“Thiết kế thời trang là một cuộc đối thoại”
“Với mình, thiết kế thời trang không chỉ là làm ra một chiếc váy đẹp hay một bộ sưu tập (BST) lộng lẫy. Đó là cuộc đối thoại giữa con người với chất liệu, với tự nhiên và văn hóa” - Vân Anh mở đầu buổi phỏng vấn bằng một quan điểm sâu sắc.
Nguyễn Thị Vân Anh - cô gái trẻ với đam mê thiết kế thời trang đã gặt hái nhiều thành tích xuất sắc trong học tập và thiết kế.
Ngay từ những ngày đầu đại học, Vân Anh đã tích cực tham gia nhiều dự án nghệ thuật và hoạt động tình nguyện. Cô từng trình diễn bộ sưu tập áo dài tại triển lãm The La - Ngàn năm canh cửi tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, trưng bày ý tưởng tại Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024, đoạt giải Tính ứng dụng cao trong cuộc thi Tinh hoa áo dài do Sở Du lịch Hà Nội tổ chức. Ngoài ra, cô còn giành giải Nhất Nghiên cứu Khoa học cấp khoa với đề tài về vải sợi chuối trong thiết kế áo dài truyền thống Việt Nam, và từng tham dự Tuần lễ Thời trang Quốc tế Việt Nam để học hỏi và cập nhật xu hướng mới.
Hành trình sáng tạo của Vân Anh càng rộng mở khi cô không chỉ hình dung thời trang dưới góc độ thẩm mỹ, mà coi đó là cách để giữ lại tinh hoa dân tộc.
Đối với Vân Anh, tuổi trẻ phải sống, không ngại khó khăn thử thách.
“Tôn trọng truyền thống bằng tinh thần bền vững”
Khi biết bản thân được mời trình diễn bộ sưu tập Tinh Ngọc tại triển lãm The La - Ngàn năm canh cửi ở Văn Miếu Quốc Tử Giám, Vân Anh không giấu được niềm xúc động. Với cô, đây không chỉ là dịp để giới thiệu một thiết kế cá nhân, mà còn là cơ hội để góp phần kể lại câu chuyện nghề truyền thống - nghề dệt lụa, vải the của làng La Khê bằng ngôn ngữ thời trang hiện đại.
“Đó thực sự là một mốc son trong hành trình của mình”, Vân Anh chia sẻ. “Mình đã có mặt tại triển lãm suốt nhiều ngày, không chỉ để giới thiệu mà còn để lắng nghe. Mỗi lời nhận xét, mỗi ánh mắt dừng lại trước thiết kế của mình đều là một trải nghiệm quý giá. Được góp mặt tại một không gian văn hóa linh thiêng, giàu giá trị lịch sử như Văn Miếu - nơi tôn vinh tri thức suốt hàng nghìn năm khiến mình cảm thấy như được kết nối với một mạch nguồn rất sâu xa của dân tộc”.
Sản phẩm của Vân Anh được trưng bày tại triển lãm The La - Ngàn năm canh cửi, tổ chức tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Bên cạnh đó, khi nhắc đến đề tài sợi chuối trong thiết kế áo dài, cô vui vẻ chia sẻ lí do khai thác: “Mình muốn đi từ thứ gần gũi nhất với người Việt, đó chính là cây chuối. Không đâu trên đất nước này là không trồng được chuối”. Với cô, “Chuối là hiện thân của sự bền bỉ, dễ dàng mà đầy độ bền. Còn áo dài thì là biểu tượng của người phụ nữ Việt Nam mềm mại, thướt tha và “rất” Việt Nam”.
Thử thách làm sao để tối đa tính thẩm mỹ với một chất liệu có phần “lạ lẫm” như vải chuối đã giúp Vân Anh "lớn lên" trong nghiên cứu. Cô đã trực tiếp lên làng nghề, làm việc với doanh nghiệp, và thử nhiều cách để khắc phục khuyết điểm như nhăn, mỏng, xuyên thấu của loại vải này. “Lúc đó mình học được sự kiên nhẫn. Muốn hiểu về một chất liệu, mình phải làm chủ được nó trước”.
