'Siêu tàu chiến' Nga Ivan Rogo có đủ sức đánh bật Ukraine khỏi Biển Đen?

'Siêu tàu chiến' Nga Ivan Rogo có đủ sức đánh bật Ukraine khỏi Biển Đen?
4 giờ trướcBài gốc
Nga chuẩn bị hoàn thành tàu chiến lớn nhất từ trước đến nay
Ảnh vệ tinh do hãng tin quốc phòng Ukraine Defense Express công bố cho thấy tiến độ đóng tàu Ivan Rogov đã được đẩy nhanh đáng kể trong vài tháng gần đây. So sánh hình ảnh từ tháng 7/2024 với hiện tại, hãng này nhận định phần thân tàu đã thành hình rõ rệt, phản ánh tiến triển của đội đóng tàu Nga sau gần một năm trì trệ.
Ivan Rogov là một trong hai tàu tấn công đổ bộ thuộc Dự án 23900 do Điện Kremlin đặt hàng nhằm hiện đại hóa Hải quân Nga. Chiếc tàu chiến còn lại, Mitrofan Moskalenko, dự kiến được biên chế cho Hạm đội Thái Bình Dương. Hai chiếc tàu này được thiết kế với khả năng vận chuyển tới 900 lính thủy đánh bộ, 75 xe chiến đấu, ba tàu đổ bộ cỡ nhỏ và 15 trực thăng, bao gồm cả trực thăng vận tải Ka-29 và trực thăng tấn công Ka-52K. Với lượng giãn nước lên tới 40.000 tấn, Ivan Rogov vượt xa về kích thước so với tàu tuần dương Moskva, soái hạm từng là niềm tự hào của Hạm đội Biển Đen nhưng đã bị đánh chìm bởi tên lửa Neptune của Ukraine vào tháng 4/2022.
Mô hình tàu đổ bộ Ivan Rogo. Ảnh: Russian MoD
Cho đến nay, Nga chưa từng vận hành bất kỳ tàu chiến nào thuộc loại này. Theo cựu Phó tham mưu trưởng Hải quân Ukraine Andriy Ryzhenko, các tàu đổ bộ hiện nay của Nga đều có từ thời Liên Xô. Ông Ryzhenko cho biết, theo tư duy quân sự những năm 1970 - 1980, các tàu đổ bộ sẽ tiếp cận bờ biển dưới sự yểm trợ của không quân và pháo binh, sau đó mới để binh sĩ và các phương tiện thiết giáp rời tàu.
Trong khi đó, phương Tây đã chuyển sang khái niệm tàu đổ bộ hiện đại hơn, hoạt động giống như tàu sân bay nhỏ, từ đó triển khai quân bằng trực thăng và tàu đổ bộ trong khi tàu mẹ vẫn neo ở xa bờ và được yểm hộ chặt chẽ.
Nỗ lực hiện đại hóa Hải quân Nga từng được cụ thể hóa bằng hợp đồng mua hai tàu lớp Mistral của Pháp vào năm 2010. Tuy nhiên, sau khi Nga sáp nhập Crimea năm 2014, các lệnh trừng phạt của phương Tây khiến Paris hủy bàn giao và chuyển nhượng tàu cho Ai Cập. Sau đó, Điện Kremlin khởi động chương trình đóng tàu đổ bộ nội địa, trong đó có các chiến hạm Ivan Rogov và Mitrofan Moskalenko, với giá trị hợp đồng ước tính khoảng 100 tỷ rúp (1,2 tỷ USD).
Tuy nhiên, dự án đã gặp nhiều trục trặc và chậm tiến độ. Báo Izvestia đưa tin năm 2021 rằng Ivan Rogov sẽ được bàn giao vào tháng 12/2028, còn Mitrofan Moskalenko muộn hơn một năm. Nhưng từ đó đến nay, không có cập nhật đáng kể nào về tiến độ chiếc tàu thứ hai.
Hiệu quả chiến lược bị nghi ngờ
Ngay cả khi hoàn tất, giới chuyên gia vẫn nghi ngờ tính hiệu quả chiến lược của Ivan Rogov, đặc biệt trong bối cảnh chiến trường Biển Đen đang thay đổi. Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát lối vào Địa Trung Hải và sở hữu một hạm đội hiện đại, trong khi Ukraine đã chứng minh năng lực tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa chống hạm. Ông Ryzhenko nhận định, khi đối đầu Ukraine, Ivan Rogov sẽ dễ trở thành mục tiêu.
