Dự thảo bổ sung nhiều hành vi vi phạm mới để bao quát hơn các trường hợp khai thác tài sản công khi chưa được quyết định của cơ quan, cấp có thẩm quyền. Ảnh: tư liệu
Cần nâng cao mức xử phạt để răn đe và phòng ngừa vi phạm
Sau khi hàng loạt chính sách pháp luật được sửa đổi, bổ sung, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính, Bộ Tài chính đã xây dựng để trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 63/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc nhà nước (Nghị định 63).
Thêm quy định làm rõ trách nhiệm pháp lý, thu hồi triệt để số lợi bất hợp pháp
Những điểm sửa đổi, bổ sung nổi bật trong dự thảo là làm rõ trách nhiệm pháp lý, thu hồi triệt để số lợi bất hợp pháp, xử lý nghiêm minh các vi phạm, đồng thời phù hợp các luật mới ban hành và các nghị định chuyên ngành. Khi được ban hành, nghị định sửa đổi được kỳ vọng sẽ là công cụ hữu hiệu giúp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, góp phần quản lý tài sản công minh bạch, hiệu quả hơn.
Qua hơn 5 năm thực thi, Nghị định số 63 đã phát huy nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, quá trình tổng kết cho thấy khung xử phạt hiện hành cũng đã bộc lộ các hạn chế. Mức xử phạt chưa đủ sức răn đe và phòng ngừa vi phạm, cần nâng cao từ 1,5 đến 2 lần so với hiện hành.
Thẩm quyền xử phạt của một số chức danh cũng không còn phù hợp với Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, và đặc biệt là Luật Thanh tra 2025 khi không còn thanh tra sở, thanh tra huyện, thanh tra tổng cục và cục.
Việc xác định "giá trị tài sản" làm căn cứ phạt chưa rõ ràng, chưa có nguyên tắc xác định số lợi bất hợp pháp do hành vi vi phạm hành chính gây ra. Bên cạnh đó, còn thiếu quy định thẩm quyền xử phạt đối với một số chức danh như trưởng đoàn kiểm tra và Cục trưởng Cục Quản lý công sản.
Do đó, dự thảo Nghị định được Bộ Tài chính xây dựng tập trung sửa đổi, bổ sung những nội dung quan trọng nhằm khắc phục các bất cập nêu trên và nâng cao hiệu quả xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công.
Một trong những điểm mới đáng chú ý của dự thảo là bổ sung quy định cụ thể về nguyên tắc xác định số lợi bất hợp pháp có được do hành vi vi phạm hành chính, bao gồm việc xác định từ thời điểm hành vi vi phạm đến khi chấm dứt hoặc có quyết định xử phạt.
Đặc biệt, đối với việc buộc nộp lại số tiền tương ứng với giá trị tài sản, dự thảo quy định rõ là giá trị còn lại của tài sản. Trường hợp tài sản không được theo dõi, ghi sổ kế toán, sẽ thành lập hội đồng để đánh giá lại giá trị, đảm bảo tính minh bạch và công bằng. Điều này giải quyết vướng mắc lớn về căn cứ xác định mức phạt và số tiền phải nộp lại, vốn chưa rõ ràng trong Nghị định cũ.
Bao quát các loại vi phạm trong quản lý, sử dụng tài sản công
Bên cạnh đó, dự thảo bổ sung nhiều hành vi vi phạm mới để bao quát hơn các trường hợp phát sinh trong thực tiễn. Cụ thể như: chậm thi hành quyết định giao tài sản công; khai thác tài sản công khi chưa được quyết định của cơ quan, cấp có thẩm quyền; chuyển giao tài sản công về địa phương quản lý, xử lý chậm; xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân khi chưa có quyết định phê duyệt phương án xử lý; giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng khi không có quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền; trực tiếp tổ chức thực hiện khai thác tài sản kết cấu hạ tầng khi không có quyết định phê duyệt đề án…
Để phù hợp với Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020 và Luật Thanh tra 2025, dự thảo đã điều chỉnh thẩm quyền xử phạt của các chức danh. Cụ thể, thẩm quyền của chủ tịch UBND cấp huyện được sửa đổi thành thẩm quyền của chủ tịch UBND cấp xã, phù hợp với việc sắp xếp chính quyền địa phương hai cấp. Đồng thời, điều chỉnh lại thẩm quyền xử phạt của Trưởng đoàn kiểm tra, Cục trưởng Cục Quản lý công sản, thanh tra viên, trưởng đoàn thanh tra, và bãi bỏ các quy định liên quan đến thanh tra bộ, thanh tra sở, cấp sở.
