Siết chặt hoạt động tàu du lịch

Siết chặt hoạt động tàu du lịch
2 ngày trướcBài gốc
Trong ngày 23-7, lực lượng chức năng vẫn tiếp tục triển khai công tác tìm kiếm 2 nạn nhân còn mất tích trong vụ lật tàu Vịnh Xanh 58 trên vịnh Hạ Long vào chiều 19-7. Ngoài 2 người còn mất tích, 10 người được cứu sống, sự cố đặc biệt nghiêm trọng này đã làm 37 người thiệt mạng.
Vụ chìm tàu Vịnh Xanh 58 trên vịnh Hạ Long vào ngày 19-7 gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, nhiều địa phương gấp rút triển khai các biện pháp chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý nhằm bảo đảm an toàn cho các phương tiện vận tải thủy, đặc biệt là tàu du lịch hoạt động trên sông, vịnh, khu vực biển...
Bài học từ tàu Vịnh Xanh 58
Câu hỏi nhiều người đặt ra là tàu Vịnh Xanh 58 có phải thiết kế, đăng kiểm và hoạt động theo tiêu chuẩn tàu thủy nội địa - tiêu chuẩn của tàu sông nhưng được chạy trên vịnh Hạ Long - khu vực biển có sóng, gió lớn hơn nhiều so với sông?
Liên quan vấn đề này, ông Bùi Hồng Minh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ninh, cho biết tại Quyết định số 4088/2015/QĐ-UBND ngày 21-12-2015 của UBND tỉnh Quảng Ninh đã quy định rõ nội dung này, đưa ra 15 tiêu chí về an toàn và chất lượng của tàu du lịch hoạt động trên vịnh Hạ Long và vịnh Bái Tử Long, cao hơn quy chuẩn quốc gia. Hiện 100% tàu du lịch trên vịnh Hạ Long có chất lượng an toàn, bảo đảm cao hơn tiêu chuẩn quy định.
Lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy kiểm tra đột xuất các tàu hoạt động trên vịnh Nha Trang. Ảnh: KỲ NAM
Về việc du khách có bắt buộc mặc áo phao hay không, ông Minh cho biết theo quy định hiện hành, chỉ có hành khách trên phương tiện vận chuyển khách ngang sông mới bắt buộc mặc áo phao trong suốt hành trình. Còn đối với các phương tiện thông thường khác, chỉ phải mặc áo phao khi có nguy cơ mất an toàn, theo hướng dẫn của thuyền trưởng. "Trong vụ tai nạn lật tàu Vịnh Xanh 58, gần 90% nạn nhân khi được tìm thấy đều mặc áo phao - tức là trước đó thuyền trưởng đã cảnh báo đến các hành khách về việc mặc áo phao, sẵn sàng ứng phó sự cố" - ông Minh nói.
Về việc tàu Vịnh Xanh 58 bị chìm khi có giông lốc xảy ra, ông Bùi Hồng Minh thông tin: "Nhiều năm nay, Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo các cảng vụ có hợp đồng riêng với Trung tâm Khí tượng Thủy văn tỉnh Quảng Ninh, với 3 bản tin/ngày, từ đó có hướng quản lý, cấp phép xuất bến đối với tàu thuyền sao cho phù hợp".
Theo ông Minh, vào ngày 19-7, bản tin dự báo thời tiết được cập nhật lúc 6 giờ 30 phút và lúc 10 giờ đều thông báo vịnh Hạ Long có gió giật cấp 2, cấp 3, không có cảnh báo gì thêm. Đến 13 giờ 30 phút, bản tin bổ sung cảnh báo có giông lốc, trong khi tàu Vịnh Xuân 58 xuất bến lúc 12 giờ 45 phút. Đến tối cùng ngày, tức sau khi xảy ra sự cố chìm tàu Vịnh Xanh 58, một số tàu ven bờ vẫn tiếp tục hoạt động, do lúc 15 giờ, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia thông tin về việc thời tiết đã trở lại bình thường. Chỉ sau khi có chỉ đạo của Trung ương, công văn của Cảng vụ Đường thủy và Đăng kiểm phương tiện thủy nội địa, tỉnh Quảng Ninh mới thực hiện tạm dừng cấp phép rời cảng, bến đối với các phương tiện vận chuyển khách trên địa bàn.
