Siêu vùng du lịch sau hợp nhất TP Hồ Chí Minh - Đồng Nai - Tây Ninh: Bài 2 - Doanh nghiệp hiến kế tháo gỡ những 'nút thắt cũ' trong 'tấm áo mới'

Siêu vùng du lịch sau hợp nhất TP Hồ Chí Minh - Đồng Nai - Tây Ninh: Bài 2 - Doanh nghiệp hiến kế tháo gỡ những 'nút thắt cũ' trong 'tấm áo mới'
11 giờ trướcBài gốc
Cần cơ chế điều phối chung, chấm dứt cảnh “mạnh ai nấy làm”
Từ nhiều năm qua, ĐNB đã trở thành điểm hẹn của nhiều triệu du khách. Sau sáp nhập, giữa kho báu tài nguyên du lịch phong phú, đặt ra yêu cầu làm mới các tour tuyến, tạo dấu ấn vùng, tăng trải nghiệm.
Trong các báo cáo, du lịch xanh và bảo tồn di sản thường được nhấn mạnh. Nhưng thực tế, một số điểm đến vẫn phát triển tự phát, xung đột lợi ích giữa khai thác và bảo tồn. Rừng ngập mặn Cần Giờ chịu áp lực lớn từ dịch vụ. Hồ Trị An chưa có quy hoạch bảo tồn nghiêm ngặt. Nhiều dự án nghỉ dưỡng thiếu đánh giá tác động môi trường dài hạn.
Ông Phan Đình Huê, chuyên gia tư vấn du lịch chỉ rõ: Hiện nay, cơ sở lưu trú cao cấp tại Tây Ninh, Đồng Nai còn khá hạn chế, ngoài một vài resort nhỏ lẻ, phần lớn du khách buộc phải quay lại TP HCM nếu muốn trải nghiệm dịch vụ 4 - 5 sao.
ĐNB cần nhanh chóng có bộ nhận diện thương hiệu chung về du lịch. (Ảnh: D.Khương)
Về hạ tầng và logistics, vẫn còn một số bất hợp lý. Hàng loạt cao tốc đang gấp rút thi công, nhưng hệ thống bến bãi, điểm dừng chân, trạm dịch vụ du lịch còn manh mún, chưa hình thành mạng lưới đồng bộ. Hồ Trị An được kỳ vọng thành khu du lịch quốc gia nhưng chưa có bến thuyền đón khách quốc tế đạt chuẩn. Rừng Mã Đà - Cát Tiên thiếu tuyến vận chuyển khép kín. Đường thủy Sài Gòn - Vàm Cỏ - Vũng Tàu chưa được đầu tư tương xứng.
Bà Lê Thị Ngọc Loan (Giám đốc Sở VH,TT&DL Đồng Nai) thẳng thắn: “Chúng ta có Cát Tiên là di sản sinh quyển thế giới, hồ Trị An hùng vĩ, nhưng tour trải nghiệm thật sự độc đáo vẫn rất hiếm. Nghịch lý là khách đông nhưng lưu trú ngắn, chi tiêu ít”. Theo thống kê, tỷ lệ chi tiêu bình quân của khách tại ĐNB thấp hơn 30% so với miền Trung và miền Bắc, một phần do dịch vụ bổ trợ nghèo nàn, sản phẩm chưa đạt tầm “là lý do quay lại” của du khách.
Ông Nguyễn Đăng Ninh (Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đồng Nai) cho biết, cộng đồng DN rất sẵn sàng tham gia liên kết vùng, xây tour liên tuyến, tổ chức sự kiện chung. Nhiều Cty lữ hành, cơ sở lưu trú và vận chuyển tại Đồng Nai, Tây Ninh, TP HCM đều mong muốn kết nối sản phẩm, chia sẻ nguồn khách. Vì vậy, cần phải có cơ chế điều phối thống nhất và chính sách hỗ trợ thiết thực. Cần chấm dứt tình trạng mỗi tỉnh lại có quy định, thủ tục, lệ phí riêng khiến việc xây dựng tour liên tỉnh mất nhiều thời gian, tốn kém.
Ông Nguyễn Đăng Ninh: “Cần chấm dứt tình trạng mỗi tỉnh lại có quy định, thủ tục, lệ phí riêng khiến việc xây dựng tour liên tỉnh mất nhiều thời gian, tốn kém”. (Ảnh: D. Khương)
“Chúng tôi từng khảo sát, đề xuất tour “Từ phố ra rừng”, “Một hành trình - ba thế giới” nối TP HCM - Đồng Nai - Tây Ninh. Ý tưởng rất hay, du khách quan tâm, nhưng khi triển khai đã gặp một số rào cản như giờ mở cửa không đồng bộ, giá vé khác nhau, quảng bá mỗi nơi một kiểu”, ông Ninh nói.
