Siết chặt chuẩn mực nghề di sản: Không trục lợi, không bóp méo giá trị văn hóa

Siết chặt chuẩn mực nghề di sản: Không trục lợi, không bóp méo giá trị văn hóa
20 giờ trướcBài gốc
Quy tắc gồm 3 chương với 10 điều, quy định rõ những nguyên tắc, hành vi chuẩn mực nhằm bảo vệ giá trị gốc và ngăn chặn nguy cơ trục lợi trong quá trình quản lý, bảo tồn, phát huy di sản.
Phù điêu Apsara Trà Kiệu - Ảnh: Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng
Bản quy tắc đưa ra yêu cầu cụ thể đối với từng lĩnh vực: bảo tàng, di tích, di sản văn hóa phi vật thể và di sản tư liệu. Trong đó, người làm công tác bảo tàng phải tuyệt đối tuân thủ pháp luật về di sản văn hóa, tôn trọng giá trị di sản không chỉ trong bảo quản mà cả trong công tác truyền dạy và giáo dục.
Quy tắc nhấn mạnh thái độ chuyên nghiệp, lịch sự, tôn trọng khách tham quan, đối tác, đồng nghiệp. Thông tin về hiện vật, sưu tập hiện vật hoặc các sự kiện lịch sử, văn hóa phải được cung cấp chính xác, trung thực. Người làm nghề có trách nhiệm bảo quản hiện vật một cách cẩn trọng, đồng thời giữ bí mật thông tin liên quan đến hiện vật theo quy định, không tùy tiện công bố hay chuyển giao khi chưa có sự đồng ý của cấp có thẩm quyền.
Ngoài ra, quy tắc cấm mọi hành vi phân biệt đối xử với đồng nghiệp hoặc khách tham quan; cấm lợi dụng công việc để thu lợi cá nhân, tiếp tay cho buôn bán, vận chuyển trái phép di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia và di sản thiên nhiên. Người làm nghề cũng không được môi giới, sưu tầm, kinh doanh, trao đổi hiện vật có nguồn gốc bất hợp pháp; không tư vấn, tiết lộ thông tin mua bán hiện vật cho tổ chức, cá nhân khi chưa được phép.
Đối với người làm công tác di tích, quy tắc yêu cầu tuyệt đối bảo vệ tính toàn vẹn của di tích, không thực hiện hành vi có thể làm tổn hại đến yếu tố gốc, không xuyên tạc, bóp méo giá trị lịch sử của di tích. Mọi quyết định liên quan đến tu bổ, bảo vệ, phát huy giá trị di tích phải dựa trên nghiên cứu khoa học cẩn trọng và thông tin đáng tin cậy.
Người làm công tác di tích cũng bị nghiêm cấm lợi dụng danh nghĩa, chức vụ để mưu cầu lợi ích cá nhân; tự ý bảo quản, tu bổ di tích khi chưa có sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền; đào bới, tìm kiếm di vật trái phép tại khu vực bảo vệ di tích hoặc địa điểm khảo cổ.
Với lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, bản quy tắc yêu cầu tôn trọng tuyệt đối quyền sáng tạo, thực hành, hưởng thụ văn hóa của cộng đồng chủ thể di sản. Người làm nghề không được lợi dụng công tác bảo vệ, phát huy di sản phi vật thể vào mục đích trục lợi hoặc làm sai lệch giá trị di sản.
Riêng với di sản tư liệu, quy tắc yêu cầu giữ gìn tính toàn vẹn, không làm biến đổi thông tin gốc trong quá trình phục chế, bảo quản. Người làm nghề phải phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị trong và ngoài nước để bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu, tuyệt đối không xâm nhập trái phép cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản.
Việc ban hành quy tắc ứng xử nghề nghiệp lần này được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao ý thức, đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, chuyên gia, nhân viên đang trực tiếp làm công tác bảo tồn di sản văn hóa trên cả nước.
Vân Anh
Nguồn Công Luận : https://congluan.vn/siet-chat-chuan-muc-nghe-di-san-khong-truc-loi-khong-bop-meo-gia-tri-van-hoa-10286796.html