Siết thị trường dược và thực phẩm chức năng

Siết thị trường dược và thực phẩm chức năng
13 giờ trướcBài gốc
Đoàn liên ngành của tỉnh kiểm tra, giám sát các sản phẩm, nhóm sản phẩm thực phẩm, hàng hóa thuộc thẩm quyền quản lý của ngành Y tế.
Tăng trưởng nhanh, rủi ro tiềm ẩn
Hoạt động kinh doanh thuốc và thực phẩm chức năng (TPCN) tại Thái Nguyên hiện phân bố rộng khắp từ khu vực đô thị đến các địa phương vùng sâu, vùng xa. Toàn tỉnh hiện có 18 cơ sở bán buôn và trên 1.700 cơ sở bán lẻ thuốc, với 100% cơ sở bán lẻ đạt thực hành tốt nhà thuốc (GPP), cơ sở phân phối đạt GDP và kho thuốc bệnh viện đạt GSP. Đối với thực phẩm chức năng, các sản phẩm được phân phối chủ yếu qua hiệu thuốc, cửa hàng chuyên dụng, các kênh thương mại điện tử và mạng xã hội.
Sau dịch COVID-19, nhu cầu sử dụng sản phẩm hỗ trợ tăng sức đề kháng, cải thiện sức khỏe, làm đẹp… gia tăng mạnh. Cùng với thị trường truyền thống, hoạt động kinh doanh trên mạng xã hội, sàn thương mại điện tử bùng nổ, với đủ hình thức quảng cáo phóng đại công dụng như “thần dược trị bách bệnh”, “giảm cân siêu tốc”.
Theo ông Đỗ Trọng Vũ, Phó Giám đốc Sở Y tế, việc kiểm soát các gian hàng trên Facebook, TikTok, Shopee gặp rất nhiều khó khăn vì nhiều người bán thường ẩn danh, sử dụng địa chỉ “ảo”, không có giấy phép kinh doanh hợp lệ.
Thực tiễn cho thấy, các hành vi vi phạm ngày càng tinh vi. Nhiều sản phẩm không rõ nguồn gốc được nhập lậu, xách tay trôi nổi, giả mạo giấy công bố chất lượng, thậm chí mượn hình ảnh bác sĩ, dược sĩ để quảng bá. Những vi phạm này không chỉ gây thiệt hại cho người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng uy tín các cơ sở kinh doanh chân chính.
Nỗ lực kiểm soát
Trước thực trạng này, công tác thanh tra, kiểm tra của ngành Y tế đã được triển khai quyết liệt. 6 tháng đầu năm nay, Sở đã chủ trì, phối hợp với cơ quan, địa phương tổ chức nhiều đợt thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất về việc thực hiện các quy định về công tác dược và mỹ phẩm tại các cơ sở kinh doanh, sử dụng thuốc trên địa bàn.
Các sản phẩm thuốc, thực phẩm chức năng ngày càng đa dạng, giúp người tiêu dùng có thêm lựa chọn, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ hàng giả, kém chất lượng len lỏi trên thị trường.
Trong đợt cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh, Sở Y tế đã tham mưu với UBND tỉnh ban hành quyết định thành lập đoàn liên ngành kiểm tra, giám sát, kiểm soát chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và các sản phẩm, nhóm sản phẩm thực phẩm, hàng hóa thuộc thẩm quyền quản lý của ngành Y tế trên địa bàn tỉnh.
Kết quả kiểm tra, giám sát, kiểm soát đã phát hiện và xử lý hàng loạt vi phạm, như: Bán thuốc kê đơn khi không có đơn thuốc; không niêm yết giá bán lẻ thuốc hoặc niêm yết giá không đầy đủ theo quy định; không lưu trữ thông tin hoặc lưu trữ không đầy đủ thông tin để truy xuất nguồn gốc.
Một cơ sở phân phối thực phẩm chức năng bị phạt 82 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy tiếp nhận công bố sản phẩm 11 tháng và buộc tiêu hủy 190 sản phẩm vi phạm, trị giá trên 16 triệu đồng.
Chi cục Quản lý thị trường trong 5 tháng đầu năm đã phát hiện, xử lý 188 vụ vi phạm thương mại, trong đó có 15 vụ liên quan an toàn thực phẩm và thực phẩm chức năng, tổng số tiền phạt gần 2 tỷ đồng; trị giá hàng hóa vi phạm bị tiêu hủy khoảng 400 triệu đồng.
