Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; xóa bỏ tư duy 'biên chế suốt đời'

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; xóa bỏ tư duy 'biên chế suốt đời'
5 giờ trướcBài gốc
Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh - Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Khánh Hòa trả lời phỏng vấn Báo Khánh Hòa về một số nội dung của dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi).
Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh - Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa
- Thưa ông, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội sẽ thảo luận và cho ý kiến dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), xin ông cho biết lý do sửa đổi lần này?
Luật Cán bộ, công chức ban hành năm 2008, có hiệu lực từ ngày 1-1-2010; được sửa đổi, bổ sung năm 2019. Trong quá trình thực hiện, Luật đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để quản lý, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị, từng bước đáp ứng yêu cầu xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ Nhân dân, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp. Tuy nhiên, quá trình tổ chức thực hiện Luật Cán bộ, công chức hiện hành đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần được nghiên cứu sửa đổi cho phù hợp với giai đoạn mới như: (1) Việc quy định cơ chế quản lý riêng đối với cán bộ, công chức từ cấp huyện trở lên và cán bộ, công chức cấp xã; (2) Một số quy định về quản lý, sử dụng cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu tinh gọn tổ chức bộ máy gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức theo vị trí việc làm; (3) Một số chủ trương mới của Đảng về công tác cán bộ cần tiếp tục thể chế hóa, bảo đảm thực hiện bằng quy định của luật, bao gồm: Chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài; khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; sàng lọc, thay thế cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm, năng lực hạn chế, uy tín thấp.
- Thưa ông, xin ông cho biết trong dự án Luật sửa đổi lần này có những đổi mới gì để giải quyết tình trạng né tránh, đùn đẩy, chây ỳ, tâm lý đã vào nhà nước là an toàn, tình trạng công chức suốt đời?
Dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) được xây dựng trên cơ sở quán triệt sâu sắc và cụ thể hóa các chủ trương, định hướng lớn của Đảng về xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức và cải cách chế độ công vụ, phù hợp với yêu cầu đổi mới hệ thống chính trị và cải cách nền hành chính quốc gia. Trong đó, tập trung thể chế hóa các nội dung trọng tâm sau:
(1) Xây dựng nền công vụ thống nhất, chuyên nghiệp, hiện đại và phục vụ Nhân dân, trong đó đã cụ thể hóa chủ trương về xây dựng một nền công vụ thống nhất từ Trung ương đến cấp xã, khắc phục tình trạng phân tán, cục bộ trong quản lý công chức của hệ thống chính trị. Qua đó, bảo đảm tính liên thông, đồng bộ trong tổ chức và hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước, đúng với định hướng của Nghị quyết số 18-NQ/TW và các Kết luận của Bộ Chính trị về sắp xếp bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
(2) Tiếp tục đổi mới phương thức quản lý cán bộ, công chức theo vị trí việc làm và năng lực thực tiễn. Thể chế hóa chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 26-NQ/TW về quản lý cán bộ, công chức dựa trên vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức danh và khung năng lực, thay thế mô hình quản lý theo ngạch, bậc và thâm niên. Dự thảo Luật quy định rõ cơ chế đánh giá, bổ nhiệm, sử dụng công chức gắn với hiệu quả công việc và trách nhiệm thực thi công vụ, đảm bảo “sử dụng đúng người, đúng việc”. Nội dung về đánh giá công chức tại dự thảo Luật phù hợp với thẩm quyền của Quốc hội, các nội dung cụ thể sẽ được Chính phủ quy định chi tiết phù hợp với chủ trương, quy định của Đảng và yêu cầu thực tiễn trong từng giai đoạn.
(3) Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; xóa bỏ tư duy “biên chế suốt đời”, trong đó cụ thể hóa yêu cầu tinh giản biên chế theo hướng thực chất; quy định về sàng lọc, loại bỏ công chức không hoàn thành nhiệm vụ. Đây là bước thực hiện chủ trương nâng cao kỷ luật, kỷ cương trong bộ máy nhà nước, thúc đẩy đội ngũ công chức không ngừng rèn luyện, nâng cao năng lực và ý thức trách nhiệm.
(4) Cụ thể hóa yêu cầu về đạo đức công vụ và trách nhiệm phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, trong đó, nhấn mạnh quy định về đạo đức, chuẩn mực hành vi của cán bộ, công chức, phù hợp với chủ trương xây dựng đội ngũ cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên”, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong thực thi công vụ, đáp ứng yêu cầu về một nền hành chính liêm chính, minh bạch.
(5) Thể chế hóa chính sách thu hút, trọng dụng đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ; bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung theo đúng chủ trương của Đảng; đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động công vụ; bổ sung quy định xây dựng, quản lý, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức là một trong các nội dung quản lý cán bộ, công chức để đáp ứng yêu cầu quản lý cán bộ, công chức trong môi trường điện tử, xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi số trong giai đoạn mới.
Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) là bước cụ thể hóa quan trọng nhằm đưa các chủ trương, định hướng lớn của Đảng về công tác cán bộ và chế độ công vụ đi vào thực tiễn một cách hiệu quả, góp phần xây dựng nền công vụ Việt Nam hiện đại, chuyên nghiệp, hoạt động vì sự phát triển của đất nước và phục vụ Nhân dân.
Tuy nhiên, việc đánh giá công chức “để sàng lọc, bố trí vào vị trí việc làm phù hợp, cho thôi việc đối với những công chức không đạt yêu cầu của vị trí việc làm đảm nhận” là nội dung mới; do đó, đề nghị Chính phủ trong quá trình tổ chức thực hiện cần xây dựng tiêu chí rõ ràng, minh bạch, định lượng được, bảo đảm việc gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ, đạo đức công vụ, tinh thần trách nhiệm, mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, tiêu chí đánh giá tự động để theo dõi, lưu trữ, phân tích kết quả công tác của công chức một cách khách quan, hạn chế cảm tính, bảo đảm công bằng, minh bạch trong quá trình sàng lọc.
- Xin cảm ơn ông!
TRÍ NGHĨA (Thực hiện)
Nguồn Khánh Hòa : http://www.baokhanhhoa.vn/chinh-tri/202505/siet-chat-ky-luat-ky-cuong-hanh-chinh-xoa-bo-tu-duy-bien-che-suot-doi-8881898/