Một nội dung quan trọng nữa là dự thảo bãi bỏ nhiều điều khoản không còn phù hợp với các luật và nghị định mới như Luật Đấu thầu 2024, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Xử lý vi phạm hành chính, và Luật Thanh tra 2025.
Ví dụ, các quy định về xử phạt hành vi đầu tư, mua sắm tài sản khi không có quyết định của cơ quan có thẩm quyền hoặc không thực hiện mua sắm tập trung đã được bãi bỏ do đã có quy định trong pháp luật về đấu thầu.
Có thể thấy, việc sửa đổi Nghị định 63 theo hướng tinh gọn, tăng cường tính minh bạch và hiệu quả thể hiện cam kết của Chính phủ trong việc kiểm soát quyền lực và phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Việc dự thảo quy định rõ ràng hơn về hành vi vi phạm, mức phạt và thẩm quyền xử phạt, cùng với việc xác định nguyên tắc số lợi bất hợp pháp, sẽ là công cụ hữu hiệu để ngăn chặn các hành vi lạm dụng, thất thoát tài sản công.
Đồng thời, việc sửa đổi, bổ sung các quy định mới giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước với các nội dung về đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền, nhưng vẫn đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, thúc đẩy việc quản lý, sử dụng tài sản công hiệu quả hơn.
Theo tờ trình của Bộ Tài chính, dự thảo nghị định được ban hành theo trình tự rút gọn và dự kiến hoàn thành trong tháng 12/2025. Dự thảo quy định nghị định mới sẽ có hiệu lực từ ngày ký ban hành. Đặc biệt, các hành vi vi phạm xảy ra trước ngày nghị định có hiệu lực nhưng chưa bị phát hiện hoặc đang xem xét xử lý sẽ áp dụng quy định mới nếu mức xử phạt nhẹ hơn, bảo đảm quyền lợi của tổ chức, cá nhân theo đúng quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Bổ sung nguyên tắc xác định số lợi bất hợp pháp để thu hồi
Theo dự thảo nghị định, tùy theo hành vi, tính chất, mức độ vi phạm mà tổ chức, cá nhân vi phạm trong quản lý, sử dụng tài sản công còn bị áp dụng một hoặc một số biện pháp khắc phục hậu quả.
Đó là buộc nộp lại số tiền tương ứng với giá trị còn lại của tài sản. Trường hợp tài sản không được theo dõi, ghi sổ kế toán để làm căn cứ xác định giá trị còn lại thì lập hội đồng đánh giá lại giá trị của tài sản để tổ chức, cá nhân vi phạm thực hiện nộp lại số tiền tương ứng với giá trị đánh giá lại của tài sản đó.
Biện pháp nữa là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính. Việc xác định số lợi bất hợp pháp do người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính thực hiện và ghi trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.
Số lợi bất hợp pháp được xác định từ khi tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính đến thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm hoặc có quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.
Dự thảo cũng bổ sung các mức phạt đối với hành vi vi phạm trong việc giao, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng. Theo đó, phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng khi không có quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công; phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi trực tiếp tổ chức thực hiện khai thác tài sản kết cấu hạ tầng khi không có quyết định phê duyệt đề án của cơ quan, người có thẩm quyền.
Dương An