Siết quản lý quảng cáo và sản xuất mỹ phẩm: Bộ Y tế đề xuất hàng loạt quy định mới

Siết quản lý quảng cáo và sản xuất mỹ phẩm: Bộ Y tế đề xuất hàng loạt quy định mới
6 giờ trướcBài gốc
Trong bối cảnh hoạt động sản xuất và kinh doanh mỹ phẩm trên thị trường khá “bát nháo”, khi gần đây, lực lượng chức năng liên tục phát hiện nhiều vụ sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm giả, kém chất lượng, Bộ Y tế đã xây dựng và lấy ý kiến về Nghị định quy định quản lý mỹ phẩm, thay thế Nghị định 93/2016/NĐ-CP, với nhiều đề xuất mới nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, đơn giản hóa thủ tục hành chính và đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.
Mỹ phẩm giả do lực lượng Công an thu giữ mới đây
Cấm dùng hình ảnh y tế vàtừ ngữ gây hiểu nhầmđể quảng cáo
Một trong những điểm nổi bật của dự thảo là nghiêm cấm sử dụng hình ảnh, tên tuổi, trang phục, thư từ, bài viết của các cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế làm công cụ quảng cáo mỹ phẩm. Bộ Y tế nhấn mạnh rằng hành vi này dễ gây hiểu lầm về tính năng điều trị, chữa bệnh của mỹ phẩm – điều mà bản chất sản phẩm không thể có.
Ngoài ra, mọi thông tin, hình ảnh thuộc danh mục cấm theo quy định của Luật Quảng cáo cũng sẽ bị loại bỏ khỏi các chiến dịch quảng bá sản phẩm. Đây là nỗ lực nhằm chấn chỉnh tình trạng quảng cáo “lập lờ đánh lận con đen” vốn phổ biến trên thị trường mỹ phẩm hiện nay.
Nhằm ngăn chặn việc tùy tiện sử dụng từ ngữ, phóng đại chất lượng sản phẩm, dự thảo quy định rất rõ các nhóm từ ngữ bị nghiêm cấm trong quảng cáo mỹ phẩm, như:
Từ ngữ mang tính điều trị: “chữa viêm da”, “diệt virus”, “giảm dị ứng”, “trị nám”, “chữa khỏi”…
Từ ngữ phóng đại: “trắng da siêu tốc”, “trị mụn thần kỳ”, “kem trị nám vĩnh viễn trong 7 ngày”…
Từ ngữ khẳng định tuyệt đối hoặc so sánh vượt trội: “duy nhất”, “tốt nhất”, “hàng đầu”, “chất lượng tuyệt hảo”, “bảo đảm 100%”…
Từ ngữ mô tả công dụng chưa được phép công bố: “kích thích mọc tóc”, “giảm béo”, “ngăn ngừa lông”, “mực xăm vĩnh viễn”…
Quảng cáo mỹ phẩm cũng không được phép sử dụng hình ảnh động, thực vật nằm trong danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ.
Quảng cáo phải đúng bản chất sản phẩm
Theo dự thảo, các cơ sở kinh doanh sẽ chịu trách nhiệm hoàn toàn về nội dung quảng cáo mà không cần thủ tục xác nhận với cơ quan quản lý. Tuy nhiên, nội dung quảng cáo bắt buộc phải phản ánh đúng bản chất, tính năng, công dụng đã được công bố và không gây nhầm lẫn với thuốc chữa bệnh.
Các thông tin tối thiểu cần có trong quảng cáo bao gồm: tên sản phẩm, tính năng - công dụng, tên và địa chỉ của tổ chức chịu trách nhiệm, cảnh báo theo các hiệp định quốc tế. Với các hình thức phát thanh, truyền hình, nội dung này phải được đọc rõ ràng.
Dự thảo quy định rõ tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường phải đảm bảo sản phẩm không gây hại cho sức khỏe người dùng. Tính an toàn phải được đánh giá theo Hướng dẫn của Hội đồng mỹ phẩm ASEAN (ACC). Thành phần mỹ phẩm cũng phải tuân thủ các giới hạn về kim loại nặng, vi sinh vật và tạp chất.
Danh mục các chất bị cấm hoặc bị giới hạn được Bộ Y tế công bố công khai và cập nhật thường xuyên theo ACC.
Kem chống nắng kém chất lượng bị tiêu hủy
Khắc phục bất cập sau 8 năm thực hiện Nghị định cũ
Sau 8 năm áp dụng Nghị định 93/2016/NĐ-CP, Bộ Y tế thừa nhận đã xuất hiện nhiều bất cập, điển hình là thời hạn hiệu lực công bố sản phẩm quá dài (5 năm), không phù hợp với vòng đời ngắn của mỹ phẩm; việc phân loại, công bố còn thiếu cụ thể; hậu kiểm gặp khó khăn do phần mềm quản lý chưa đồng bộ.
Thêm vào đó, công tác kiểm tra chất lượng bị hạn chế khi hoạt động kinh doanh mỹ phẩm không thuộc diện kinh doanh có điều kiện, khó khăn trong thanh, kiểm tra tại các cơ sở ngoài ngành y tế.
Dự thảo Nghị định mới được kỳ vọng sẽ khắc phục các bất cập này, tăng cường hậu kiểm, đồng thời chuẩn hóa quy trình quản lý mỹ phẩm theo thông lệ quốc tế.
Bên cạnh đó, điều kiện sản xuất cũng được siết chặt với yêu cầu cơ sở sản xuất phải có đủ nhân sự chuyên môn, được đào tạo bài bản về thực hành tốt sản xuất mỹ phẩm (CGMP). Người phụ trách sản xuất và chất lượng phải làm việc toàn thời gian, có trình độ đại học phù hợp và ít nhất 2 năm kinh nghiệm.
Nhà xưởng, thiết bị và hệ thống quản lý chất lượng cũng phải đáp ứng tiêu chuẩn cụ thể. Cơ sở còn phải có bộ phận kiểm tra chất lượng độc lập với sản xuất – một yêu cầu bắt buộc để được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm.
Dự thảo đang được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi, nếu được thông qua, sẽ góp phần định hình lại thị trường mỹ phẩm Việt Nam theo hướng minh bạch, an toàn hơn.
Thanh Hằng
Nguồn VietTimes : https://viettimes.vn/siet-quan-ly-quang-cao-va-san-xuat-my-pham-bo-y-te-de-xuat-hang-loat-quy-dinh-moi-post185860.html