"Chúng tôi sẽ tiếp thu các ý kiến góp ý, rà soát quy trình để có hướng dẫn cụ thể hơn trong từng tình huống, để các thuyền trưởng có thể chủ động hơn, không lúng túng trong việc thực hiện quy trình, hướng dẫn" - ông Minh nói.
Quản lý chặt chẽ phương tiện
Tại TP Đà Nẵng, ngay sau vụ lật tàu ở vịnh Hạ Long, Sở Xây dựng đã có công văn yêu cầu các đơn vị tăng cường công tác bảo đảm an toàn giao thông đường thủy.
Ông Ngô Văn Thọ, Giám đốc Cảng vụ Đường thủy nội địa TP Đà Nẵng, cho biết thật ra, việc siết chặt an toàn đã được thực hiện từ sau vụ chìm tàu Thảo Vân vào năm 2016. Từ đó đến nay, công tác kiểm tra, giám sát được duy trì liên tục, các tàu không đủ điều kiện sẽ không được cấp phép rời bến.
Hiện trên sông Hàn, tuyến do Cảng vụ Đường thủy nội địa TP Đà Nẵng trực tiếp quản lý, có 23 tàu du lịch được cấp phép hoạt động. Trong trường hợp xảy ra sự cố, kể cả do thời tiết xấu, các lực lượng gồm: Bộ đội Biên phòng, Công an thành phố và Bộ Chỉ huy Quân sự TP Đà Nẵng phải chủ động dừng cấp phép và hướng dẫn tàu neo đậu ở nơi an toàn. Thuyền trưởng phải kiểm tra an toàn và hướng dẫn hành khách mặc áo phao đúng quy định trước khi tàu rời bến.
An Giang là tỉnh có số lượng phương tiện thủy tham gia các hoạt động du lịch trên biển nhiều nhất ĐBSCL, phần lớn tập trung tại đặc khu Phú Quốc với hơn 100 phương tiện. Trong đó, hơn 30 tàu, du thuyền phục vụ du khách tham quan, câu mực, lặn ngắm san hô, cà phê, ăn uống và hơn 80 ca-nô công suất cao phục vụ đưa đón khách tham quan các đảo, cùng hơn 70 xuồng máy đuôi tôm (tắc ráng) hoạt động trung chuyển khách du lịch…
Ngày 22-7, UBND tỉnh An Giang ban hành công văn chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường công tác quản lý tàu, thuyền hoạt động ở các cảng, bến trên địa bàn đặc khu Phú Quốc. Ban Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo Trạm Biên phòng An Thới tăng cường phối hợp kiểm tra phương tiện, người làm việc trên phương tiện và hành khách; không cho ra biển đối với những trường hợp vi phạm điều kiện an toàn - nhất là các phương tiện vận tải khách, phương tiện đưa khách tham quan du lịch quanh đảo.
Đối với Cảng vụ Hàng hải An Giang và UBND đặc khu Phú Quốc, UBND tỉnh An Giang yêu cầu tăng cường kiểm tra an toàn đối với phương tiện hàng hải, kiên quyết không cấp phép rời cảng khi tàu thuyền không đủ điều kiện an toàn; kịp thời phát hiện và xử lý các nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông trong khu vực vùng nước được giao quản lý.
Tại Khu Du lịch quốc gia Mũi Cà Mau (tỉnh Cà Mau), mỗi ngày có rất nhiều du khách tham gia hoạt động trải nghiệm tour xuyên rừng, khám phá bãi bồi... bằng vỏ lãi và ca-nô. Ông Lê Văn Dũng, Giám đốc Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, khẳng định việc quản lý các phương tiện rất chặt chẽ nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối cho du khách. "Người điều khiển phương tiện phải bảo đảm các tiêu chí như: có chứng chỉ tài công, chứng chỉ hành nghề, trang bị đầy đủ áo phao cho du khách… Khi thời tiết dự báo xấu, chúng tôi chủ động thông báo cho chủ phương tiện biết để tạm dừng hoạt động nhằm bảo đảm an toàn cho du khách" - ông Dũng thông tin.