Đáng chú ý là có một vụ thực phẩm chức năng "bổ thận" quảng cáo sai sự thật qua mạng xã hội đã bị thu giữ hơn 300 gói, xử phạt 12 triệu đồng và tiêu hủy toàn bộ sản phẩm trị giá 18 triệu đồng.
Ông Nguyễn Hoàng Bắc, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Thái Nguyên: Để nâng cao hiệu quả quản lý, không thể chỉ kiểm tra xử lý một vài đợt cao điểm rồi thôi. Cần cơ chế phối hợp thường xuyên giữa các ngành và sự tham gia trách nhiệm của chính quyền cơ sở...
Những kết quả đạt được phần nào cho thấy nỗ lực của ngành Y tế nói riêng, các sở, ngành, địa phương nói chung trong siết chặt quản lý. Song, khó khăn vẫn không ít. Nhân lực quản lý dược còn hạn chế, trong khi số cơ sở kinh doanh lớn và địa bàn rộng.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ giám sát, hậu kiểm còn phụ thuộc Hệ thống cơ sở dữ liệu dược quốc gia, nhiều thời điểm bị gián đoạn đường truyền. Một số quy định xử phạt hành chính chưa đủ sức răn đe, khiến vi phạm tái diễn. Công tác kiểm soát quảng cáo trên không gian mạng chủ yếu dựa vào phản ánh, đơn thư, kiểm tra thủ công.
Đâu là giải pháp?
Để khắc phục những tồn tại, ngành Y tế tỉnh xác định cần thực hiện nhiều giải pháp căn cơ, lâu dài. Trước hết là tiếp tục rà soát, quản lý chặt các cơ sở sản xuất, kinh doanh, yêu cầu cập nhật đầy đủ hồ sơ pháp lý, định danh điện tử và minh bạch thông tin sản phẩm.
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo đấu thầu, cung ứng thuốc cũng được triển khai thường xuyên, bảo đảm không thiếu thuốc phục vụ khám, chữa bệnh cho người dân. Các lớp tập huấn, hội nghị phổ biến quy định pháp luật mới về mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư y tế được duy trì đều đặn nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của chủ cơ sở kinh doanh.
Để hạn chế tối đa việc mua phải dược phẩm, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc xuất xứ, người dân chỉ nên mua tại các cơ sở được cấp phép.
Cùng với đó là tăng cường kiểm tra, hậu kiểm, phối hợp các lực lượng liên ngành và chính quyền địa phương duy trì giám sát định kỳ, không để “vùng trống” quản lý. Các trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm, công khai trên phương tiện thông tin đại chúng để nâng cao tính răn đe.
Ngoài ra, ngành Y tế sẽ tiếp tục kiến nghị tăng cường nhân lực làm công tác quản lý dược tại Sở Y tế và cấp cơ sở, đồng thời bảo đảm Hệ thống cơ sở dữ liệu dược Quốc gia vận hành ổn định, phục vụ hiệu quả công tác giám sát, tra cứu thông tin.
Ông Đỗ Trọng Vũ, Phó Giám đốc Sở Y tế Thái Nguyên: Muốn thị trường phát triển lành mạnh, ngoài sự quyết liệt của các cơ quan chức năng, rất cần sự tỉnh táo của người tiêu dùng và tinh thần trách nhiệm của từng chủ cơ sở...
Ngành Y tế cũng khuyến khích các doanh nghiệp chủ động áp dụng mã QR truy xuất nguồn gốc, tem điện tử xác thực, xây dựng cơ sở dữ liệu sản phẩm minh bạch để người dân dễ dàng tra cứu. Công tác tuyên truyền, hướng dẫn người tiêu dùng lựa chọn, sử dụng thuốc, thực phẩm chức năng rõ nguồn gốc hợp pháp tiếp tục được chú trọng, góp phần nâng cao nhận thức, tạo sức đề kháng xã hội với hàng giả, hàng kém chất lượng...
Thu Hằng
Nguồn Thái Nguyên : https://baothainguyen.vn/thoi-su-thai-nguyen/202507/siet-thi-truong-duoc-va-thuc-pham-chuc-nang-4fc1464/