Là một tay máy trẻ với nhiều tác phẩm ảnh báo chí nổi bật, Đức Anh - sinh viên năm hai Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội hiểu rằng sự chuyên nghiệp không chỉ đến từ góc nhìn, mà còn từ sự đáng tin cậy của thiết bị. Để có thể tác nghiệp hiệu quả từ tâm bão Yagi, lễ đón Tổng thống Nga Vladimir Putin, Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2024 cho đến các trận cầu nảy lửa của V-League, Đức Anh đã nâng cấp thiết bị của mình từ chiếc Nikon D810 lên Nikon D5 (khoảng 60 triệu đồng). Đức Anh chia sẻ, chiếc máy ảnh Nikon D810 ban đầu đã không còn đáp ứng được khi phải đối mặt với những điều kiện khắc nghiệt như mưa bão hay đòi hỏi tốc độ cao của thể thao. Đó là lý do Đức Anh quyết định đầu tư vào chiếc Nikon D5, một thân máy chuyên nghiệp được mệnh danh là "bánh chưng" trong giới nhiếp ảnh.
Thiết bị chuyên nghiệp giúp Đức Anh tự tin tác nghiệp trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt.
Sự đầu tư này đã chứng minh giá trị. "Chiếc D5 đã giúp mình rất nhiều, dung lượng pin lớn, khả năng chống nước tốt đã giúp mình đảm bảo chất lượng ảnh trong cơn bão Yagi. Với thể thao, tốc độ lấy nét nhanh giúp mình bắt trọn những khoảnh khắc quyết định." - Đức Anh kể lại. Đặc biệt, trong sự kiện đón Tổng thống Putin lúc 2 giờ sáng tại sân bay, chất lượng ISO cao của Nikon D5 đã giúp Đức Anh có được những bức ảnh sắc nét trong điều kiện thiếu sáng. Sự chuyên nghiệp này đi cùng một khoản đầu tư không hề nhỏ. Riêng thân máy Nikon D5 đã có giá khoảng 60 triệu đồng, kết hợp với bộ ba ống kính chuyên nghiệp gồm 14-24mm, 24-70mm VR2 và 70-200mm VR2 trị giá gần 60 triệu, cùng laptop, balo và các phụ kiện khác như dây đeo, thẻ nhớ, tripod, thang đứng..., tổng "gia tài" của Đức Anh đã vượt ngưỡng 150 triệu đồng. Ngay cả những rủi ro như lần làm rơi ống kính 14-24mm khi tác nghiệp và tốn vài triệu đồng để sửa chữa cũng được Đức Anh xem như một phần tất yếu của quá trình dấn thân với nghề.
Lê Trung tác nghiệp tại trận lũ tại Phúc Tân - Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tương tự, Phan Lê Trung, sinh viên năm cuối ngành Ảnh báo chí tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, cũng cho thấy một hành trình đầu tư bài bản, song hành với sự phát triển kỹ năng và định hướng nghề nghiệp. Bắt đầu với nhiếp ảnh từ năm 2019 với bộ máy ảnh gần 20 triệu (Canon 80D, lens 18-55mm), sau quá trình học tập và làm việc với vai trò cộng tác viên ảnh cho các tờ báo, đến nay, tổng số tiền Lê Trung đầu tư cho thiết bị đã vượt mốc 100 triệu đồng.
Lê Trung chọn thân máy mirrorless Nikon Z6ii giá 33 triệu đồng vì sự gọn nhẹ và khả năng quay video tốt hơn dòng "bánh chưng". Hệ thống ống kính của Lê Trung được xây dựng để đáp ứng đa dạng yêu cầu công việc: từ ống 24-70mm và 70-200mm cho các sự kiện lớn nhỏ, ống 85mm cho ảnh chân dung, cho đến ống tele 200-500mm chuyên dụng cho các sự kiện báo chí quan trọng, có điều kiện tác nghiệp đặc biệt. "Nếu có điều kiện, mình muốn mua thêm một máy ảnh nữa, vì khi tác nghiệp một mình tại các sự kiện lớn, việc có hai máy gắn sẵn hai tiêu cự khác nhau sẽ giúp mình làm việc chủ động và hiệu quả hơn rất nhiều." - Trung chia sẻ. Hành trình của Trung bắt đầu từ chiếc máy ảnh được mẹ tặng, rồi được gia đình hỗ trợ bộ máy đầu tiên trị giá 45 triệu (Sony A7 Mark III kèm lens 28-70mm), và từ đó Lê Trung tự dùng tiền đi làm để xây dựng nên cơ ngơi hiện tại.
Văn hóa đầu tư nghiêm túc này không chỉ giới hạn ở lĩnh vực ảnh báo chí. Sinh viên các ngành như Quay phim Truyền hình hay Truyền thông Đa phương tiện cũng xem việc sở hữu thiết bị mạnh mẽ là nền tảng cho sự sáng tạo. Nhiều bạn trẻ đầu tư thêm gimbal chống rung, micro thu âm, đèn chiếu sáng và đặc biệt là những bộ máy tính có cấu hình cực cao để xử lý các video chất lượng lớn.
Phan Quốc Lâm, sinh viên năm cuối Học viện Báo chí và Tuyên truyền sở hữu combo máy ảnh Canon R6 Mark II cùng hệ thống ống kính trị giá 75 triệu đồng, song song với một chiếc Macbook M2 giá 28 triệu để đảm bảo việc dựng phim luôn mượt mà. Trong khi đó, Nguyễn Trọng Quang Huy lại cần một bộ dụng cụ đa dạng hơn cho công việc quay phim, bao gồm máy ảnh Fujifilm XS10, nhiều ống kính tiêu cự khác nhau, gimbal, flycam và một dàn PC 30 triệu, nâng tổng mức đầu tư lên hơn 100 triệu đồng.
Không chỉ những sinh viên năm cuối, Phùng Kha, sinh viên năm nhất ngành Truyền thông đã đầu tư từ năm đầu tiên. Kha đã đầu tư gần 95 triệu đồng, trong đó, có đến 44 triệu được dành cho hai hệ thống máy tính (một laptop Asus Oled chip i9 và một PC) để phục vụ việc dựng video, phần còn lại là bộ thiết bị quay phim Sony A7III và các phụ kiện đi kèm. Điều này cho thấy một tầm nhìn xa và sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho toàn bộ quy trình sản xuất ngay từ vạch xuất phát.
Sinh viên Báo chí - Truyền thông ngày càng đầu tư thiết bị tác nghiệp hiện đại.
Có thể thấy, những khoản đầu tư khổng lồ này không phải là sự chi tiêu ngẫu hứng. Đó là kết quả của một quá trình tìm hiểu kỹ lưỡng, là sự đầu tư có chiến lược cho tương lai và là minh chứng rõ ràng nhất cho đam mê, tinh thần chuyên nghiệp và sự sẵn sàng cống hiến của thế hệ những người làm báo chí, truyền thông kế cận.
Lê Vượng