Đại học Quốc lập Đài Loan thu hút hơn 6 nghìn sinh viên quốc tế mỗi năm.
Trong bối cảnh hậu đại dịch Covid-19 và những thay đổi địa chính trị, hệ thống giáo dục đại học Đài Loan đang trải qua một quá trình chuyển mình rõ rệt, đặc biệt trong chiến lược thu hút sinh viên quốc tế.
Trước năm 2020, sinh viên từ đại lục chiếm tỷ lệ lớn nhất trong số du học sinh tại Đài Loan, Trung Quốc. Tuy nhiên, sau khi đại dịch Covid-19 làm gián đoạn quá trình dịch chuyển quốc tế, các trường đại học Đài Loan chuyển hướng quan tâm sang sinh viên Đông Nam Á như Indonesia và Malaysia.
Theo dữ liệu từ 2020 đến 2024, số lượng sinh viên quốc tế tại Đài Loan không chỉ tăng trở lại sau dịch, mà còn thay đổi đáng kể về thành phần quốc tịch. Tỷ lệ sinh viên đến từ các quốc gia Đông Nam Á tăng mạnh, thay thế dần vị trí thống trị trước đó của Trung Quốc đại lục. Điều này thể hiện rõ xu hướng quốc tế hóa giáo dục của Đài Loan đang chuyển sang hướng đa dạng hóa và giảm phụ thuộc vào một nguồn duy nhất.
Du học không chỉ mang lại cơ hội tiếp cận nền giáo dục chất lượng cao, mà còn giúp sinh viên tích lũy kỹ năng chuyên môn và nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường lao động toàn cầu. Nhiều sinh viên còn coi đây là bước đệm cho hành trình định cư dài hạn ở quốc gia chủ nhà. Từ góc nhìn của Đài Loan, nhóm sinh viên quốc tế có trình độ học vấn cao là nguồn lực quý giá giúp giải quyết các vấn đề về già hóa dân số và thiếu hụt lao động.
Từ năm 2014, Văn phòng Lao động Đài Loan đã triển khai hệ thống tính điểm nhằm tạo điều kiện cho sinh viên quốc tế ở lại làm việc sau khi tốt nghiệp. Chính sách này cho phép du học sinh nộp đơn xin giấy phép lao động dễ dàng hơn.
Theo thống kê, Việt Nam và Indonesia là 2 quốc gia có tốc độ tăng trưởng sinh viên tại Đài Loan nhanh nhất. Không chỉ tăng về số lượng sinh viên, lực lượng lao động trẻ cũng ngày một gia tăng. Dự báo đến năm 2025, số lượng nhân viên văn phòng đến từ Indonesia và Việt Nam có thể vượt qua Malaysia, quốc gia có số lượng du học sinh tại Đài Loan đông đảo sau Trung Quốc đại lục.
Trước xu hướng này, theo các chuyên gia, Đài Loan cần phát triển các chính sách tuyển sinh mang tính mục tiêu nhằm tiếp cận hiệu quả hơn. Các biện pháp cụ thể bao gồm học bổng, giảm học phí, hỗ trợ thanh toán linh hoạt, mở rộng cơ hội thực tập và xây dựng các khóa định hướng nghề nghiệp để sinh viên quốc tế dễ dàng hòa nhập vào thị trường việc làm Đài Loan. Đồng thời, các doanh nghiệp nội địa nên được khuyến khích tạo điều kiện tiếp nhận sinh viên quốc tế thông qua chương trình thực tập hoặc tuyển dụng chính thức.
Về dài hạn, việc tăng cường thu hút sinh viên quốc tế từ nhiều nguồn quốc gia khác nhau sẽ giúp Đài Loan củng cố vị thế là điểm đến hấp dẫn trong giáo dục quốc tế. Điều này không chỉ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, mà còn góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội bền vững của đất nước. Nếu biết tận dụng cơ hội và xây dựng các chính sách toàn diện, Đài Loan có thể không chỉ giải quyết được các thách thức nội tại như già hóa dân số, mà còn trở thành trung tâm giáo dục quốc tế quan trọng tại châu Á.
Theo Taiwan Insights
Tú Anh