Đào tạo đa ngôn ngữ: Đa ngành, đa cơ hội
Trong mùa tuyển sinh 2025, trường ĐH Ngoại ngữ tiếp tục tuyển sinh các ngành truyền thống như Ngôn ngữ Anh, Trung, Nhật, Hàn, Pháp, Đức, Nga, Ả Rập… đồng thời, duy trì các ngành thuộc nhóm Sư phạm Ngoại ngữ và mở rộng đào tạo liên ngành.
Sinh viên trường ĐH Ngoại ngữ (ĐHQG Hà Nội). Ảnh: DƯƠNG TRIỀU
Cụ thể, nhóm ngành Sư phạm Ngoại ngữ có tổng cộng 225 chỉ tiêu, gồm các ngành: Sư phạm Tiếng Anh (150), Sư phạm Tiếng Trung Quốc (25), Sư phạm Tiếng Nhật (25) và Sư phạm Tiếng Hàn Quốc (25). Trong khi đó, nhóm ngành Ngôn ngữ học có tổng chỉ tiêu lớn nhất, với 2.125 chỉ tiêu, nổi bật như: Ngôn ngữ Anh (795), Ngôn ngữ Trung Quốc (300), Ngôn ngữ Nhật (300), Ngôn ngữ Hàn Quốc (280), Ngôn ngữ Pháp (150), Ngôn ngữ Đức (120), Ngôn ngữ Nga (70) và Ngôn ngữ Ả Rập (60). Bên cạnh đó, hai ngành liên ngành là Văn hóa truyền thông xuyên quốc gia và Tiếng Việt và Văn hóa Việt Nam mỗi ngành tuyển sinh 50 chỉ tiêu, phù hợp với xu hướng đào tạo công dân toàn cầu hiện nay.
Đa phương thức tuyển sinh, phù hợp nhiều nhóm đối tượng
Năm 2025, ULIS tiếp tục triển khai nhiều phương thức tuyển sinh song song, tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh theo đuổi nguyện vọng vào đại học. Trong đó, ba phương thức xét tuyển chính gồm:
Xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD - ĐT và ĐHQG Hà Nội: Áp dụng cho thí sinh đoạt giải tại kỳ thi Học sinh giỏi quốc gia, các môn Ngoại ngữ, hoặc đạt thành tích cao trong các cuộc thi quốc tế.
Xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025: Là phương thức phổ biến nhất, áp dụng theo tổ hợp môn phù hợp với từng ngành.
Xét tuyển theo chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế kết hợp với học bạ THPT hoặc kết quả thi THPT: Áp dụng với các chứng chỉ như IELTS, TOEFL iBT, HSK, TOPIK, JLPT, DELF, TestDaF... theo chuẩn quy đổi và điều kiện cụ thể của nhà trường.
Nhà trường cũng chú trọng tạo điều kiện cho thí sinh có năng lực ngoại ngữ, kỹ năng tư duy và định hướng nghề nghiệp rõ ràng, qua đó nâng cao chất lượng đầu vào và đảm bảo sự phù hợp giữa năng lực học tập với yêu cầu đào tạo chuyên sâu.
Dương Triều