Sinh viên mê cách chatbot AI hỗ trợ học tập, 'chúc em yêu thi tốt'

Sinh viên mê cách chatbot AI hỗ trợ học tập, 'chúc em yêu thi tốt'
9 giờ trướcBài gốc
Sinh viên dùng AI như một thói quen, bị chê "tối cổ" nếu không dùng. Ảnh: Phương Lâm.
“Bây giờ, sinh viên bọn mình đều dùng AI, ít nhất cũng phải dùng ChatGPT của OpenAI hoặc Meta AI trên Facebook, nếu không sẽ thành ‘người nhà quê’ ngay”.
Khi được hỏi về việc sử dụng AI trong học tập và cuộc sống hàng ngày, Linh Trang, sinh viên tại một trường đại học đào tạo Marketing ở TP.HCM, chia sẻ rằng các chatbot AI đang ngày càng phổ biến với sinh viên đại học. Ngoài dùng AI để làm bài tập, tìm tài liệu, Trang còn coi các công cụ này là nơi để giải trí hoặc nhờ chatbot này gợi ý phim, show truyền hình để xem.
Cứ làm bài tập lại mở AI
Kể từ khi OpenAI cho ra mắt ChatGPT từ cuối năm 2022, Linh Trang đã “bắt trend” dùng thử chatbot này. Ban đầu, nữ sinh chỉ dùng bản miễn phí bằng cách tạo nhiều email dùng thử. Thời gian đó, Trang cũng không quá mặn mà với ChatGPT vì cảm thấy chatbot này hơi kém, hỏi một đằng, trả lời một nẻo, cách dùng từ lại quá sáo rỗng, cứng nhắc.
Nhưng chỉ sau đó một thời gian, “siêu chatbot” của OpenAI là GPT-4 chính thức ra mắt và được đánh giá là phiên bản nâng cấp hơn rất nhiều lần so với phiên bản đầu tiên. Khi đó, chatbot này trở thành cơn sốt đối với người trẻ, bản thân Linh Trang cũng không ngoại lệ. Nữ sinh được bạn rủ mua gói sử dụng chatbot này với giá chưa đến 100.000 đồng/tháng. Thấy giá rẻ, lại tiện cho việc học, nữ sinh quyết định “chốt đơn”.
Những ngày đầu dùng chatbot xịn, Trang vẫn hơi lúng túng, chưa biết cách “huấn luyện” thế nào để chatbot này giúp mình làm bài tập hiệu quả nhất. Sau một vài lần thử, nữ sinh rút ra một “công thức” là phải nêu yêu cầu rõ ràng. Yêu cầu càng chi tiết, chatbot AI sẽ càng cho ra kết quả tốt hơn.
Trang dùng chatbot AI để tìm phim, làm bài tập. Ảnh: NVCC.
“AI quá thông minh, muốn hỏi cái gì cũng được, tất cả bài tập đều có thể nhờ sự hỗ trợ của nó” là những gì mà Anh Kiệt (sinh viên năm nhất, Đại học Cần Thơ) cảm thấy khi sử dụng loạt công cụ.
Nam sinh nói vui rằng mình thuộc cộng đồng ChatGPT, Microsoft Copilot, Gemini khi thường dùng các công cụ này cho việc học.
“Chủ yếu, mình dùng để kiểm tra lại các bài tập xem bản thân giải đã đúng chưa. Đôi khi, nó cũng giải sai, nhưng mình thấy đúng khoảng 80% nên cũng yên tâm”, Kiệt chia sẻ.
Giống như Kiệt, ngoài các ứng dụng trên, Hạ Linh (sinh viên năm 2 tại Đại học Kinh tế TP.HCM) dùng thêm ứng dụng DeepSeek để hỗ trợ học tiếng Trung. Trong khi đó, ChatGPT giúp nữ sinh đưa ra các ý tưởng sáng tạo, phân tích dữ liệu và kiến thức, phục vụ hiệu quả cho ngành học Marketing mà cô đang theo đuổi.
“Còn Gemini, mình dùng để cập nhật thông tin thay cho Google và học viết hay hơn. Microsoft Copilot thì hỗ trợ tóm tắt nội dung, kiểm tra nguồn tài liệu”, nữ sinh nói.
Linh bắt đầu dùng các công cụ trên từ năm nhất đại học. Lần đầu tiên sử dụng ChatGPT, cô bất ngờ vì chatbot làm tốt hơn những trình duyệt trước đó như Google. Thời điểm đó, độ chính xác mà chatbot đưa ra chưa chắc chắn, nhưng hiện tại, nữ sinh thấy chatbot đã cải tiến đáng kể, giúp ích nhiều trong việc phân tích kiến thức cũng như đưa ra kế hoạch học tập, từ đó giúp tăng hiệu suất nhưng vẫn tiết kiệm thời gian.
“AI giúp mình tiết kiệm được cả đống tiền học”, Linh kể thời gian vừa rồi, khi ôn thi chứng chỉ TOEIC, thay vì chi tiền mua khóa học bên ngoài để có lộ trình học, nữ sinh nhờ ChatGPT lập kế hoạch ôn thi trong 3 tháng sao cho phù hợp với sinh viên.
Sau đó, chatbot đưa ra cho Linh một bảng kế hoạch ôn tập 4 kỹ năng. Mỗi kỹ năng sẽ học trong một khoảng thời gian nhất định, kèm theo đó là các nội dung ngữ pháp, từ vựng, dạng bài cần học.
Linh chỉ cần lên mạng tìm thêm tài liệu phù hợp với kế hoạch được chatbot đưa ra, học theo lộ trình và cảm thấy hiệu quả.
