Siết quản lý an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025

Siết quản lý an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
18 giờ trướcBài gốc
Tăng cường kiểm tra an toàn thực phẩm với mục tiêu hạn chế tối đa các vụ ngộ độc trong dịp tết. Ảnh tư liệu
Xử phạt hơn 25 tỷ đồng liên quan các sản phẩm nhập khẩu
Theo ông Nguyễn Văn Long - Cục trưởng Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT), dịp Tết Nguyên đán là thời gian nhu cầu tiêu thụ thực phẩm, đặc biệt là sản phẩm động vật tăng cao. Lãnh đạo Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo cơ quan thú y tăng cường lấy mẫu, giám sát để đảm bảo an toàn thực phẩm trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán, đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có chỉ thị về vấn đề này.
Ông Nguyễn Văn Long nhấn mạnh, ở góc độ cơ quan thú y, trước hết phải kiểm soát tốt các loại dịch bệnh, nếu không kiểm soát dịch bệnh sẽ ảnh hưởng an toàn thực phẩm. Cục Thú y đã phối hợp với các cơ quan chức năng thành lập 9 đoàn công tác kiểm tra, quản lý cơ sở giết mổ động vật, kiểm tra vệ sinh thú y tại 17 tỉnh, thành phố; tổ chức 2 lớp tập huấn bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho 80 cán bộ làm công tác kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm.
Cơ quan thú ý cũng giám sát chất cấm Salbutamol tồn dư trong nước tiểu gia súc và sản phẩm động vật tại cơ sở giết mổ. Tính đến thời điểm hiện tại, đã triển khai lấy 368 mẫu xét nghiệm chất cấm Salbutamol. Kết quả, tất cả các mẫu xét nghiệm đều âm tính với Salbutamol.
Ngoài ra, Cục Thú y đã báo cáo Bộ NN&PTNT về việc phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra để ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm động vật không đảm bảo chất lượng và sản phẩm động vật trái phép từ nước ngoài vào Việt Nam.
Các cơ quan có thẩm quyền đã thực hiện nhiều hoạt động, nhằm ngăn chặn việc nhập khẩu trái phép động vật vào Việt Nam. Đây là việc làm liên tục, đã được các cấp lãnh đạo chỉ đạo nhiều lần và đạt kết quả nhất định, từ đó tình trạng vận chuyển trái phép động vật được kiểm soát, nhiều trường hợp bị phát hiện và xử lý kịp thời.
Điển hình, trong năm 2024, cơ quan thú y và các đơn vị liên quan kịp thời phát hiện và ban hành khoảng gần 400 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền hơn 25 tỷ đồng liên quan các sản phẩm nhập khẩu, kể cả những lỗi nhỏ nhất như bị nấm, mốc. Đồng thời, Cục Thú y phối hợp với các lực lượng chức năng tại cửa khẩu xử lý 169 vụ vi phạm quy định về thú y, thu giữ tổng số 80.900 quả trứng gia cầm; 285.263 con động vật và 81.028,5 kg sản phẩm động vật. Đây là con số cao kỷ lục từ trước đến nay của ngành thú y.
“Công tác phòng chống nhập khẩu trái phép động vật vẫn được tiếp tục thực hiện và sẽ đẩy mạnh hơn trong giai đoạn trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Người dân có thể yên tâm, các sản phẩm từ động vật nhập khẩu được kiểm soát chặt chẽ”- ông Long chia sẻ.
Ngăn chặn triệt để các vụ việc vi phạm an toàn thực phẩm
Mới đây, Bộ NN&PTNT đã ban hành văn bản về việc tăng cường biện pháp quản lý, bảo đảm an toàn thực phẩm, nhất là trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Kiểm soát chặt thịt nhập khẩu
Cục Thú y đã tham mưu ban hành Thông tư số 04/2024/TT-BNNPTNT sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn và sẽ tiếp tục rà soát tất cả các quy định với nước xuất khẩu thực phẩm sang thị trường Việt Nam, đảm bảo tuân thủ đúng quy định của Tổ chức Thú y thế giới. Trong đó, chú trọng 3 nhóm vấn đề về dịch bệnh, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc.
