Bất cập từ việc dạy thêm, học thêm trong trường học
Thực tế hiện nay cho thấy, ở nhiều nơi, việc học thêm và dạy thêm trong trường học đã và đang trở thành một xu hướng phổ biến. Mặc dù việc dạy thêm có thể giúp học sinh củng cố kiến thức, nhưng nó cũng tạo ra nhiều hệ lụy tiêu cực, đặc biệt là khi được tổ chức trong khuôn khổ nhà trường.
Đầu tiên, việc dạy thêm trong trường học sẽ khiến học sinh tốn kém thêm chi phí ngoài các khoản đóng góp theo quy định chung. Điều này có thể sẽ tạo ra sự bất bình đẳng trong giáo dục bởi không phải học sinh nào cũng có điều kiện để tham gia các lớp học thêm. Những em có hoàn cảnh khó khăn sẽ bị thiệt thòi, tạo ra khoảng cách về cơ hội tiếp cận tri thức giữa các học sinh.
Bên cạnh đó, nhiều em học sinh phải tham gia học thêm không phải vì muốn nâng cao kiến thức mà do lo ngại bị giáo viên phân biệt đối xử nếu không tham gia. Điều này làm tăng áp lực học tập, ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của học sinh.
Kể từ ngày 14/2/2025, sẽ có nhiều quy định chặt hơn được áp dụng để quản lý dạy thêm và học thêm trong trường học. Ảnh: Nguyên Bảo
Ngoài ra, một số trường hợp giáo viên có thể dạy sơ sài trên lớp để tạo động lực cho học sinh tham gia các lớp học thêm. Điều này làm giảm chất lượng giáo dục chung, khiến việc dạy và học trong giờ chính khóa trở nên hình thức.
Để giải quyết các vấn đề trên, vào ngày 30/12/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chính thức ban hành Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm. Thông tư có hiệu lực từ 14/02/2025.
Theo Thông tư mới ban hành, các trường hợp không được dạy thêm, tổ chức dạy thêm gồm: Không tổ chức dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp là bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kĩ năng sống.
Giáo viên đang dạy học tại các nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh đối với học sinh mà giáo viên đó đang được nhà trường phân công dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.
Giáo viên thuộc các trường công lập không được tham gia quản lý, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường…
Xây dựng môi trường giáo dục minh bạch, công bằng
Theo đánh giá của nhiều phụ huynh học sinh, việc siết chặt quy định về dạy thêm, học thêm mang lại nhiều lợi ích quan trọng đối với hệ thống giáo dục và sự phát triển toàn diện của học sinh.
Khi không có lớp học thêm được tổ chức tại trường, tất cả học sinh đều được học bài theo cùng một chương trình và phương pháp giảng dạy chính khóa. Điều này giúp giảm bớt sự chênh lệch giữa các học sinh có hoàn cảnh kinh tế khác nhau.
Nếu không phụ thuộc vào dạy thêm, kết quả học tập của học sinh cũng sẽ trở nên thực chất hơn, phản ánh đúng khả năng của mỗi học sinh, tránh sự thiên vị dựa trên khả năng chi trả của gia đình.
Các giáo viên sẽ chú trọng vào việc cải tiến phương pháp dạy học trong lớp, làm cho nội dung chính khóa trở nên hấp dẫn và hiệu quả hơn, giảm bớt nhu cầu học thêm để “bù đắp” những thiếu sót. Hệ thống giáo dục trở nên minh bạch hơn, với giáo viên chỉ tập trung vào việc giảng dạy chính thức, từ đó nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập chung.
Việc không tổ chức học thêm có thể giúp học sinh có nhiều thời gian hơn để nghỉ ngơi, phát triển kỹ năng sống. Ảnh: Thu Huyền
Việc không tổ chức dạy thêm cũng sẽ giúp học sinh có thêm thời gian nghỉ ngơi, vui chơi, tham gia các hoạt động ngoại khóa, thể thao, nghệ thuật… giúp phát triển kỹ năng mềm và tính sáng tạo, không chỉ dựa vào kiến thức sách vở.
Trao đổi với báo chí, PGS.TS Chu Cẩm Thơ, Trưởng Ban Nghiên cứu - Đánh giá giáo dục (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo) cũng cho rằng việc cấm dạy thêm trong trường sẽ thúc đẩy các hoạt động hỗ trợ học sinh ngay tại lớp học, tăng hiệu quả các tiết học trong trường.
"Nhà trường phải thực hiện đúng chức trách nhiệm vụ của mình. Học sinh đến trường phải được học chuẩn kiến thức và đáp ứng những yêu cầu cần đạt. Trong trường hợp giáo viên có nhu cầu dạy thêm thì sẽ thực hiện như một hoạt động cung cấp dịch vụ bên ngoài. Nếu làm được như vậy sẽ giữ được sự liêm chính của hoạt động giáo dục trong nhà trường", PGS. TS Chu Cẩm Thơ cho hay.
Giáo dục không chỉ là việc truyền đạt kiến thức mà còn là quá trình nuôi dưỡng nhân cách và phát triển toàn diện cho học sinh. Việc cấm dạy thêm, học thêm trong trường học là một bước đi quan trọng để xây dựng một môi trường học tập công bằng, nơi mọi học sinh đều có cơ hội tiếp cận tri thức một cách bình đẳng. Đồng thời, điều này cũng góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, giúp học sinh phát triển một cách tự nhiên, không bị áp lực bởi những lớp học thêm ngoài giờ.
Xã hội phát triển không chỉ dựa vào số lượng kiến thức mà học sinh tiếp thu được mà còn ở cách nền giáo dục định hướng và tạo ra những con người có tư duy sáng tạo, độc lập. Vì vậy, việc cấm dạy thêm, học thêm trong trường học là điều cần thiết để hướng tới một nền giáo dục minh bạch, công bằng và thực chất hơn.
3 đối tượng được học thêm trong nhà trường
Theo Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT, việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường không được thu tiền của học sinh và chỉ dành cho các đối tượng học sinh đăng kí học thêm theo từng môn học như sau:
a) Học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kì liền kề ở mức chưa đạt;
b) Học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi;
c) Học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng kí ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.
Nhà trường tổ chức cho học sinh thuộc đối tượng quy định này viết đơn đăng kí học thêm theo từng môn học ở từng khối lớp. Căn cứ vào số học sinh đăng kí, nhà trường xây dựng kế hoạch tổ chức dạy thêm đối với từng môn học ở từng khối lớp.
Lớp dạy thêm được xếp theo môn học đối với từng khối lớp; mỗi lớp có không quá 45 học sinh. Không xếp giờ dạy thêm xen kẽ với thời khóa biểu và không dạy thêm trước các nội dung so với việc dạy học theo phân phối chương trình môn học trong kế hoạch giáo dục của nhà trường. Mỗi môn học được tổ chức dạy thêm không quá 02 tiết/tuần.
Kế hoạch tổ chức dạy thêm, học thêm được công khai trên trang thông tin điện tử của nhà trường hoặc niêm yết tại nhà trường.
Phong Lâm