“Con tàu này chỉ có hệ thống phòng không tầm ngắn. Điều đó không đủ để ngăn chặn các cuộc tấn công ồ ạt bằng UAV hay tên lửa như Neptune và Harpoon, đặc biệt khi được triển khai từ F-16 hoặc Mirage", ông Rogov nói.
Việc Ukraine tận dụng UAV tấn công cả từ trên không lẫn mặt biển đã buộc Nga phải rút phần lớn Hạm đội Biển Đen khỏi Sevastopol, chuyển sang căn cứ Novorossiysk, tuy an toàn nhưng có hiệu quả tấn công thấp hơn. Ba trong bốn căn cứ chính của hạm đội nằm tại khu vực Crimea, bao gồm Sevastopol, Feodosia và Donuzlav. Theo ông Ryzhenko, các cảng này có lợi thế lớn vì không bị đóng băng vào mùa đông và có vị trí chiến lược hướng ra Địa Trung Hải, Đại Tây Dương. Hạm đội Biển Đen được thành lập từ năm 1783 từng là trụ cột sức mạnh hải quân Nga ở phía nam, đóng vai trò quan trọng trong việc triển khai lực lượng xa bờ.
Tính đến thời điểm xung đột Nga-Ukraine bùng nổ vào tháng 2/2022, Hạm đội Biển Đen sở hữu 58 tàu chiến và 74 tàu phụ trợ, trong đó có 3 khinh hạm, 7 tàu ngầm và tàu tuần dương Moskva. Tất cả đều trang bị tên lửa hành trình Kalibr. Điện Kremlin cũng điều động thêm sáu tàu đổ bộ từ Hạm đội Baltic để chuẩn bị cho các chiến dịch đổ bộ gần Odesa. Tuy nhiên, ba nỗ lực áp sát bờ biển Ukraine đã thất bại do hệ thống phòng thủ vững chắc của Kyiv. Hoạt động đổ bộ duy nhất thành công là chiếm đảo Zmiinyi (Đảo Rắn), sau đó cũng bị Ukraine giành lại.
Hạm đội Nga sau đó chuyển sang vai trò tấn công tầm xa bằng tên lửa nhưng phải hứng chịu thiệt hại nặng nề. Từ tàu hộ tống Veliky Ustyug, tàu tuần tra quanh Đảo Rắn, cho đến soái hạm Moskva bị đánh chìm, các tổn thất nối tiếp buộc Nga phải dời lực lượng về Novorossiysk.
Ngay cả ở đó, tình trạng an ninh vẫn mong manh. Vào tháng 8/2023, tàu đổ bộ lớp Olenegorsky Gornyak bị UAV tấn công và hư hại nặng.
Ukraine không ngừng mở rộng kho vũ khí với tên lửa Storm Shadow và SCALP từ Anh, Pháp, cùng các UAV hải quân ngày càng tinh vi. Theo Hải quân Ukraine, Nga đã mất hơn một phần ba số tàu chiến tại Biển Đen; trong khi tình báo Anh ước tính thiệt hại khoảng 25%.
Mặc dù gần đây tốc độ tấn công của Ukraine có giảm, Nga cũng đã thay đổi chiến thuật, thường xuyên di chuyển tàu, tăng cường phòng thủ cảng và hạn chế tàu rời bến. Ông Ryzhenko cho biết Nga hiện chủ yếu giữ lại các khinh hạm cũ và tàu tuần tra nhỏ ở khu vực Crimea.
Tại xưởng đóng tàu Zaliv, nơi Ivan Rogov đang được chế tạo, lực lượng Nga đã thiết lập hệ thống rào chắn bảo vệ trước các cuộc tấn công bằng UAV. Tuy nhiên, một số chuyên gia cảnh báo rằng ngay cả khi đạt được lệnh ngừng bắn, giao tranh vẫn có thể tiếp diễn trong tương lai. Khi đó, Hạm đội Biển Đen vẫn sẽ là mục tiêu dễ tổn thương.
Diệp Thảo/VOV.VN (tổng hợp) Theo The Moscow Times, Russian MoD
Nguồn VOV : https://vov.vn/quan-su-quoc-phong/sieu-tau-chien-nga-ivan-rogo-co-du-suc-danh-bat-ukraine-khoi-bien-den-post1198011.vov