Sinh viên 'chạy vội' bữa sáng, lót dạ bữa trưa, tối 'nạp năng lượng' gấp đôi

Sinh viên 'chạy vội' bữa sáng, lót dạ bữa trưa, tối 'nạp năng lượng' gấp đôi
2 giờ trướcBài gốc
Lựa chọn tạm bợ vì thiếu thời gian
Lê Minh Huy, sinh viên năm ba, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, chia sẻ rằng anh chàng đã duy trì thói quen bỏ bữa sáng từ khi lên đại học vì luôn phải vội vã để kịp giờ học. "Buổi sáng mình thường không ăn, có hôm trưa thì ăn một ít bánh mì hay cơm hộp mua từ căn tin. Đến tối mình mới ăn một bữa lớn hơn, lúc nào cũng cảm giác mình cần 'nạp lại' năng lượng cho cả ngày," Huy cho biết.
Mì gói, đồ ăn nhanh là lựa chọn phổ biến cho bữa sáng, bữa trưa của nhiều sinh viên. (Ảnh minh họa bởi AI)
Huy chia sẻ rằng, với khối lượng bài tập và các hoạt động ngoại khóa dày đặc, cậu cảm thấy không còn thời gian để chuẩn bị một bữa sáng đủ chất. Hơn nữa, bữa trưa cũng thường qua loa. "Mình nghĩ buổi tối có thời gian, ăn nhiều một chút sẽ bù lại được," Huy nói. Tuy nhiên, cậu cũng thừa nhận rằng cách ăn uống này thường khiến mình thấy khó tiêu và mệt mỏi vào buổi tối.
Nguyễn Thị Mai Phương, sinh viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội đang sống trong ký túc xá, cũng có thói quen ăn uống tương tự. Phương thường thức khuya ôn bài, sáng dậy muộn và bỏ bữa sáng, bữa trưa chỉ ăn ít đồ ăn nhanh như mì gói hoặc bánh quy. Chỉ đến khi buổi tối rảnh rỗi, cô nàng mới ăn một bữa lớn cùng bạn bè. "Mỗi tối, mình hay ăn no vì cảm giác đói cả ngày. Đôi khi ăn quá đà, cảm giác mình ăn được nhiều hơn lúc bình thường," Phương chia sẻ.
Xe đồ ăn Phương dành cho bữa liên hoan tối với bạn bè.
Tuy nhiên, Phương nhận ra rằng sức khỏe của mình có những dấu hiệu đi xuống rõ rệt. Cô nàng cảm thấy mất tập trung, luôn trong trạng thái mệt mỏi và không đủ sức trong suốt ngày học. “Cứ tưởng chỉ cần nạp đủ bữa tối là ổn, nhưng mình hay bị đau đầu, chóng mặt do ăn không đúng giờ giấc,” Phương cho biết.
Trần Đức Anh, sinh viên năm hai tại trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TP.HCM chia sẻ rằng do lịch học và làm căng thẳng, nam sinh thường xuyên nhịn bữa sáng vì cảm thấy không có thời gian chuẩn bị và ăn. “Mình không ăn sáng vì muốn tranh thủ ngủ thêm vài phút, với lại sáng sớm mình không cảm thấy đói,” Đức Anh nói. Để bù lại, chàng trai trẻ thường uống một ly cà phê vào giờ trưa để tỉnh táo hơn cho giờ học buổi chiều.
“Cà phê giúp mình tỉnh táo hơn và giữ sức trong vài giờ tiếp theo, nhưng cơ thể mình vẫn cảm thấy đuối, đặc biệt là lúc vào những giờ học và ca làm buổi chiều,” Đức Anh chia sẻ. Vì không cung cấp đủ năng lượng từ sáng, đến tối Đức Anh thường chọn những món ăn nhiều đạm để nạp lại, như lẩu và thịt bò. “Lẩu là món vừa ngon vừa đủ no, mình cũng có thể ăn nhiều rau, thịt bò để cảm thấy cơ thể đủ chất hơn.”