Không để "mất bò mới lo làm chuồng"
Tại tỉnh Khánh Hòa, hiện có 305 phương tiện vận chuyển khách tham quan vịnh Nha Trang, hoạt động ở Bến tàu du lịch Nha Trang.
Trong 2 ngày qua, tại Bến tàu du lịch Nha Trang, Đội Cảnh sát đường thủy số 1 - Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Khánh Hòa tăng cường kiểm tra đột xuất các tàu thuyền chở khách tham quan trên vịnh Nha Trang. Trước đó, ngày 21-7, một tổ công tác kiểm tra hành chính đột xuất tàu KH-13XX đang chuẩn bị đưa 26 hành khách ra tham quan các đảo ở vịnh Nha Trang. Khi phát hiện tàu này không trang bị bình chữa cháy, không đủ thuyền viên, tổ công tác lập tức đình chỉ phương tiện và yêu cầu chủ tàu đưa toàn bộ hành khách lên bờ.
Trung tá Nguyễn Văn Biên, Đội trưởng Đội Cảnh sát đường thủy số 1, khẳng định thời gian qua, lực lượng chức năng thường xuyên phối hợp tuyên truyền, kiểm tra các phương tiện vận tải hành khách tại bến để bảo đảm an toàn cho khách du lịch khi tham quan vịnh Nha Trang.
Từ đầu tháng 7-2025, Đội Cảnh sát đường thủy số 1 đã tổ chức ký cam kết chấp hành Luật Giao thông đường thủy nội địa cho các chủ tàu đang hoạt động ở Bến tàu du lịch Nha Trang. Cùng với đó, quán triệt cho các chủ phương tiện và doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận chuyển khách tuyệt đối không được đưa tàu thuyền ra khơi khi thời tiết xấu. Đối với trường hợp thuyền trưởng vi phạm nồng độ cồn, tàu thuyền chở quá số người quy định, phương tiện hết đăng kiểm... sẽ bị xử lý nghiêm.
Tại vịnh Nha Trang, trước đây đã có nhiều vụ tai nạn trên biển khiến nhiều người thiệt mạng, như vào cuối tháng 12-2018, tàu du lịch cao tốc của một công ty du lịch có trụ sở tại Nha Trang chở nhóm du khách nước ngoài ra tham quan vịnh đã bất ngờ bị lật úp. Vụ tai nạn làm nữ hướng dẫn viên du lịch và 1 du khách nước ngoài thiệt mạng.
Thời tiết xấu là một trong những nguyên nhân gây ra các vụ chìm tàu thuyền. Đây cũng là lý do mà theo ông Trần Văn Phú, Trưởng Phòng quản lý Bến tàu du lịch Nha Trang - Ban Quản lý vịnh Nha Trang, Ban Quản lý Bến tàu du lịch Nha Trang thường xuyên yêu cầu các tổ chức, cá nhân khai thác phương tiện thủy nội địa tăng cường ứng phó thời tiết nguy hiểm, bảo đảm an toàn cho người và phương tiện.
Tinh thần chung là chủ động trong công tác quản lý, không để xảy ra tình trạng "mất bò với lo làm chuồng".
13 nạn nhân đã được bồi thường
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, lãnh đạo Công ty Bảo hiểm Bảo Long Quảng Ninh cho biết đến chiều 23-7, công ty đã đến thăm hỏi, động viên và chi trả bảo hiểm bồi thường cho 13 nạn nhân thiệt mạng trong vụ đắm tàu du lịch Vịnh Xanh 58.
Theo Công ty Bảo hiểm Bảo Long Quảng Ninh, theo quy định trong hợp đồng, mức chi trả tối đa là 30 triệu đồng/người/vụ đối với thuyền viên, hành khách và bên thứ 3 bị thiệt hại về tính mạng. Trên cơ sở đó, với số lượng người tử vong trong vụ tai nạn, công ty ước tính tổng mức chi trả bảo hiểm sẽ vào khoảng 1,2 tỉ đồng. Các trường hợp bị thương sẽ được xem xét chi trả theo tỉ lệ tổn thương thực tế và căn cứ vào hồ sơ y tế cụ thể.
NHÓM PHÓNG VIÊN
Nguồn NLĐ : https://nld.com.vn/siet-chat-hoat-dong-tau-du-lich-196250724084905483.htm