Nhiều sinh viên chọn ở lại thành phố dịp Tết thay vì về quê. Ảnh: Doãn Tiến.
Tết Nguyên đán năm nay, Mỹ Ngọc (sinh viên năm cuối, Đại học Ngân hàng TP.HCM) chọn ở lại thành phố làm thêm xuyên Tết thay vì về quê ở Bình Định.
"Bình thường, mỗi tháng vừa học, vừa làm, em kiếm được khoảng 3-4 triệu đồng. Tháng này được nghỉ Tết, em làm nhiều hơn, nhận khoảng 5-6 triệu đồng", Trinh chia sẻ.
Thu nhập Tết gần bằng cả tháng đi làm
Không chỉ Mỹ Ngọc, Mỹ Trâm - sinh viên năm nhất Đại học Tài chính - Marketing, em gái của Ngọc - cũng chọn không về quê dịp Tết, ở lại làm thêm thời vụ cùng chỗ với chị gái.
Công việc của Ngọc và Trâm là nhân viên phục vụ tại một cửa hàng gà rán. Bình thường, Ngọc chỉ làm 4-5 buổi/tuần, nhưng từ hôm 10/1, trường chuyển sang học online, thời gian linh hoạt hơn, em tăng lên làm 5-6 buổi.
Mỗi giờ làm việc, Ngọc nhận được 25.000 đồng, nhưng từ mùng 1 đến mùng 4 Tết, em được tính thù lao gấp ba. Nữ sinh chia sẻ ca làm thường kéo dài 8 giờ, nếu thiếu người, em sẽ làm 15 giờ. Như vậy, tính riêng 4 ngày Tết, em có thể nhận 2,4-3 triệu đồng, gần bằng làm cả tháng trước đây.
Trừ đi tiền trọ 1,7 triệu đồng cùng chi phí ăn uống, Ngọc nhẩm tính tháng 1 và tháng 2, em có thể ra chút ít, phòng các tháng sau sẽ đi làm ít hơn.
Lê Trinh nhận vẽ decor trang trí quán. Ảnh: NVCC.
Không về quê, Lê Trinh (sinh viên Đại học Kiến trúc TP.HCM) cũng chọn ở lại thành phố làm xuyên Tết. Tận dụng lợi thế của mình, Trinh nhận vẽ trang trí, decor cho các quán ăn, mỗi ngày làm 8 tiếng với 4 ngày/tuần.
Từ ngày 28 tháng chạp đến mùng 2 Tết, thù lao tăng từ 25.000 lên 60.000 đồng/giờ.
"Tháng vừa rồi, em nhận lương và thưởng là 4 triệu đồng, tháng này chắc chắn hơn", Trinh phấn khởi chia sẻ.
Trong khi đó, quê ở ngoại thành Hà Nội, Nguyễn Linh (sinh viên năm 3 tại Hà Nội) kết thúc ca làm việc cuối cùng của mình ở một nhà hàng vào đêm 26/1 (27 âm lịch). Sáng 29 Tết, nữ sinh mới về quê.
Công việc của Linh là nhân viên bưng bê, phục vụ tại quán. Bình thường, nữ sinh chỉ làm 6 giờ/ngày, nhưng từ hôm nghỉ Tết (ngày 21/2), Linh bắt đầu tăng ca, làm 12 giờ/ngày.
Thu nhập của nữ sinh tăng đáng kể. Với mức lương 29.000 đồng/giờ, làm 20 ngày trước và sau Tết, Linh có thể nhận 7 triệu đồng, đủ trả 3 tháng tiền trọ.
Sinh viên đón Tết xa nhà
Lý do làm thêm dịp Tết, cả bốn sinh viên cho hay các em muốn có thêm thu nhập chi trả cho việc học tập, sinh hoạt, hỗ trợ bố mẹ một khoản do Tết phải chi tiêu nhiều.
Mỹ Ngọc cho biết đây là năm thứ ba em ở lại thành phố dịp này, còn em gái là năm đầu tiên. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, dù nhớ nhà, hai chị em vẫn chọn ở lại. Mấy ngày Tết, Mỹ Trâm đã chuyển từ ký túc xá ra ở cùng chị gái để tiện đi làm.
"Năm thứ ba nên em cũng quen với việc đón Tết xa nhà. Ba mẹ em cũng buồn vì cả hai chị em đều không về, nhưng vì hoàn cảnh nên chúng em cố gắng", Ngọc cho hay em thường về nhà vào mùa hè vì vé xe rẻ và nhiều thời gian hơn.
Tương tự, gia đình cũng khó khăn, mẹ đau ốm, ra Tết lại phải làm đồ án tốt nghiệp, số tiền khá lớn nên Lê Trinh chọn ở lại. Nhìn ký túc xá vắng người, nữ sinh cũng chạnh lòng nhớ bố mẹ.
"Nếu về quê, giá vé xe tới hơn một triệu đồng/lượt. Đi 2 lượt, em thấy tốn quá. Số tiền kiếm được từ làm thêm, em sẽ mua họa cụ để làm đồ án, đóng học phí cũng như phụ ba tiền thuốc cho mẹ", Trinh cho hay trước Tết, để con gái đỡ nhớ nhà, ba mẹ đã gửi cho em ít đồ khô và bánh thuẫn - món bánh để đãi khách trong những ngày Tết của người miền Trung.
Những ngày này, Ký túc xá Cỏ May nơi Trinh ở cũng bố trí cho các sinh viên không về quê tập trung ở một khu. Vì vậy, nữ sinh cũng thấy bớt trống vắng sau giờ làm.
Còn với Nguyễn Linh, dù gia đình không quá túng thiếu, nhưng em vẫn muốn tự trang trải cuộc sống ở thành phố, đỡ được bố mẹ đồng nào hay đồng nấy. Ngoài ra, vì tương đối gần nội thành, chỉ cách 30 km, Linh sẵn sàng về quê muộn và đi làm sớm để hỗ trợ các bạn ở xa.
Gần 50 sinh viên trong nước đăng ký ở lại Ký túc xá Đại học Quốc gia TP.HCM dịp Tết này. Ảnh: KTXHCM.
Ngoài Trinh, Ngọc và Trâm, ở những thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM, nhiều sinh viên chọn ở lại dịp Tết này. Trong đó, nhiều em đi làm thêm. Các em thường chọn những công việc linh hoạt về mặt thời gian như bưng bê, phục vụ ở các cửa hàng F&B.
Theo thống kê của Ban quản lý Ký túc xá Đại học Quốc gia TP.HCM, Tết năm nay, gần 50 sinh viên trong nước đăng ký ở lại.
Ông Lại Thế Tuân, Trưởng phòng Tổng hợp Trung tâm quản lý ký túc xá (Đại học Quốc gia TP.HCM), cho biết để tiện hỗ trợ, trung tâm đã bố trí cho các em ở tập trung tại một khu. Với những em đi làm thêm về muộn, ban quản lý nắm giờ giấc để bảo vệ mở cổng.
Bên cạnh đó, các sinh viên được hỗ trợ một triệu đồng mỗi người, một phần quà từ Đại học Quốc gia TP.HCM trị giá 200.000 đồng, cùng mì tôm và sữa. Sáng mùng 1, lãnh đạo Trung tâm đến tận phòng ở chúc Tết sinh viên và lì xì mỗi em 300.000 đồng.
Trước đó, Đại học Gia Định cũng trao 300 phần quà tới sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, không về quê đón Tết. Trung tâm hỗ trợ học sinh, sinh viên TP.HCM cũng đã trao phần quà một triệu đồng cho 2.000 sinh viên đón Tết xa nhà và học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.
Ngọc Bích