Sinh viên Thanh Vân và sản phẩm da từ vỏ xoài.
Độ bền cao và có hương thơm
Da từ vỏ xoài là sản phẩm do 5 sinh viên phối hợp thực hiện gồm Nguyễn Thị Thanh Vân (trưởng nhóm) và các thành viên Nguyễn Viết Khánh Hưng, Nguyễn Nhật Minh, Nguyễn Thanh Hạnh Nguyên, Nguyễn Thanh Nguyên, Trường Đại học Trà Vinh thực hiện.
Dự án “S2M - Da từ vỏ xoài” được thực hiện từ việc tận dụng vỏ xoài - nguồn rác thải hữu cơ để chế tạo sản phẩm da sinh học cung cấp 2 dòng sản phẩm chính là da thuộc, các sản phẩm từ da như phụ kiện thời trang (ví da, móc khóa, bao da đựng kính…).
Từ dự án này, nhóm sinh viên đã tạo ra sản phẩm da sinh học với đặc tính tương đương da thật sự bền bỉ, độ mềm mại, khả năng chống thấm nước, thân thiện với môi trường. Đặc biệt ở sản phẩm của “S2M” còn có hương thơm, kết hợp nét vân của vỏ xoài, màu sắc đẹp và khả năng tái tạo.
Trưởng nhóm Nguyễn Thị Thanh Vân cho biết, sinh ra và lớn lên tại huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh nên từ nhỏ cô đã tiếp cận với loại trái cây đặc sản của vùng đất này. Trong một chuyến tham quan thực tế ở An Giang, Vân nhận ra có số lượng lớn vỏ xoài sau khi tách ra lại biến thành rác. Nhận thấy đây là sự lãng phí, Thanh Vân nảy ra ý tưởng trưng dụng lại rác thải từ vỏ xoài để tạo ra sản phẩm công nghiệp.
Một mình không thể tạo ra được sản phẩm, Thanh Vân mang ý tưởng trình bày với nhóm bạn và nhận được sự hợp tác của 4 bạn học cùng trường. Tuy không học cùng chuyên ngành, nhưng sự kết hợp của 5 thành viên trong nhóm “S2M” là sự bổ trợ cho nhau để cùng hướng về mục tiêu tạo ra sản phẩm.
Quy trình tạo sản phẩm gồm những trái xoài hỏng thải bỏ trong quá trình sản xuất sẽ được nhóm thu gom, loại bỏ phần thịt, làm sạch tách lấy vỏ. Sau đó, phần vỏ xoài được nấu sôi, ép nén, sấy, trộn phụ gia, đổ vào khuôn và tạo hình ra thành phẩm da cuối cùng.
“Da sinh học từ vỏ xoài có thể thay thế các sản phẩm từ da thật với giá thành rẻ hơn gấp nhiều lần mà không ảnh hưởng tới chất lượng, kiểu dáng lại giúp tăng giá trị cho phế thải ngành nông nghiệp”, Thanh Vân chia sẻ.
Sẽ có da từ vỏ táo, vỏ mít…
Da từ vỏ xoài là ý tưởng góp phần giảm thiểu tác động môi trường từ ngành công nghiệp sản xuất da. Sản phẩm da sinh học này có tính năng tương tự da thật và đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng, độ bền tương đương.
Mục tiêu của dự án đáp ứng nhu cầu của khách hàng về tính thẩm mĩ, mặt khác vẫn đảm bảo yếu tố hướng đến bảo vệ môi trường và giảm thiểu tối đa việc dùng da thật từ động vật.
Thanh Vân cho biết, mất khoảng 5 tháng nghiên cứu và viết thuyết minh, sau đó dự án “S2M - Da từ vỏ xoài” cũng hình thành để ban đầu là tham gia các cuộc thi về ý tưởng, dự án khởi nghiệp.
Tầm nhìn của dự án là trở thành một thương hiệu uy tín, được khách hàng tin tưởng trong lĩnh vực chế tác da. Giá trị cốt lõi của dự án là sự kết hợp giữa bền vững môi trường, chất lượng sản phẩm cao cấp và hỗ trợ phát triển cộng đồng địa phương.
Phương châm kinh doanh của nhóm là tạo ra các sản phẩm chất lượng cao, bền vững, thân thiện với môi trường từ nguyên liệu tái chế, nhằm mang lại giá trị cho cả khách hàng và môi trường. Nhóm nghiên cứu dự định sẽ tạo da từ các loại vỏ trái cây khác như: Táo, mít…
ThS Nguyễn Văn Vũ An - Giám đốc Trung tâm Đổi mới Sáng tạo và Khởi nghiệp - Trường Đại học Trà Vinh cho biết: “Nhà trường tạo mọi điều kiện tốt nhất để sinh viên có thể phát triển ý tưởng và hiện thực hóa ước mơ khởi nghiệp. Chúng tôi luôn đồng hành với các em, từ giai đoạn ý tưởng đến khi thành lập doanh nghiệp thực thụ”.
Nhật Phong