Vân Anh khi nhận giải thưởng Ứng dụng cao trong cuộc thi thiết kế Tinh hoa áo dài.
Tạo dấu ấn với AI, bản sắc với truyền thống
Cũng trong năm hai, Vân Anh tiếp tục thử sâu với dự án Phần mềm “Phong cách du lịch cá nhân hóa bằng AI”, trình bày tại Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024. Đối với cô, thời trang không chỉ phải đẹp mà còn phải gắn bó đồng điệu với từng câu chuyện của người sử dụng. AI sẽ giúp mỗi thiết kế trở thành trải nghiệm cá nhân, để người mặc cảm nhận được linh hồn và câu chuyện bên trong mỗi bộ trang phục. “Công nghệ không làm mất đi tính con người trong thiết kế, ngược lại nó giúp phục vụ tốt hơn cho trải nghiệm của người dùng. Mình muốn mỗi thiết kế trở thành một trải nghiệm sâu sắc”.
Vân Anh luôn ấp ủ mong muốn phát triển ngành công nghiệp thời trang nước nhà với hướng đi phát triển bền vững, vươn tầm thế giới.
Nhưng dẫu sao, Vân Anh vẫn cho rằng dù AI có phát triển đến nhường nào, “cái cốt lõi vẫn phụ thuộc vào chính người thiết kế và câu chuyện họ muốn truyền tải qua các trang phục”. “Mình nghĩ là sự kết hợp giữa chất liệu tự nhiên, những chi tiết thủ công và công nghệ sẽ rộng mở hơn tinh thần của các thiết kế thời trang Việt ngày nay”.
Người truyền cảm hứng và một lời nhắn gửi
Trong hành trình sáng tạo của mình, Vân Anh luôn nhắc đến cô Lê Hà - giảng viên bộ môn và cũng là nhà thiết kế đã tác động sâu sắc đến tư duy nghề nghiệp của cô. “Cô giúp mình hiểu rằng, một thiết kế hay một bộ sưu tập tốt phải có sự cân bằng, từ chất liệu, hình thức, công năng, đến thông điệp truyền tải bên trong…”.
Với vai trò nhà thiết kế trẻ, Vân Anh mang trong mình trách nhiệm lan tỏa văn hóa truyền thống Việt và tinh thần thời trang bền vững. “Mình không muốn chỉ dừng lại ở việc giữ gìn bản sắc, mà còn phải làm mới nó, giúp thời trang Việt vươn tầm thế giới bằng chính chất liệu và câu chuyện của người Việt”, cô khẳng định.
Vân Anh trân quý những cơ hội phát triển bản thân, chúng giúp cô học hỏi và trưởng thành.
Vân Anh cũng chia sẻ định hướng cá nhân trong tương lai: “Mình muốn tiếp tục đi sâu vào nghiên cứu chất liệu bản địa, khám phá các công nghệ mới thân thiện với môi trường, và đặc biệt là tạo ra không gian kết nối giữa nghệ nhân với các nhà thiết kế trẻ. Dù phát triển đến đâu, thì giá trị văn hóa truyền thống vẫn phải là cốt lõi”.
Gửi đến các bạn trẻ đang theo đuổi con đường thiết kế thời trang, nhà thiết kế trẻ Vân Anh nhắn nhủ: “Hãy cứ dũng cảm thử nghiệm, sai rồi sửa, ngã ở đâu rồi đứng dậy ở đấy. Hành trình sáng tạo không bao giờ dễ dàng, nhưng kết quả nhận được luôn luôn xứng đáng. Và hãy kiên nhẫn với giấc mơ của bạn”.
(Ảnh: NVCC)
Dương Lan Anh