ nhà canh tân Lê Trọng Nhị.
Ông sinh năm 1880 ở làng Ất (nay thuộc thị trấn Nưa) trong gia đình có truyền thống học hành. Cha ông là Lê Ngọc Toản từng làm Tri phủ. Về sau, ông tham gia phong trào Cần vương, giữ chức Tán tương quân vụ Nông Cống. Cuối đời, ông trở về quê nhà làm nghề dạy học cho trẻ trong vùng.
Từ nhỏ Lê Trọng Nhị đã tiếp nhận sự học từ ông nội và cha đều là những người học rộng, hiểu sâu. Thông minh lại chăm chỉ học hành, dù tuổi còn trẻ song Lê Trọng Nhị đã tỏ rõ là người có đầu óc nhạy bén. Sinh thời, ông còn được biết đến là người tài hoa, thông thạo nhiều môn nghệ thuật như tuồng, chèo.
Năm 23 tuổi, dưới triều vua Thành Thái, Lê Trọng Nhị thi đỗ cử nhân. Tuy nhiên, là người thức thời, trước tình cảnh đất nước, triều đại thời bấy giờ, Lê Trọng Nhị đã sớm xác định con đường lập thân. Trong những năm tháng tuổi trẻ, ông hưởng ứng nhiều phong trào yêu nước... Thông qua các hoạt động, Lê Trọng Nhị cũng sớm tiếp cận với nhiều tư tưởng tiến bộ của các nhà yêu nước như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh... Từ đó, hiểu hơn về các phong trào cách mạng trên thế giới. Là một sĩ phu yêu nước, lại là người có tư tưởng cấp tiến, Lê Trọng Nhị khát khao một cuộc cách mạng của dân tộc, cuộc cách mạng ấy có thể giúp cho người dân Việt thoát khỏi cuộc đời nô lệ lầm than, thoát cảnh sưu cao, thuế nặng...
Khát khao đó đã thôi thúc ông hiến dâng và hành động. Năm 1908, khi phong trào chống sưu thuế ở miền Trung lan ra đến Thanh Hóa, Lê Trọng Nhị đã cùng các sĩ phu trong tỉnh tham gia soạn thảo và phát tán bản hiệu triệu, vận động sĩ phu và Nhân dân đứng lên chống sưu thuế. Lo sợ về việc bùng nổ một phong trào cách mạng mới, thực dân Pháp đã tập trung đàn áp, các nho sĩ liên quan đều bị bắt nhốt. Và Lê Trọng Nhị bị kết án, đi khổ sai ở nhà tù Côn Đảo.
Tuy nhiên, nơi ngục tù tăm tối và khắc nghiệt chẳng thể thui chột khát vọng sống của bậc sĩ phu. Trong thời gian bị cầm tù ở Côn Đảo, Lê Trọng Nhị lại có dịp tiếp xúc với nhiều sĩ phu yêu nước trong các phong trào Đông Du, Duy Tân, Đông Kinh Nghĩa Thục bị giam, từ đó càng nung nấu ý chí đổi thay. Sau 9 năm bị cầm tù, khi “sức tàn, lực kiệt”, Lê Trọng Nhị mới được thực dân Pháp thả tự do.
“Trở về quê nhà năm 37 tuổi, chứng kiến cuộc sống lầm than cơ cực, lạc hậu, chia rẽ của dân làng Cổ Định, ông rất đau xót. Ông quyết định mở cuộc canh tân làng xã nhằm thay đổi phong tục tập quán thôn quê, phát triển kinh tế, cải thiện đời sống sinh hoạt... Chủ trương canh tân làng xã của ông xuất phát từ lợi ích của dân nên được mọi người đồng tình ủng hộ” (sách Danh nhân Thanh Hóa).
Để thực hiện việc canh tân làng xã, sĩ phu Lê Trọng Nhị đã quyết định bán đi gia sản để có tiền lo việc. Ông hiểu rằng, để nâng cao dân trí thì không có con đường nào khác ngoài việc học. Và ông quyết tâm xin mở trường - “chống lại” chính sách ngu dân của chính quyền thực dân.
Theo các tài liệu, thời bấy giờ, ở tổng Cổ Định, chính quyền thực dân đã mở một trường tiểu học sơ đẳng học tại Cầu Nhân (nay thuộc xã Tân Khang, huyện Nông Cống). Vì thế, việc mở thêm một trường học trong vùng gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, khó khăn không nản, Lê Trọng Nhị và một số lão phu có uy tín nhiều lần làm đơn gửi Toàn quyền Pháp ở Đông Dương. Cuối cùng, đề xuất mở trường học trên đất Cổ Định cũng được chấp thuận. Tuy nhiên, kinh phí xây trường do người dân tự đóng góp.
Trường Sơ đẳng Pháp Việt làng Cổ Định được sĩ phu Lê Trọng Nhị thành lập năm 1923 là tiền thân của Trường Tiểu học thị trấn Nưa ngày nay.