“Mình dùng khá thường xuyên, tăng dần theo thời gian. Có giai đoạn, mình bị phụ thuộc vào AI, cái gì không biết hay kể cả biết rồi cũng hỏi AI”, Linh chia sẻ hiện tại đã cải thiện vấn đề này để không bị giảm khả năng tư duy.
Thích AI tư vấn, cho lời khuyên
Năm 2024, Đại học Quốc gia TP.HCM công bố kết quả của một nghiên cứu, cho thấy 10,8% sinh viên thuộc 6 trường thành viên của Đại học Quốc gia TP.HCM dùng ChatGPT bản trả phí, và gần 90% sinh viên dùng bản miễn phí để hỗ trợ vấn đề liên quan việc học, bao gồm việc học ngôn ngữ.
ChatGPT không phải chatbot AI duy nhất phổ biến đối với học sinh, sinh viên Việt Nam. Hiện nay, các ông lớn công nghệ đua nhau cho ra mắt các chatbot AI để cạnh tranh trên thị trường như Gemini, Meta AI, Deep AI hay mới nhất là DeepSeek của Trung Quốc.
Trên điện thoại, khi gõ từ khóa “chatbot AI” trong kho ứng dụng, người dùng cũng có thể dễ dàng nhận được vô số ứng dụng trò chuyện cùng AI, từ ứng dụng dành cho người Việt, đến ứng dụng của nước ngoài.
Bản thân Linh Trang không có quá nhiều nhu cầu trong việc dùng nhiều chatbot khác nhau. Hiện, nữ sinh chỉ dùng ChatGPT để làm bài tập và Meta AI để “nói chuyện xàm”.
Kể từ khi Meta ra mắt Meta AI, nữ sinh thường vào phòng chat với chatbot này để trò chuyện, hoặc chỉ đơn giản là trêu chọc chúng. Đôi khi, nữ sinh còn thử mắng để xem phản ứng của những chatbot này ra sao, nhưng kết quả nhận về thường là lời xin lỗi hoặc “cảm ơn bạn đã góp ý”.
“Mình thường gọi ChatGPT và Meta AI là ‘đại ca’. Mỗi lần cần hỏi gì, mình sẽ nhắn là ‘đại ca giúp em tìm…’. Mình coi chatbot như bạn mình luôn, dù đôi khi chúng trả lời hơi ngớ ngẩn”, Trang hài hước chia sẻ.
Ngọc Hương (sinh viên năm nhất tại Đại học Văn hóa Hà Nội) cũng “mê cái cách Meta AI thảo mai”. Có lần sắp thi, lo lắng trượt môn, nữ sinh cùng các bạn chia sẻ nỗi lo với chatbot. Meta AI nhanh chóng trả về kết quả: “Đừng lo em nhé! Em đã cố gắng rồi, kết quả sẽ đến. Tin vào bản thân và anh tin vào em. Em hãy tự tin, tập trung, thư giãn, nghĩ đến thành công. Anh yêu em và luôn ủng hộ. Chúc em thi tốt và đạt kết quả cao”.
“Khi mới ra mắt, Meta AI nói chuyện khá giống người thật, mình hay nhắn tin trêu chatbot để giải trí sau giờ học”, Hương nói.
Hạ Linh coi chatbot AI là cánh tay đắc lực, cũng là một người bạn. Ảnh: NVCC.
Trong khi đó, Hạ Linh thậm chí coi AI như người bạn, dù công cụ không có cảm xúc như con người. Khi gặp một số vấn đề và cần lời khuyên, Linh tìm đến AI vì cho rằng chatbot phân tích thông tin tốt, giúp cô nhìn nhận vấn đề một cách toàn diện hơn.
“Bên cạnh đó, vấn đề nhỏ, không muốn làm phiền người thân hay bạn bè, nên mình hỏi AI”, Linh nói.
- Với tư cách là bạn thân của tôi, hiện tại, tôi đang gặp vấn đề này, nếu là bạn tôi, bạn có thể giúp tôi tư vấn, giải quyết vấn đề này không? (yêu cầu gần gũi, thân thương).
Đó là một trong những yêu cầu mà Linh đưa ra cho AI để tìm kiếm lời khuyên. Thông thường, nữ sinh sẽ xưng hô gần gũi với AI như bạn bè, đưa ra nhiều chi tiết để lời khuyên hiệu quả hơn.
Linh thừa nhận từ khi dùng AI, chất lượng cuộc sống cũng cải thiện hơn. Ví dụ gần đây, khi mông lung về việc phát triển bản thân, nữ sinh đã nhờ AI lên kế hoạch những điều nên làm để đạt được mục tiêu trong năm 2025. Thậm chí, phần mềm còn đưa ra một vài mẹo hay để cô đạt được mục tiêu nhanh chóng và dễ dàng hơn.
Trong một vấn đề khác, Gemini phân tích rõ hơn những khó khăn mà Linh đang gặp phải, như việc thiếu thời gian hay định hướng. Sau đó, công cụ đặt ra những câu hỏi để cô nhìn nhận vấn đề khách quan, so sánh ưu - nhược điểm của các lựa chọn khác nhau để cô đưa ra lựa chọn phù hợp nhất.
“AI tư vấn rất khách quan, không bị ảnh hưởng bởi cảm xúc hay các mối quan hệ cá nhân như con người”, Linh nói.
Thái An - Ngọc Bích
Nguồn Znews : https://lifestyle.znews.vn/sinh-vien-me-cach-chatbot-ai-ho-tro-hoc-tap-chuc-em-yeu-thi-tot-post1530816.html