Sinh viên quốc tế tại Harvard bày tỏ sự hoảng loạn sau lệnh cấm của chính quyền. Ảnh: Harvard University.
Chia sẻ với CNN, sinh viên từ khắp nơi trên thế giới học tại Harvard nói rằng họ đang phải đối mặt với nguy cơ bị thu hồi thị thực, đình chỉ nghiên cứu và thậm chí là không thể tái nhập cảnh vào Mỹ nếu rời khỏi nước vào mùa hè này.
Du học sinh hoảng loạn tột độ
Ngày 23/5, thẩm phán liên bang ra quyết định ngăn chặn tạm thời lệnh cấm tuyển sinh viên quốc tế của chính quyền Trump đối với Đại học Harvard sau khi trường có đơn kiện. Tuy nhiên, hàng nghìn sinh viên quốc tế vẫn đang trong tình trạng bấp bênh.
Abdullah Shahid Sial, đồng Chủ tịch hội sinh viên Harvard đến từ Pakistan, bày tỏ với CNN rằng các sinh viên "vô cùng sợ hãi" vì không biết tình trạng pháp lý hiện tại của mình.
"Họ đúng nghĩa là những thiếu niên, cách xa quê hương hàng nghìn dặm và phải đối phó với tình huống mà các luật sư thường e ngại khi tham gia", Sial đang ở nước ngoài và không chắc có thể quay lại trường.
Sinh viên quốc tế chiếm khoảng 27% tổng số sinh viên của Harvard, với 6.793 sinh viên đại học và sau đại học đến từ gần như mọi quốc gia.
"Harvard có khả năng thu hút những người giỏi nhất từ khắp nơi trên thế giới, không chỉ Mỹ. Mỹ cũng hưởng lợi lớn từ việc có những người giỏi nhất thế giới đến học tập. Và giờ đây họ đã bị coi thường và thiếu tôn trọng", Sial nhấn mạnh.
Sial cho biết các khoa và nhà trường đã hỗ trợ rất nhiều cho sinh viên quốc tế trong thời điểm đầy bất ổn và "hoảng loạn tột độ" này, chỉ vài ngày sau khi kỳ thi cuối kỳ kết thúc và một tuần trước lễ tốt nghiệp.
Với tư cách là chủ tịch hội sinh viên, anh đang nỗ lực thúc đẩy Harvard hỗ trợ sinh viên chuyển sang các trường khác và chuyển gói hỗ trợ tài chính, song Sial thừa nhận ở hầu hết đại học, thời gian chuyển trường cho học kỳ mùa thu đã kết thúc.
"Nhiều người trong chúng tôi đã nỗ lực cả đời để vào được một trường đại học như Harvard, và bây giờ chúng tôi phải đợi xem liệu có phải chuyển ra ngoài và đối mặt với khó khăn về thị thực", Karl Molden, sinh viên năm hai đến từ Áo, bày tỏ.
Molden cũng đang ở nước ngoài và lo lắng không thể quay lại khuôn viên trường. Anh cảm thấy sinh viên quốc tế như một quả bóng giữa cuộc chiến của chính quyền và đại học.
Không chỉ các sinh viên đang theo học, Jared, 18 tuổi, đến từ New Zealand, vừa được nhận vào Harvard và dự định bắt đầu học từ mùa thu này, cũng bày tỏ hoang mạng.
Anh nói với CNN rằng khi hay tin về thông báo của chính quyền Trump, anh có cảm giác "sụp đổ". Nó đến đúng lúc anh đang nộp đơn xin thị thực và chuẩn bị bay đến Mỹ.
Nhiều nhà khoa học dự kiến rời Mỹ nếu tình hình ngày càng bất ổn. Ảnh: Harvard University.
Nhà khoa học trẻ sẽ rời Mỹ?
Cuộc đối đầu bắt nguồn từ việc chính quyền yêu cầu Harvard thay đổi các chương trình, chính sách, quy trình tuyển dụng và tuyển sinh nhằm xóa bỏ cái mà Nhà Trắng gọi là chủ nghĩa bài Do Thái và các hành vi "phân biệt chủng tộc" trong khuôn viên trường.
Tuy nhiên, một sinh viên sau tiến sĩ người Israel tại Harvard đã bày tỏ cảm giác bị "lợi dụng làm con bài", cho rằng chính quyền Trump đang "sử dụng" trường đại học để "có cuộc chiến với giới học thuật, vốn lớn hơn nhiều so với Harvard".
Cô tin rằng chính phủ đang "đàn áp các ý tưởng không phải lúc nào cũng phù hợp với chính quyền, thay vì có mối quan tâm thực sự đến sự an toàn của sinh viên Do Thái, sinh viên Israel".
"Vì vậy, tôi cảm thấy như chúng tôi đang bị lợi dụng", cô nói, tin tưởng vào sự nghiêm túc của ban lãnh đạo trường trong việc giải quyết vấn đề bài Do Thái.
Một sinh viên sau đại học người Australia cho biết là một nghiên cứu sinh, họ dành 80-100 giờ mỗi tuần cho công việc nghiên cứu.
Người này dự đoán cuộc đối đầu giữa chính quyền Trump và Harvard sẽ đẩy nhiều nhà nghiên cứu rời khỏi Mỹ.
"Nếu mọi thứ thực sự tồi tệ, tôi có lẽ sẽ chuyển sang một trường đại học ở Vương quốc Anh", sinh viên này cho biết.
Nhiều nghiên cứu sinh khác cũng bày tỏ nỗi sợ hãi và bất an tột độ về tương lai, công việc nghiên cứu, sự nghiệp và người thân của họ.
"Có những hệ quả cho gia đình họ, bạn biết đấy, vợ chồng, con cái, việc nhập học của họ, tình trạng làm việc, tiền thuê nhà, nhà ở, mọi thứ. Bạn chỉ không biết điều gì sẽ xảy ra", Fangzhou Jiang, người Trung Quốc, sinh viên năm hai chương trình thạc sĩ tại trường Harvard Kennedy, nói.
Đối với một số sinh viên quốc tế đến từ các quốc gia có chiến tranh hoặc biến động chính trị, rủi ro còn cao hơn.
Maria Kuznetsova là cựu phát ngôn viên của một nhóm giám sát nhân quyền độc lập của Nga và hiện là nghiên cứu sinh tại khoa Hành chính công, trường Harvard Kennedy. Cô sắp tốt nghiệp và lo sợ visa làm việc do Harvard tài trợ có thể bị hủy.
"Tôi không thể trở về Nga. Tôi đã sống ở Mỹ hai năm nay, tôi thậm chí không có thị thực châu Âu. Vì vậy, tôi thực sự không biết mình có thể đi đâu nếu mọi thứ trở nên tồi tệ", Kuznetsova chia sẻ.
Cô nhấn mạnh tình hình chung "mọi người vẫn đang trong trạng thái hoảng loạn, chờ đợi quyết định của tòa án". Không chỉ cô, còn có nhiều người từ Ukraine, Venezuela, Afghanistan và Palestine.
Ngọc Bích