Biên tập viên Báo Điện Biên Phủ biên tập tin bài trước khi đăng tải. Ảnh: Hà Anh
Là viên chức, đi làm hành chính ở Điện Biên song mỗi tuần chị Thu Huyền đều nhận được vài cuộc gọi mời chào mua bán nhà đất, chứng khoán, thậm chí là thông báo chị tới cơ quan công an cập nhật căn cước công dân, nơi cư trú. Dù có trả lời không tham gia mua bán gì song chị Huyền rất ngạc nhiên bởi người gọi nói đúng họ tên chị; đặc biệt từ cuộc gọi chị đã tới cơ quan công an trình bày việc cập nhật thông tin mới biết tin giả bởi cơ quan công an không yêu cầu việc đó. Vậy làm thế nào để đảm bảo an toàn thông tin cá nhân, tránh việc lừa đảo qua mạng nhất là trong thời kỳ chuyển đổi số, công nghệ phát triển như hiện nay?
Không còn xa vời, khó khăn như 20 năm trước, giờ đây chỉ cần chiếc điện thoại kết nối mạng, người dùng có thể ứng dụng, sử dụng nhiều dịch vụ, nền tảng hoặc tra cứu thông tin, liên hệ, mua bán, giao dịch qua mạng internet. Các ứng dụng, dịch vụ trên mạng internet mang lại nhiều lợi ích khi kết nối rộng, vượt ra khỏi ranh giới địa lý, kéo mọi người lại gần nhau hơn. Song cùng với đó là những thông tin sai trái, tiêu cực, quảng cáo xấu độc, hoạt động lừa đảo lan tràn trên mạng, ảnh hưởng tới người sử dụng. Để sử dụng mạng internet thật sự hữu ích, tránh những thông tin xấu độc, yếu tố ảo, nhất là tình trạng lừa đảo trực tuyến cần sự quản lý chặt chẽ hơn của cơ quan chức năng.
Vấn đề quản lý thông tin trên mạng internet phần nào được giải quyết khi Nghị định 147/2024/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng được Chính phủ ban hành ngày 9/11/2024 chính thức có hiệu lực từ ngày 25/12/2024. Nghị định áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài trực tiếp tham gia hoặc có liên quan đến việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet, thông tin trên mạng. Nhiều quy định mới được đưa ra trong Nghị định 147, trong đó có việc quản lý cung cấp thông tin xuyên biên giới, xác thực tài khoản người dùng internet, giám sát thông tin và ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật trên mạng. Người dùng mạng xã hội sử dụng tính năng livestream với mục đích thương mại, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài cung cấp dịch vụ mạng xã hội phải thực hiện xác thực tài khoản bằng số định danh cá nhân theo quy định tại khoản 7 Điều 9 Nghị định 147. Và chỉ những tài khoản đã xác thực mới được đăng tải và chia sẻ thông tin trên mạng xã hội. Khi đã xác thực tài khoản buộc người dùng internet phải cẩn trọng hơn trong phát ngôn, đưa thông tin, hình ảnh lên mạng.
Xử lý thông tin tại Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh Điện Biên. Ảnh: dienbien.vn
Nghị định 147 làm rõ quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân cung cấp, sử dụng dịch vụ trên internet, đảm bảo quản lý việc cung cấp dịch vụ và an toàn thông tin cá nhân người dùng. Người dùng mạng phải xác thực, chịu trách nhiệm về nội dung, thông tin của mình đưa lên mạng và các nền tảng mạng internet phải có biện pháp bảo vệ thông tin, tránh lộ lọt dữ liệu, đảm bảo lợi ích và an toàn cho khách hàng sử dụng dịch vụ. Việc quy định rõ trách nhiệm các bên liên quan cung cấp, sử dụng dịch vụ internet theo Nghị định 147 ban hành kịp thời khi hạ tầng công nghệ phát triển, 100% người dân có mã số định danh hoặc căn cước công dân gắn chip, các tài khoản viễn thông, tài khoản thanh toán đều được định danh.
Với những quy định quản lý, kiểm soát thông tin đưa lên mạng internet tại Nghị định 147 là cơ sở để quản lý chặt chẽ, hiệu quả và đảm bảo xây dựng xã hội số an toàn, lành mạnh và bình đẳng. Việc ban hành Nghị định 147 với những quy định bổ sung về xác thực, bảo vệ người dùng mạng xã hội… tạo sự yên tâm cho người dùng, giảm thiểu hành vi tiêu cực trên không gian mạng.
Hy vọng từ ngày 25/12/2024 khi Nghị định 147 chính thức có hiệu lực, thông tin trên mạng internet sẽ bớt yếu tố ảo, thông tin sai lệch, giảm lừa đảo trực tuyến, đảm bảo an toàn cho người dùng.
Hà Anh