Việc kháng thuốc không chỉ làm tăng tỷ lệ tử vong, mà còn khiến chi phí điều trị gia tăng, kéo dài thời gian điều trị, gây ra những khó khăn lớn trong công tác y tế. Chính vì vậy, việc kiểm soát kê đơn thuốc, đặc biệt là thuốc kháng sinh, đang trở thành vấn đề cấp bách tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Theo ước tính của WHO, kháng thuốc kháng sinh gây ra khoảng 5 triệu ca tử vong mỗi năm trên toàn cầu. Sự gia tăng nhanh chóng của tình trạng này khiến công tác điều trị trở nên khó khăn, tạo gánh nặng tài chính to lớn cho hệ thống y tế. Việc sử dụng thuốc kháng sinh không đúng cách đang làm gia tăng tình trạng kháng thuốc, từ đó làm giảm hiệu quả điều trị, tăng nguy cơ mắc các bệnh nghiêm trọng.
Trong một hội nghị chuyên đề về bệnh truyền nhiễm tổ chức tại Bệnh viện Chợ Rẫy mới đây, TS-BS. Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Chợ Rẫy) công bố những số liệu đáng lo ngại về tình trạng nhiễm khuẩn kháng thuốc. Mỗi tháng, Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận gần 500 ca nhiễm khuẩn gram âm đa kháng và hơn 200 ca nhiễm khuẩn gram dương kháng thuốc. Đáng chú ý là nhiều trường hợp xuất phát từ nhiễm khuẩn cộng đồng, chứ không phải từ bệnh viện. Những vi khuẩn kháng thuốc như tụ cầu vàng và các vi khuẩn gram âm có khả năng kháng hầu hết các loại kháng sinh hiện nay đang trở thành mối đe dọa nguy hiểm đối với sức khỏe con người.
Tại Việt Nam, việc tự ý mua thuốc kháng sinh mà không cần đơn bác sỹ khá phổ biến. Điều này không chỉ vi phạm các quy định của Bộ Y tế, mà còn góp phần làm gia tăng tình trạng kháng thuốc trong cộng đồng.
Để giải quyết vấn đề này, Bộ Y tế đã quyết liệt triển khai các biện pháp siết chặt việc kê đơn thuốc, đặc biệt là các loại thuốc kháng sinh, thông qua việc áp dụng đơn thuốc điện tử. Hệ thống đơn thuốc điện tử giúp các bác sỹ kê đơn một cách chính xác hơn, đồng thời các dữ liệu kê đơn được lưu trữ và giám sát một cách minh bạch.
Bộ Y tế đã yêu cầu tất cả các cơ sở y tế kết nối với hệ thống đơn thuốc điện tử và liên thông với các nhà thuốc để đảm bảo thuốc chỉ được bán khi có đơn hợp pháp. Tuy nhiên, hiện nay, chỉ khoảng 30% cơ sở y tế thực hiện liên thông dữ liệu đầy đủ lên hệ thống quốc gia, cho thấy cần có sự cải thiện mạnh mẽ trong việc triển khai hệ thống này.
Về lộ trình triển khai đơn thuốc điện tử tại các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc, Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện chuyên sâu sẽ phải thực hiện kê đơn thuốc điện tử ngay sau khi Thông tư 27/2021/TT-BYT có hiệu lực. Đến ngày 1/1/2026, các bệnh viện cơ bản phải thực hiện kê đơn thuốc điện tử và đến ngày 1/1/2027, tất cả các cơ sở khám chữa bệnh còn lại phải triển khai hệ thống kê đơn thuốc điện tử. Đây là một bước đi quan trọng, nhằm quản lý việc sử dụng thuốc kháng sinh một cách nghiêm ngặt, giúp giảm thiểu tình trạng lạm dụng và kháng thuốc, đồng thời nâng cao chất lượng điều trị cho người bệnh.
Bên cạnh việc triển khai đơn thuốc điện tử, Bộ Y tế cũng đang xây dựng Dự thảo thông tư mới, nhằm quy định rõ ràng về việc kê đơn thuốc. Dự thảo này đưa ra các quy định nghiêm ngặt, nhằm đảm bảo việc kê đơn thuốc kháng sinh chỉ thực hiện khi có chỉ định rõ ràng từ bác sỹ, căn cứ vào các tài liệu chính thống như hướng dẫn điều trị của Bộ Y tế, Dược thư quốc gia, hoặc tờ hướng dẫn sử dụng thuốc đã được cấp phép. Thêm vào đó, thời gian kê đơn không được vượt quá 30 ngày, trừ các trường hợp đặc biệt như thuốc gây nghiện hay thuốc giảm đau cho người bệnh ung thư hoặc AIDS.
Dự thảo này cũng nêu rõ các loại thuốc không được kê vào đơn thuốc, bao gồm những loại thuốc không có mục đích điều trị, chưa được cấp phép lưu hành tại Việt Nam, hoặc thực phẩm chức năng và mỹ phẩm. Ngoài ra, các đơn thuốc cần ghi đầy đủ thông tin người bệnh như số định danh cá nhân, địa chỉ nơi cư trú và thông tin bổ sung cho trẻ em dưới 72 tháng tuổi, giúp đảm bảo tính chính xác và minh bạch trong việc kê đơn.
Kháng thuốc kháng sinh đang là một vấn đề lớn đối với sức khỏe cộng đồng, đe dọa đến hiệu quả điều trị. Chính vì vậy, siết chặt việc kê đơn thuốc và quản lý việc sử dụng thuốc kháng sinh là điều vô cùng cần thiết. Để chiến thắng trong “cuộc chiến” này, cần sự chung tay của tất cả các cơ quan chức năng, cơ sở y tế và đặc biệt là ý thức tự giác của người dân trong việc sử dụng thuốc đúng cách.
Mộc An