Trong dòng chảy của xã hội hiện đại, làm thế nào để giữ hồn văn hóa dân tộc cho thế hệ trẻ biết tới và trân trọng luôn là nỗi băn khoăn, trăn trở. Liệu các bạn trẻ ngày nay có thực sự chỉ đang chạy theo xu hướng thời đại mà quên đi những giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống?
Tiết mục song ca Bài ca Đất Phương Nam do Lê Trường và Mỹ Duyên cùng Vũ đoàn QLVH17.3 thể hiện
Câu trả lời chắc chắn là không! Thực tế cho thấy thế hệ trẻ vẫn đang không ngừng tìm hiểu, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp ấy.
Điển hình là chương trình Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ mang tên “Vọng Nguyệt” - dự án của lớp Đại học Quản lý Văn hóa 17.3, chuyên ngành Tổ chức, dàn dựng chương trình nghệ thuật nhằm Kết thúc môn học Truyền Thông Marketing Chương Trình Văn hóa Nghệ thuật.
Cùng sự kết hợp với Câu lạc bộ Đờn ca tài tử Cội Xưa, “Vọng Nguyệt” mang mục tiêu cao cả là tôn vinh và quảng bá loại hình nghệ thuật Đờn ca tài tử độc đáo của dân tộc Việt Nam nói chung và người dân Nam Bộ nói riêng.
Mở đầu chương trình là tiết mục song ca Bài ca Đất Phương Nam của Lê Trường và Mỹ Duyên (Trưởng và Phó trưởng BTC) cùng Vũ đoàn QLVH17.3 thể hiện. Với giai điệu rộn ràng, vui tươi nhưng không kém phần hoành tráng nhưng gần gũi như khung cảnh sinh hoạt bình dị của người Nam Bộ đã tạo nên một tiết mục mở màn hoành tráng.
Không khí chương trình nóng hơn với sự góp giọng của nghệ sĩ Cải lương Thanh Hằng trong Điệu Buồn Phương Nam vô cùng cảm xúc. Sự xuất hiện của nữ nghệ sĩ gạo cội được BTC “Vọng Nguyệt” gọi là món quà tinh thần dành tặng khán giả.
Nghệ sĩ Thanh Hằng cho biết đây không phải là lần đầu tiên cô biểu diễn tại Đại học Văn hóa TP.HCM. Song, đứng trên sân khấu “Vọng Nguyệt” mang lại một cảm giác rất đặc biệt với cô bởi đây là một dự án của các bạn sinh viên trẻ yêu văn hóa nghệ thuật truyền thống. Nghệ sĩ Thanh Hằng mong muốn sự xuất hiện của mình có thể tiếp thêm ngọn lửa về tình yêu văn hóa nghệ thuật truyền thống của dân tộc cho các bạn sinh viên.
Nghệ sĩ Thanh Hằng hát Điệu Buồn Phương Nam
“Đứng bên trong cánh gà, thấy các bạn sinh viên biểu diễn khiến tôi suy nghĩ rất nhiều điều. Tôi chợt nghĩ có lẽ sắp tới mình sẽ làm nhiều dự án với các bạn sinh viên. Nhìn khán giả ở đây toàn là người trẻ, các bạn bên BTC cũng đều là sinh viên, các bạn còn rất trẻ yêu thích bộ môn Cải lương, yêu nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ là điều rất đáng quý. Tôi nghĩ mình sẽ có những dự án sau này, xin phép nhà trường để tôi có những dự án kết hợp với các bạn sinh viên tài năng này”, nữ nghệ sĩ chia sẻ.
Bên cạnh đó, “Vọng Nguyệt” còn mang đến cho quý khán giả những thông tin cơ bản về Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ qua phần giao lưu, chia sẻ của Thạc sĩ Nguyễn Thái Bình, diễn giả của chương trình. Cùng với đó là những tiết mục biểu diễn do chính các bạn trẻ trong Câu lạc bộ Đờn ca tài tử Cội Xưa thể hiện.
Các bạn trẻ trong Câu lạc bộ Đờn ca tài tử Cội Xưa
Nghệ nhân ưu tú Phan Minh Đức và Nghệ sĩ Thảo Vy hát Tiếng trống Mê Linh
“Vọng Nguyệt” còn kết nối khán giả đến với những di sản văn hóa của cha ông, gợi lên tình yêu quê hương, đất nước thông qua đờn ca tài tử và thúc đẩy tinh thần, mong muốn được bảo tồn và phát huy các giá trị của các loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc Việt Nam ở người trẻ trong bối cảnh hội nhập toàn cầu.
Tiết mục Sáng đèn vô cùng hoành tráng chào kết chương trình Vọng Nguyệt
Là dự án kết thúc môn học nên hầu như toàn bộ diễn viên tham gia biểu diễn đều là người trẻ đang là sinh viên, cho nên còn nhiều nét chập chững. tuy nhiên, với một tình yêu lớn lao dành bộ môn nghệ thuật truyền thống, “Vọng Nguyệt” được thể hiện bằng sức sáng tạo của các bạn sinh viên, họ như thực sự hóa thân thành những người nghệ sĩ thực sự trên sân khấu, mang lại một không khí rất thanh xuân, trẻ trung và hừng hực lửa nhiệt huyết trên sân khấu.
Thanh Luật