Sinh viên sư phạm: Sắp tốt nghiệp vẫn chưa được hỗ trợ

Sinh viên sư phạm: Sắp tốt nghiệp vẫn chưa được hỗ trợ
một ngày trướcBài gốc
Sinh viên gặp khó
Nghị định 116 (hỗ trợ học phí, sinh hoạt phí cho sinh viên sư phạm) có hiệu lực năm 2021 đã thu hút được đông đảo học sinh địa phương và nhiều tỉnh đến theo học. Tại Trường ĐH Tân Trào (Tuyên Quang), đến hết năm 2023, có 1.859 sinh viên học các ngành sư phạm đăng kí hưởng chế độ nhưng chưa được nhận.
Theo quy chế tuyển sinh hiện hành, nhóm ngành sư phạm do Bộ GD&ĐT giao chỉ tiêu dựa trên năng lực đào tạo, các ngành khác, trường ĐH tự xác định chỉ tiêu. Trường ĐH Tân Trào được Bộ GD&ĐT giao chỉ tiêu đào tạo ngành sư phạm năm 2021 là 1.003; năm 2022 là 2.303; năm 2023 là 920 và năm 2024 là 860.
Sinh viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội trong lễ tốt nghiệp. Ảnh: HNUE
Nghị định 116 quy định 3 nhóm đối tượng sinh viên sư phạm được hưởng chế độ hỗ trợ học phí và sinh hoạt phí là: đặt hàng, đấu thầu hoặc theo nhu cầu xã hội.
Sinh viên sư phạm của Trường ĐH Tân Trào thuộc đối tượng đào tạo theo nhu cầu xã hội. Hằng năm, trường đều có tờ trình đề nghị cấp bổ sung kinh phí hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm theo Nghị định 116 nhưng vẫn chưa được thực hiện.
Sinh viên N.T.T cho biết, dù đã bước vào năm cuối nhưng chưa nhận được hỗ trợ học phí hay sinh hoạt phí lần nào. Là sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, T. lựa chọn học sư phạm vì có chính sách hỗ trợ và cũng là nguyện vọng, sở thích muốn trở thành cô giáo.
“Khó khăn nhưng em cũng sắp hoàn thành khóa học. Nếu được hỗ trợ như Nghị định thì cuộc sống của em và gia đình sẽ đỡ vất vả hơn”, cô chia sẻ.
Hằng năm, Trường ĐH Hùng Vương được tỉnh Phú Thọ đặt hàng hơn 200 chỉ tiêu. Tuy nhiên, trường còn gặp một số khó khăn trong quá trình triển khai Nghị định 116.
Theo thống kê, trường đang có 124 sinh viên sư phạm tuyển sinh từ năm 2021, 2022 chưa được hưởng các chính sách theo Nghị định 116 do không thuộc đối tượng giao nhiệm vụ đặt hàng của tỉnh Phú Thọ.
Đại diện các trường đào tạo sư phạm khẳng định, Nghị định 116 đã giúp thu hút nhiều học sinh giỏi cấp phổ thông đăng kí dự tuyển và theo học. Điều này đồng nghĩa chất lượng đầu vào lĩnh vực sư phạm sẽ tăng lên, giúp hình thành đội ngũ giáo viên kế cận có chất lượng cao hơn. Theo nghị định này, sinh viên sư phạm được miễn học phí và hỗ trợ sinh hoạt phí 3,6 triệu đồng/tháng.
Khó cho địa phương
Trước những vướng mắc trong việc thực hiện Nghị định 116, Trường ĐH Tân Trào đã báo cáo Bộ GD&ĐT, UBND tỉnh Tuyên Quang. Tuyên Quang đã có văn bản gửi Bộ Tài chính để báo cáo, xin ý kiến hướng dẫn thực hiện Nghị định 116; đề nghị Bộ Tài chính xem xét hướng dẫn nguồn kinh phí và việc lập dự toán đối với việc hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm đào tạo theo nhu cầu xã hội, tuy nhiên vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể.
Việc chậm muộn, chưa cấp kinh phí hỗ trợ sinh viên theo học các ngành khối sư phạm theo quy định của Nghị định 116 ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của các em.
Nghị định này quy định đối với kinh phí hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt cho sinh viên sư phạm trong chỉ tiêu Bộ GD&ĐT thông báo thuộc đối tượng nhu cầu xã hội, được bố trí trong dự toán hằng năm của cơ sở đào tạo giáo viên được cấp có thẩm quyền giao theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
Rõ ràng Nghị định 116 có quy định hỗ trợ học phí, sinh hoạt phí đối với đối tượng sinh viên sư phạm thuộc nhóm đào tạo theo nhu cầu xã hội. Nhưng đến nay, không phải địa phương nào cũng giải quyết được.
Năm 2024, Trường ĐH Sài Gòn mới chi trả cho 300 sinh viên sư phạm khóa 2021, 2022 nhóm đào tạo theo nhu cầu xã hội. Trường ĐH Hùng Vương sau hai năm đầu triển khai (2021, 2022) nhận thấy khó khăn nên quyết định dừng và chỉ đào tạo cho nhóm đặt hàng của tỉnh Phú Thọ.
Bộ GD&ĐT đang tổng hợp báo cáo của các trường để phối hợp với địa phương, bộ ngành liên quan để đảm bảo quyền lợi cho sinh viên; đang trình Chính phủ phê duyệt Nghị định 116 sửa đổi.
NGHIÊM HUÊ
Nguồn Tiền Phong : https://tienphong.vn/sinh-vien-su-pham-sap-tot-nghiep-van-chua-duoc-ho-tro-post1718806.tpo