Và theo sách Danh nhân Thanh Hóa: “Để đảm bảo chất lượng dạy và học lâu dài, ông (tức Lê Trọng Nhị) dành một mảnh đất trong vườn nhà mình làm nhà mời thầy giáo Nguyễn Khoa ở thị xã Thanh Hóa về ở giúp ông thiết kế, thi công xây trường và dạy học... Trong mọi công việc, ông luôn là người đứng mũi chịu sào. Năm 1923, Trường Sơ đẳng Pháp Việt làng Cổ Định ra đời, có 3 phòng học... năm 1927, trường có 5 phòng học liền kề, một dãy nhà xây bằng gạch, phòng học rộng rãi... thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông, trang thiết bị phòng học khá đầy đủ... Nhờ có ngôi trường Cổ Định, dân trí trong làng được nâng cao, số người biết chữ tăng nhanh so với người dân trong tổng”.
Không chỉ chú trọng nâng cao dân trí, Lê Trọng Nhị còn phát động người dân làm kinh tế, nâng cao đời sống vật chất. Ông hướng dẫn người dân các thôn, làng tích cực khai hoang, mở mang diện tích trồng trọt; đào mương dẫn nước. Cùng với đó, lập ra các phường, hội để hỗ trợ nhau, như phường nung vôi đúc gạch; hội cấy, hội cày... Các phường, hội không chỉ thúc đẩy việc phát triển kinh tế tại địa phương mà từ đây còn cố kết cộng đồng, đùm bọc sẻ chia.
Sĩ phu Lê Trọng Nhị cũng được biết đến là người đã có những thúc đẩy trong giao thương, buôn bán tại địa phương. Truyền ngôn tại địa phương cho biết, ông đã vận động dân làng cùng nhau đóng góp tiền của, công sức để xây dựng chợ Nưa. Nằm ở vị trí giao thương thuận lợi, chợ Nưa bấy giờ nhanh chóng trở thành nơi buôn bán các mặt hàng từ nông, lâm, thổ, thủy sản, hàng thủ công; mua bán trâu bò, gia súc; bên cạnh đó còn có các cửa hiệu kim hoàn, hiệu may, hiệu thuốc bắc, lò rèn... “Với việc xây dựng chợ Nưa, Cổ Định đã trở thành trung tâm giao lưu buôn bán, trao đổi hàng hóa sầm uất của huyện".
Khi đời sống kinh tế của người dân đã được nâng lên, sĩ phu Lê Trọng Nhị lại vận động dân làng cùng nhau xây dựng nếp sống mới, cải thiện các điều kiện sinh hoạt vệ sinh phù hợp. Thay vì dùng giếng đất ông vận động dân làng xây giếng. Rồi sửa sang đường làng, ngõ xóm cho phong quang, dọc sông Lãng xây các bến nước, lát đá, bắc cầu để việc đi lại được thuận tiện. Và trong các công trình kiến trúc đình, chùa, đền, miếu ở đất Cổ Định xưa, người dân nơi đây đến nay vẫn luôn nhắc nhớ nhau về vai trò của tiền nhân Lê Trọng Nhị với tấm lòng biết ơn.
“Công cuộc canh tân làng xã ở Cổ Định kéo dài trên hai thập kỷ, đã thúc dậy tư tưởng dân chủ dân quyền, ý chí tự lực, tự cường, niềm tin vào khả năng sáng tạo của mỗi người dân Cổ Định. Nhờ công cuộc canh tân, trình độ dân trí trong làng được mở mang, kinh tế phát triển hơn trước, đời sống người dân được cải thiện rõ rệt. Tiếng vang của cuộc canh tân do Lê Trọng Nhị khởi xướng và lãnh đạo ở Cổ Định đã lan truyền khắp các huyện trong tỉnh...”.
Sau một vòng tham quan làng xã Cổ Định xưa, về lại di tích lịch sử văn hóa Nhà thờ họ Lê Sỹ, nơi thờ phụng và cả lưu giữ văn bia, hiện vật, tài liệu liên quan đến cuộc đời sĩ phu Lê Trọng Nhị, thắp nén hương thơm lên ban thờ tiền nhân, ông Lê Ngọc Cừ, hậu duệ dòng họ Lê Sỹ tự hào cho biết: “Cụ là người cấp tiến, có tư tưởng tiến bộ với nhều đóng góp cho quê hương. Cùng với đó, cụ cũng là một người dân yêu nước, luôn sục sôi ý chí cách mạng. Dù ngày nay xã hội đã có nhiều phát triển, đổi thay song những dấu ấn để lại của tiền nhân Lê Trọng Nhị với đất và người Cổ Định vẫn luôn được hậu thế đề cao, nhắc nhớ và noi gương” n
(Bài viết có tham khảo, sử dụng nội dung trong sách Danh nhân Thanh Hóa và một số tài liệu lưu giữ tại địa phương).
Bài và ảnh: Khánh Lộc