Theo Sci-News, phát hiện mới tại di chỉ Grăunceanu của Romania là những chiếc xương có vết cắt đặc biệt, giúp làm sáng tỏ thêm về thời điểm và mức độ phân tán của các sinh vật tông Người cổ đại trên khắp Âu Á.
Tông Người (Hominini) bao gồm 2 chi Người (Homo) và Tinh tinh (Pan) trong phân họ Người. Ngày nay, tông Người còn lại 3 loài thuộc 2 chi trên là Homo sapiens chúng ta, tinh tinh, tinh tinh lùn.
Nhưng trong quá khứ, tông Người từng đông đúc hơn nhiều.
Ảnh đồ họa mô tả một loài cổ đại thuộc chi Người của tông Người tại Dmanisi - Ảnh: Elisabeth Daynes
Trong số đó, có một loài bí ẩn đã để lại những hiện vật thú vị ở Romania, một vị trí quan trọng trên chặng đường di cư và lan tỏa khắp lục địa Á - Âu.
Di chỉ Grăunceanu ở Romania được khai quật từ những năm 1960, thu thập về nhiều hiện vật bao gồm xương của ít nhất 31 loài động vật khác nhau.
Những chiếc xương này, được lưu giữ tại Viện hang động Emil Racoviţă và Bảo tàng Oltenia, phần lớn bị bỏ qua cho đến khi nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi nhà cổ nhân chủng học Sabrina Curran từ Đại học Ohio (Mỹ) kiểm tra lại gần đây.
Họ phát hiện ra điều bất thường trên một số chiếc xương: Những vết cắt được tạo ra một cách cố ý, bởi công cụ.
Phát hiện này đặc biệt đáng chú ý vì với niên đại lên tới 1,95 triệu năm, chúng được tạo ra sớm hơn tận 200.000 năm so với những bằng chứng tương tự tại di chỉ Dmanisi nổi tiếng ở Georgia.
Dmanisi là nơi nắm giữ bằng chứng về sự tồn tại sớm nhất của sinh vật tông Người bên ngoài châu Phi. Giờ đây, nó đã bị soán ngôi.
Phát hiện mới chứng tỏ rằng những loài vượn người đầu tiên đã bắt đầu khám phá và sinh sống ở nhiều môi trường khác nhau trên khắp lục địa Âu Á ít nhất là gần 2 triệu năm trước.
Điều này cho thấy các thành viên của tông Người sơ khai đã có khả năng thích nghi cao, đóng vai trò quan trọng trong sự sinh tồn và phát triển của các loài "con cháu" sau này, bao gồm các loài tiến hóa đủ cao đến mức có thể coi là con người thực thụ.
Vẫn chưa có kết luận nào được đưa ra liên quan đến việc xác định loài nào, thuộc chi nào của tông Người là chủ nhân những vết cắt trên xương nói trên, bởi thông tin còn ít ỏi.
Mặc dù vậy, các bằng chứng mới cho thấy Grăunceanu là một địa điểm thú vị cho những cuộc tìm kiếm kỹ lưỡng hơn trong tương lai.
Anh Thư