Robot Sand-E có khả năng dọn sạch những mẩu rác nhỏ bị bỏ sót trên cát. Ảnh: Straits Times.
Những chiếc cốc nhựa bị vứt bỏ, những mảnh gỗ nhỏ trôi dạt lên bãi cát, tất cả rác thải trên bãi biển Pasir Ris đều được một tình nguyện viên đặc biệt thu dọn sạch sẽ. Đó là chú robot dọn dẹp tên là Sand-E - một sản phẩm do 27 sinh viên Đại học Công nghệ và Thiết kế Singapore cùng sáng tạo ra, theo Straits Times.
Với kích thước chỉ bằng một chiếc lốp xe ôtô, robot Sand-E có thể di chuyển trên cát vì có bánh xích giống như xe tăng. Điều này cho phép nó di chuyển trên bề mặt nhiều cát gồ ghề, không bằng phẳng.
Robot hiện vẫn đang ở giai đoạn thử nghiệm, nhưng đã có thể nhặt những loại rác như chai nhựa, túi, hộp đựng đồ ăn... Nhóm sinh viên cũng thông tin thêm rằng món đồ lớn nhất mà Sand-E có thể xử lý được là một chiếc giày của người lớn.
Phát biểu trong buổi giới thiệu về Sand-E hôm 22/1, nhóm sinh viên cho biết họ thiết kế con robot này vì muốn đưa ra giải pháp nhằm hỗ trợ những người dọn dẹp bãi biển, đặc biệt là người cao tuổi.
Vincent Ho (24 tuổi), trưởng nhóm nghiên cứu, lưu ý rằng vào ngày thử nghiệm sản phẩm, bãi biển Pasir Ris tương đối sạch. Nhưng nhiều khi, lượng rác trên bãi biển này rất cao. Theo đó, Sand-E có thể giúp giảm tải công việc cho các công nhân việ sinh bằng cách thu gom lượng lớn mảnh vụn nhỏ trong cát - kiểu rác rất dễ bị bỏ sót.
Khi hoạt động, Sand-E quét bề mặt cát bằng dụng cụ được gọi là chổi quay, được tạo thành từ các sợi dây cứng cáp. Những mảnh rác vụn được di chuyển qua băng chuyền, đi vào thân máy. Nhóm sinh viên thiết kế con robot sao cho khi nhặt rác, cát sẽ được rũ ra và trả về bãi biển.
Hiện, Sand-E được vận hành thủ công thông qua dụng cụ điều khiển từ xa. Nhóm sinh viên Đại học Công nghệ và Thiết kế Singapore hy vọng có thể nâng cấp sản phẩm với chức năng tự động hóa. Sau đó, con robot này có thể xác định vị trí của rác và tự động thu gom.
Ngoài robot Sand-E, 4 phát minh khác của sinh viên và giảng viên Đại học Công nghệ và Thiết kế Singapore cũng được giới thiệu tại sự kiện này. Mỗi phát minh đều có chức năng chuyên biệt về vệ sinh và khử trùng nhằm hướng đến mục tiêu làm sạch cho Singapore vì quốc gia này đang đối mặt với nhiều thách thức về môi trường.
Giáo sư Phoon Kok Kwang, Hiệu trưởng nhà trường, nói rằng trong thời gian tới, với tầm nhìn và khả năng tương tác với AI được nâng cấp, sản phẩm của trường có thể có khả năng giao tiếp, phối hợp với con người để ưu tiên làm sạch môi trường, nhất là ở những nơi có nhiều rác thải.
Thái An