“Trong bối cảnh cạnh tranh du lịch gay gắt, ĐNB cần sớm có cơ quan điều phối vùng và chính sách đồng bộ, để các sáng kiến liên kết không chỉ dừng lại mức phong trào. DN cần cam kết lâu dài và một hành lang pháp lý rõ ràng để yên tâm đầu tư”, ông Ninh nói.
Phải sớm có bộ nhận diện thương hiệu du lịch chung
Trong phát triển du lịch, trước đây, mỗi địa phương đi một con đường riêng: Đồng Nai tập trung quảng bá Cát Tiên, Tây Ninh dồn lực xây dựng hình ảnh núi Bà Đen, TP HCM ưu tiên du lịch MICE và biển đảo. Sau hợp nhất, nhiều người kỳ vọng sẽ có cơ chế điều phối chung để chấm dứt cảnh “mạnh ai nấy làm”, chấm dứt những hoạt động xúc tiến rời rạc; hướng tới những câu chuyện chung.
Cuộc sáp nhập hành chính được kỳ vọng sẽ định hình lại bản đồ du lịch và ĐNB cần nhanh chóng có bộ nhận diện thương hiệu chung. Cần nghiên cứu vấn đề có nên tiếp tục tình trạng mỗi tỉnh một slogan, một logo, một câu chuyện quảng bá riêng lẻ, vừa tốn kém ngân sách, vừa làm hình ảnh vùng trở nên mờ nhạt?
Ông Trần Anh Minh (Giám đốc Sở VH,TT&DL Tây Ninh) nhìn nhận: “Cần có một thương hiệu chung, để ĐNB thoát khỏi tình trạng quanh quẩn ở thị trường nội địa. Kinh nghiệm du lịch thế giới không gọi tên từng tỉnh, mà gọi tên một vùng. Nhiều quốc gia đã tạo ra thương hiệu vùng rõ rệt như “Amazing Thailand”, “Wonderful Indonesia”.
Nụ cười của du khách quốc tế khi tới TP HCM. (Ảnh: D.Khương)
Chuyên gia Phan Đình Huê đồng tình với quan điểm này: “Chúng ta cần học hỏi Hàn Quốc đã biến Seoul - Incheon - Gyeonggi thành siêu vùng du lịch nhờ cơ chế điều phối thống nhất và chiến lược thương hiệu chung “K-Experience”. Thái Lan cũng áp dụng mô hình “One Region - One Brand”, tạo dấu ấn rõ rệt. ĐNB hoàn toàn đủ điều kiện để làm tương tự, nếu chúng ta cùng nhau quyết tâm làm và có những cơ chế, sự phối hợp liên kết nhất quán”.
Những nhận định trên cũng là điều mà Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (Bộ VH,TT&DL) Nguyễn Trùng Khánh nêu rõ tại Hội nghị triển khai các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Du lịch 6 tháng cuối năm 2025 tổ chức ngày 9/7 vừa qua tại Hà Nội. Đó là phải thúc đẩy thực hiện hiệu quả cơ chế điều phối, quy chế hoạt động, kế hoạch hành động vùng, liên vùng trong hoạt động du lịch.
Về phía cơ quan chức năng ở tầm Trung ương cũng như địa phương, đã định hình một số giải pháp để giải quyết vấn đề này. Mời bạn đọc đón đọc trên số báo sau.
Trong thời đại công nghệ, nhân lực du lịch không chỉ coi trọng hướng dẫn viên mà còn phải quan tâm những người quản lý điểm đến, vận hành khách sạn, phát triển sản phẩm, làm truyền thông, marketing. Giám đốc Sở VH,TT&DL Đồng Nai Lê Thị Ngọc Loan nhận định: “Muốn đón thêm nhiều khách, đặc biệt là du khách quốc tế, không chỉ cần tài nguyên đẹp mà còn cần con người chuyên nghiệp. Cần nâng chất lượng nhân lực, để du lịch trong vùng không chỉ dừng ở mức tham quan”.
Ông Trần Anh Minh (Giám đốc Sở VH,TT&DL Tây Ninh) chỉ ra một thực tế khác: “Trong khi các địa phương khao khát thu hút du khách, thì còn tình trạng cạnh tranh không lành mạnh bào mòn sức hấp dẫn. Một số nơi đua nhau hạ giá tour, khuyến mãi phòng nghỉ, dẫn đến chất lượng dịch vụ giảm, uy tín thương hiệu sa sút. Phương án giảm giá vô tội vạ không phải giải pháp. Phải nâng giá trị trải nghiệm để tăng chi tiêu, tránh làm giảm giá trị thương hiệu du lịch vùng”.
(Còn tiếp)
Nguyễn Duy Khương
Nguồn Pháp Luật VN : https://baophapluat.vn/sieu-vung-du-lich-sau-hop-nhat-tp-ho-chi-minh-dong-nai-tay-ninh-bai-2-doanh-nghiep-hien-ke-thao-go-nhung-nut-that-cu-trong-tam-ao-moi.html