Theo đó, Bộ NN&PTNT đề nghị các tỉnh, thành phố chỉ đạo cơ quan chuyên môn, chính quyền các cấp phối hợp với các cơ quan thông tin, truyền thông để phổ biến quy định pháp luật về an toàn thực phẩm, tác hại và hậu quả của việc sử dụng chất cấm, ngoài danh mục được phép sử dụng trong sản xuất ban đầu, thu hoạch, bảo quản, sơ chế, chế biến thực phẩm nông, lâm sản và thủy sản.
Cùng với đó, phổ biến, công khai, cập nhật thông tin để người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm nông sản có nguồn gốc rõ ràng, từ các cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh đáp ứng quy định về an toàn thực phẩm; tăng cường thông tin, truyền thông về nguy cơ an toàn thực phẩm. Khuyến khích, vận động người dân tham gia giám sát bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm từ cơ sở; xây dựng kênh thông tin để tiếp nhận phản ánh, tố giác hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm từ cấp cơ sở.
Vai trò của các địa phương trong vấn đề này cũng rất quan trọng. Các địa phương chỉ đạo các cơ quan quản lý an toàn thực phẩm tổ chức các đoàn công tác liên ngành và theo chức năng được phân công, phân cấp để thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông sản.
Đặc biệt, các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm thực phẩm nông sản có nguy cơ cao, gây mất an toàn thực phẩm, nhu cầu tiêu dùng lớn trong dịp lễ, tết của người dân. Các vi phạm về an toàn thực phẩm phát hiện phải được xử lý nghiêm, bảo đảm tính răn đe và công khai trên phương tiện thông tin đại chúng theo đúng quy định của pháp luật…
Theo các chuyên gia, thời gian tới cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về việc tuân thủ, thực hành tốt quy trình giết mổ, sơ chế, chế biến, bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm; đồng thời tuyên truyền nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, không sử dụng sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, không bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, để bảo đảm nguồn cung thực phẩm chất lượng, an toàn, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ, Bộ NN&PTNT tiếp tục chỉ đạo ngành thú y thực hiện các giải pháp quyết liệt để ngăn ngừa dịch bệnh phát sinh, lây lan, bùng phát. Bộ cũng phối hợp với các địa phương kiểm soát chặt chẽ hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với những trường hợp vi phạm.
Lập 5 đoàn liên ngành kiểm tra an toàn thực phẩm Tết Ất Tỵ 2025
Theo Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương, Tết Nguyên đán là thời điểm tiêu thụ thực phẩm lớn trong năm, nhất là thịt, cá, trứng, bánh mứt kẹo, rượu, bia nước giải khát, các loại hạt có dầu…
Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đã gia tăng việc sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm. Bên cạnh thời tiết phía Bắc thường ẩm ướt, phía Nam thường nắng nóng; đây là những yếu tố thời tiết ảnh hưởng lớn đến việc bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm.
Vì vậy, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương đã ban hành Kế hoạch bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Ất Tỵ và Lễ hội Xuân 2025, với mục tiêu hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm trong dịp tết. Kế hoạch này tập trung vào việc tăng cường thanh tra, kiểm tra liên ngành từ trung ương đến cấp xã. Thời gian triển khai từ ngày 20/12/2024 đến ngày 25/3/2025 trên phạm vi toàn quốc.
Theo đó, Ban Chỉ đạo thành lập 5 đoàn kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra tại 10 tỉnh, thành phố: Lạng Sơn, Thái Nguyên, Trà Vinh, Sóc Trăng, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, TP. Hà Nội, Hải Dương, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai. Tại địa phương, tiến hành thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành các cấp, từ cấp tỉnh đến cấp xã. Huy động tối đa các kênh truyền thông phổ biến các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm cũng như các kiến thức trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng thực phẩm đến người dân.
Bộ NN&PTNT cho biết thêm, các địa phương như TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh cũng đã triển khai kế hoạch bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ và mùa Lễ hội Xuân 2025.
Nguyên Phương
Nguồn Thời báo Tài chính : https://thoibaotaichinhvietnam.vn/siet-quan-ly-an-toan-thuc-pham-dip-tet-nguyen-dan-at-ty-2025-168184-168184.html