Trung Quốc đã khởi công dự án thủy điện mà nước này cho là lớn nhất thế giới tại thành phố Lâm Chi, Khu tự trị Tây Tạng.
Trung Quốc đã khởi công xây dựng đập thủy điện lớn nhất thế giới tại sông Yarlung Zangbo với vốn đầu tư gần 170 tỷ USD. Ảnh: IFL Science.
Công trình này ước tính có trị giá gần 170 tỷ USD, có khả năng sản xuất 300 tỷ kilowatt-giờ (kWh) điện mỗi năm, đủ để đáp ứng nhu cầu hàng năm của hơn 300 triệu người, với tổng công suất lắp đặt là 70 triệu kilowatt. Trung Quốc phê duyệt dự án vào tháng 12/2024 trên con sông được biết đến với tên Nhã Lỗ Tạng Bố ở Tây Tạng và Brahmaputra ở Ấn Độ. Dự án này vượt xa đập Tam Hiệp - hiện là đập lớn nhất thế giới. Cổ phiếu xây dựng và kỹ thuật của Trung Quốc đã tăng vọt sau khi Thủ tướng Lý Cường công bố dự án vào cuối tuần qua.
Đối với Bắc Kinh, dự án hứa hẹn nguồn điện sạch, tạo thêm việc làm và có thể mang lại một cú hích cho nền kinh tế hiện đang đối mặt nhiều khó khăn. Nhưng đối với các nước các nước láng giềng ở hạ lưu con sông như Ấn Độ và Bangladesh, dự án khơi dậy những lo lắng cũ về an ninh nguồn nước và môi trường sinh thái bởi con sông đã trở thành nguồn sống của hàng triệu người.
Dự án quy mô lớn của Trung Quốc
Theo Tân Hoa xã, công trình thủy điện mới của Trung Quốc được cấu thành từ 5 trạm thủy điện bậc thang, đặt ở hạ lưu sông Nhã Lỗ Tạng Bố - nơi con sông đổ dốc đến 2.000m chỉ trong 50 km. Dự kiến nguồn điện đầu tiên sẽ được tạo ra trong nửa đầu những năm 2030. Ngoài kinh phí và sản lượng điện, Trung Quốc công bố rất ít thông tin về cách thức xây dựng dự án.
Tại sao các nước láng giềng lo ngại?
Việc thiếu thông tin về dự án đang làm gia tăng lo ngại về an ninh nguồn nước ở Ấn Độ và Bangladesh, những quốc gia phụ thuộc vào con sông cho mục đích thủy lợi, thủy điện và nước sinh hoạt.
Thủ hiến bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ giáp biên giới với Trung Quốc, đầu năm nay cho biết, con đập có thể làm khô cạn 80% lưu lượng nước sông chảy qua bang này của Ấn Độ, đồng thời có khả năng gây ngập lụt cho các khu vực hạ lưu như bang Assam lân cận.
Theo Giáo sư Michael Steckler tại Đại học Columbia, ngoài việc làm thay đổi dòng chảy, các con đập sẽ khiến lượng phù sa chảy xuống hạ lưu bị giảm đi. Phù sa mang theo các chất dinh dưỡng thiết yếu cho nông nghiệp ở vùng đồng bằng tại hạ lưu.
Ấn Độ và Trung Quốc đã từng xảy ra xung đột biên giới tại khu vực này vào những năm 1960 và sự thiếu thống tin từ Bắc Kinh đã làm dấy lên suy đoán rằng họ có thể sử dụng con đập để ngăn nước nếu một cuộc xung đột mới bùng phát giữa hai bên, ông Sayanangshu Modak, chuyên gia về quan hệ nước giữa Ấn Độ và Trung Quốc tại Đại học Arizona lưu ý.
Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 22/7 khẳng định rằng: "Việc xây dựng dự án thủy điện Nhã Lỗ Tạng Bố là vấn đề thuộc phạm vi chủ quyền của Trung Quốc. Con đập sẽ cung cấp năng lượng sạch và ngăn ngừa lũ lụt”. Bộ này cho biết thêm: "Trung Quốc cũng đã tiến hành trao đổi cần thiết với các nước hạ lưu về thông tin thủy văn, kiểm soát lũ lụt và hợp tác giảm nhẹ thiên tai liên quan đến dự án”. Bộ Ngoại giao và Bộ Tài nguyên nước của Ấn Độ hiện chưa phản hồi trước tuyên bố này.
Liệu đập này có khiến Ấn Độ thiếu nước?
Tuy nhiên, chuyên gia Modak cho rằng, ảnh hưởng của con đập đối với dòng chảy hạ lưu đã bị đánh giá quá mức, bởi phần lớn lượng nước đổ vào con sông là từ các trận mưa ở phía Nam dãy Himalaya, chứ không phải từ Trung Quốc.
Ông Modak lưu ý, kế hoạch của Trung Quốc là xây dựng một dự án thủy điện dọc theo con sông, đồng nghĩa với việc dòng chảy thông thường của con sông sẽ không bị tác động nhiều.
Ấn Độ đã có kế hoạch xây dựng hai đập trên sông Siang, một phụ lưu của sông Nhã Lỗ Tạng Bố. Trong đó có một đập với công suất 11,5 gigawatt ở bang Arunachal Pradesh. Đây sẽ là con đập lớn nhất của Ấn Độ nếu kế hoạch trên được triển khai.
Theo ông Modak, kế hoạch của Ấn Độ dường như để khẳng định tuyên bố chủ quyền của nước này đối với con sông và củng cố lập luận của họ trong trường hợp Trung Quốc tìm cách chuyển hướng dòng nước. "Nếu Ấn Độ có thể chứng minh rằng họ đã và đang sử dụng nguồn nước này, thì Trung Quốc không thể đơn phương chuyển hướng dòng nước", ông Modak nói.
Rủi ro về động đất và thời tiết cực đoan
Dự án xây đập thủy điện mới của Trung Quốc được triển khai tại một khu vực dễ xảy ra động đất, lũ lụt và bão. Việc xây dựng hàng loạt đập trong khu vực đã khiến các chuyên gia lo ngại về vấn đề an toàn sau trận động đất nghiêm trọng ở Tây Tạng hồi đầu năm nay. Trước đó, một dự án thủy điện nhỏ hơn trên một nhánh sông gần đó đã bị giới hạn thời gian xây dựng trong 4 tháng do thách thức về kỹ thuật và mùa đông khắc nghiệt.
Hồng Anh/VOV.VN (biên dịch) Theo Reuters