Siết chặt quản lý vận tải đường bộ

Siết chặt quản lý vận tải đường bộ
5 giờ trướcBài gốc
Theo Sở Giao thông vận tải (GTVT), thời gian qua, đơn vị đã phối hợp với Hiệp hội Vận tải ô tô tỉnh tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải (KDVT) bằng xe ô tô, các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ đến các đơn vị KDVT. Tăng cường theo dõi, kiểm tra, hướng dẫn đơn vị vận tải thực hiện đầy đủ các quy định về KDVT, thực hiện nghiêm việc truyền dẫn và cung cấp đầy đủ, chính xác, liên tục các thông tin bắt buộc theo quy định từ thiết bị giám sát hành trình trong suốt quá trình phương tiện tham gia giao thông. Qua đó, kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh các đơn vị vận tải và đề nghị xử lý khi phát hiện lái xe vi phạm quá tốc độ, không truyền dữ liệu liên tục, quá thời gian lái xe liên tục và thời gian làm việc trong ngày của lái xe theo quy định.
Cụ thể, căn cứ kết quả trích xuất dữ liệu từ Hệ thống xử lý và khai thác sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình thuộc Cục Ðường bộ Việt Nam về vi phạm tốc độ, quá thời gian lái xe liên tục, không thực hiện truyền dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình theo quy định; từ đầu năm đến nay, Sở GTVT ra quyết định thu hồi hơn 96 phù hiệu phương tiện vi phạm quá tốc độ, đề nghị các đơn vị vận tải chấn chỉnh, khắc phục lỗi vi phạm quá thời gian lái xe liên tục và lỗi không truyền dữ liệu liên tục là hơn 2.200 phương tiện.
Công an tỉnh kiểm tra, phát hiện hơn 329 trường hợp vi phạm, xử phạt 294 trường hợp với số tiền hơn 3,3 tỷ đồng; phát hiện 21 trường hợp vi phạm quá khổ.
Tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là một trong nhiều giải pháp sẽ được triển khai thời gian tới.
Theo ông Nguyễn Thanh Bằng, Chánh văn phòng Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh, bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, hoạt động vận tải tại địa phương vẫn còn nhiều hạn chế. Ðơn cử như hiện nay trên địa bàn tỉnh còn xe hợp đồng trá hình gây mất trật tự vận tải, không đảm bảo ATGT, nguyên nhân là do các doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở của quy định pháp luật để hoạt động. Việc chấp hành các quy định về quản lý và kinh doanh hoạt động vận tải hành khách bằng ô tô tại một số đơn vị chưa thực hiện nghiêm túc. Công tác quản lý lái xe và nhân viên phục vụ trên xe của các đơn vị vận tải còn lỏng lẻo.
Các đơn vị vận tải có số lượng xe ít (dưới 5 xe) thì chủ doanh nghiệp vừa là lái xe, vừa là người điều hành, vừa là người phụ trách quản lý về điều kiện ATGT, do đó, khâu quản lý và kinh doanh ở các đơn vị này không đúng quy trình, quy định và chỉ lập các thủ tục cần thiết để đối phó khi có sự kiểm tra của các cơ quan có thẩm quyền...
Ông Nguyễn Thanh Bằng cho biết thêm, siết chặt hoạt động vận tải là nhiệm vụ quan trọng trong đảm bảo trật tự, an toàn giao thông (TTATGT), tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, an toàn. Với tầm quan trọng ấy, mới đây, tỉnh đã xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 26/7/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm TTATGT đối với hoạt động KDVT đường bộ trong tình hình mới. Mục đích hướng đến là triển khai, thực hiện hiệu quả các nội dung chỉ thị, nhằm góp phần kiềm chế, kéo giảm tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh thời gian tới.
Cảnh sát giao thông kiểm tra phương tiện xe buýt lưu thông tuyến Cà Mau - Sông Ðốc.
Ðể thực hiện có hiệu quả kế hoạch, địa phương xác định thời gian tới cần tăng cường quản lý Nhà nước trong hoạt động KDVT đường bộ, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh theo quy định pháp luật, phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại của hành khách; tiếp tục siết chặt hoạt động KDVT bằng ô tô; kiểm soát hoạt động vận tải hành khách, vận tải hàng hóa, kiểm tra, phát hiện, chấn chỉnh và xử lý các hành vi vi phạm ngay tại các điểm xuất phát (bến xe, bến bãi, đầu nguồn hàng); phối hợp quản lý chặt chẽ, khai thác, sử dụng dữ liệu từ thiết bị hành trình và camera giám sát trên xe KDVT để bảo đảm việc quản lý, giám sát theo thời gian thực và các lỗi vi phạm từ hệ thống thiết bị giám sát hành trình, kịp thời đình chỉ hoạt động phương tiện vi phạm các quy định của pháp luật trong khi lưu thông, ngăn chặn nguy cơ mất ATGT. Nâng cao chất lượng các công trình hạ tầng giao thông, các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm; rà soát, khắc phục, xử lý dứt điểm các điểm đen, "điểm tiềm ẩn" tai nạn giao thông và các bất hợp lý trong tổ chức giao thông; ngăn ngừa, xử lý hoạt động lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ...
“Ðịa phương sẽ đổi mới và đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông theo hướng dễ hiểu, dễ tiếp thu, phù hợp với từng khu vực, địa bàn, lứa tuổi, tôn giáo, nhất là thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên... nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành và Nhân dân trong bảo đảm TTATGT; mỗi người dân phải có ý thức tự bảo vệ mình và trách nhiệm bảo vệ người khác khi tham gia giao thông; nhân rộng, duy trì hoạt động các mô hình quản lý ATGT tốt tại đơn vị KDVT đường bộ, cách làm hay trong công tác bảo đảm TTATGT”, ông Bằng cho biết thêm./.
Văn Ðum
Nguồn Cà Mau : https://baocamau.vn/siet-chat-quan-ly-van-tai-duong-bo-a34817.html