Tuy nhiên, Đức Anh cũng nhận ra rằng thói quen ăn uống này không hề tốt cho sức khỏe. “Mỗi lần ăn quá nhiều vào buổi tối khiến mình có cảm giác đầy bụng, khó tiêu. Cơ thể cảm thấy mệt mỏi và không kịp tiêu hóa trước khi mình đi ngủ.” Sau một thời gian, nam sinh Bách khoa quyết định thay đổi dần chế độ ăn uống của mình, bắt đầu với việc cố gắng ăn sáng nhẹ nhàng để có năng lượng ổn định hơn trong ngày.
Đức Anh chia sẻ không có nhiều thời gian để ăn sáng và ăn trưa.
Nhiều sinh viên chọn ăn ít vào buổi sáng và buổi trưa, rồi ăn nhiều vào bữa tối vì nhiều lý do. Bên cạnh vấn đề thời gian và thói quen sinh hoạt không điều độ, sinh viên cũng thường chọn cách này để tiết kiệm 'ngân khố'. Các bạn cho rằng nếu chỉ ăn một bữa lớn vào buổi tối sẽ đỡ kha khá chi phí so với ăn đầy đủ ba bữa trong ngày.
Nguyễn Khánh Linh, sinh viên ngành Kinh tế đối ngoại, Đại học Ngoại thương chia sẻ: "Mình nghĩ bỏ bữa sáng cũng không sao. Mỗi sáng chỉ uống một cốc cà phê là xong, đến trưa ăn nhanh chút gì đó, tối về có thêm bạn đi ăn cùng. Như vậy vừa vui vừa tiết kiệm.”
Lời cảnh báo từ các chuyên gia
Theo chuyên gia Nguyễn Mạnh Tuấn, chuyên gia về dinh dưỡng, thói quen ăn uống không đều đặn có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe lâu dài. Chuyên gia chia sẻ: "Cơ thể con người cần cung cấp năng lượng và dinh dưỡng từ ba bữa ăn chính. Khi sinh viên bỏ bữa sáng và ăn quá ít vào bữa trưa, rồi nạp một lượng lớn vào bữa tối, cơ thể sẽ không thể hấp thụ và chuyển hóa năng lượng một cách hiệu quả."
Ông nhấn mạnh, thiếu bữa sáng không chỉ gây ra cảm giác mệt mỏi, uể oải mà còn ảnh hưởng đến khả năng tập trung trong học tập và làm việc. "Bữa sáng rất quan trọng để khởi động cơ thể sau một đêm dài không ăn uống. Thiếu bữa sáng sẽ khiến sinh viên dễ mệt mỏi, giảm khả năng tập trung và hiệu suất học tập. Về lâu dài, cách ăn uống không đều đặn còn có thể dẫn đến các vấn đề về tiêu hóa, gan nhiễm mỡ và bệnh tim mạch".
Để đảm bảo lối sống lành mạnh, khoa học, chuyên gia khuyên sinh viên nên duy trì ba bữa ăn cân đối và đầy đủ. Ông gợi ý: “Một bữa sáng với các món giàu protein như trứng, sữa, và ít tinh bột sẽ giúp các em có đủ năng lượng cho buổi học. Bữa trưa nên ăn đủ chất xơ, vitamin từ rau củ và thịt, cá. Còn bữa tối nên nhẹ nhàng hơn, tránh ăn quá no để không gây áp lực lên hệ tiêu hóa và tích mỡ thừa.”
Sinh viên nên hạn chế các món ăn nhanh như mì gói, đồ chiên xào, thay vào đó nên chọn những món ăn giàu dinh dưỡng. (Ảnh minh họa bởi AI)
Chuyên gia Nguyễn Mạnh Tuấn cũng khuyến cáo sinh viên nên hạn chế các món ăn nhanh như mì gói, đồ chiên xào, thay vào đó nên chọn những món ăn giàu dinh dưỡng, giúp duy trì sức khỏe trong quá trình học tập và hoạt động. "Ăn uống điều độ, đủ chất không chỉ giúp sinh viên học tốt hơn mà còn là cách phòng ngừa nhiều bệnh tật," ông cho biết thêm.
Hiếu Nguyễn
Nguồn SVVN : https://svvn.tienphong.vn/sinh-vien-chay-voi-bua-sang-lot-da-bua-trua-toi-nap-nang-luong-gap-doi-post1688655.tpo