Siêu dự án điện hạt nhân 18 tỷ USD giữa Séc – Hàn bị EU 'tuýt còi'

Siêu dự án điện hạt nhân 18 tỷ USD giữa Séc – Hàn bị EU 'tuýt còi'
6 giờ trướcBài gốc
Ảnh minh họa
Korea Hydro & Nuclear Power (KHNP) và công ty con của tập đoàn điện lực quốc doanh Séc CEZ dự kiến ký hợp đồng vào tuần trước, để xây dựng hai lò phản ứng hạt nhân công suất 1.055 megawatt tại Nhà máy điện hạt nhân Dukovany. Tuy nhiên, việc ký kết giữa hai công ty này đã bị hoãn lại sau khi một tòa án khu vực ban hành lệnh cấm tạm thời theo yêu cầu của công ty EDF của Pháp – bên đã thua trong gói thầu.
Hôm thứ Hai 12/5, trang tin Euractiv của EU đưa tin rằng Ủy viên châu Âu người Pháp Stephane Sejourne đã gửi thư đến Bộ Công Thương Séc vào ngày 2/5 – cùng ngày EDF nộp đơn xin lệnh cấm – kêu gọi Chính phủ Séc hoãn thỏa thuận hạt nhân với Hàn Quốc. Tòa án khu vực Brno đã ban hành lệnh cấm vào ngày 6/5, qua đó buổi lễ ký kết dự kiến diễn ra vào ngày hôm sau 7/5 đã bị hủy bỏ.
Trong thư, ông Sejourne cho biết Ủy ban châu Âu đã bắt đầu xem xét liệu công ty KHNP có nhận được hỗ trợ tài chính từ Chính phủ – điều có thể bị coi là vi phạm Quy định về Trợ cấp Nước ngoài của EU (FSR) – khi công ty này giành chiến thắng trong gói thầu xây dựng hai lò phản ứng hay không. Ông đề nghị Cộng hòa Séc không ký hợp đồng cho đến khi cuộc điều tra hoàn tất.
“Liên quan đến vấn đề này, chúng tôi yêu cầu Cộng hòa Séc tránh mọi hành động có thể gây ra hậu quả đáng tiếc và làm trái với FSR,” ông Sejourne viết.
Phát biểu của ông Sejourne lặp lại cáo buộc của EDF rằng KHNP có thể đã nhận được trợ cấp từ Chính phủ, điều có thể vi phạm các quy định cạnh tranh của EU. Công ty Pháp cũng cho rằng mức giá cố định mà KHNP đưa ra là quá thấp và không bền vững về tài chính. Với những lý do này, EDF tiếp tục phản đối việc Cộng hòa Séc lựa chọn KHNP kể từ khi họ bị loại khỏi gói thầu vào tháng 7 năm ngoái.
Vào cuối ngày thứ Hai 12/3, người phát ngôn của Ủy ban châu Âu, ông Thomas Regnier, đã làm rõ rằng bức thư của ông Sejourne hoàn toàn không phải là một yêu cầu ngưng dự án.
“Trong trường hợp này, đây không phải là một ủy viên người Pháp bảo vệ lợi ích của Pháp. Ngược lại, đây là một thành viên của Ủy ban châu Âu đang thực thi pháp luật và làm việc với chính quyền Séc để bảo vệ thị trường chung của chúng ta,” người phát ngôn cho biết thêm.
Trước những cáo buộc trên, vào thứ Ba 13/5, KHNP đã khẳng định họ không vi phạm FSR của EU, và bác bỏ cáo buộc từ phía Pháp rằng họ nhận được trợ cấp từ Chính phủ.
“Chúng tôi đã tham gia quá trình đấu thầu một cách nghiêm túc và có trách nhiệm, và chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực hết mình để bảo đảm việc thực hiện thành công dự án, dựa trên sự tin tưởng với Chính phủ Séc và cơ quan chủ đầu tư,” công ty cho biết hôm thứ Ba 13/5.
Trước đó, KHNP cũng đã bác bỏ cáo buộc của EDF. Họ khẳng định họ không nhận bất kỳ trợ cấp nào từ Chính phủ và cuộc đấu thầu hạt nhân tại Séc bắt đầu vào tháng 3 năm 2022 – trước khi quy định FSR được ban hành – do đó không nằm trong phạm vi áp dụng của FSR.
Elektrarna Dukovany II (EDU II), công ty con của CEZ phụ trách dự án lò phản ứng, đã ra thông cáo bảo vệ quy trình đấu thầu và kêu gọi EDF công khai ngay đề xuất của mình, nếu thực sự tự tin rằng họ đã đưa ra một hồ sơ thầu cạnh tranh hơn KHNP.
EDU II cũng cho biết họ sẵn sàng yêu cầu bồi thường đầy đủ cho các thiệt hại do việc trì hoãn gây ra, và sẽ bảo vệ giá trị cổ đông trước các vụ kiện tụng.
Liên quan đến cáo buộc trợ cấp bất hợp pháp, EDU II gọi đây là suy đoán từ bên thầu không thành công, đồng thời nhấn mạnh rằng bên thầu không thành công không thực sự quan tâm đến việc thắng thầu, mà là muốn không có nhà máy điện hạt nhân nào được xây dựng tại Cộng hòa Séc cả.
CEZ cũng cho biết họ sẽ đệ đơn lên Tòa án Hành chính Tối cao trong tuần này nhằm hủy bỏ lệnh cấm và tiến hành ký kết hợp đồng.
Yến Anh
The Korea Herald
Nguồn PetroTimes : https://nangluongquocte.petrotimes.vn/sieu-du-an-dien-hat-nhan-18-ty-usd-giua-sec-han-bi-eu-tuyt-coi-727409.html