Ngôn ngữ Ả Rập là ngành học chuyên đào tạo sinh viên sử dụng thành thạo tiếng Ả Rập với 4 kỹ năng nghe – nói – đọc – viết. Bên cạnh đó, sinh viên còn được đào tạo kiến thức chuyên sâu về văn hóa, kinh tế, chính trị, xã hội, du lịch... bằng tiếng Ả Rập.
Hiện tại, ở Việt Nam có 2 cơ sở giáo dục đại học đào tạo tiếng Ả Rập là Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
Ngành học ít cạnh tranh, sinh viên có nhiều lợi thế
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Phạm Thị Thùy Vân - Trưởng bộ môn Ngôn ngữ và Văn hóa Ả Rập, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội đánh giá ngành học này có tiềm năng phát triển rất lớn trong tương lai.
“Tiếng Ả Rập là một trong 6 ngôn ngữ có số lượng người sử dụng lớn trên thế giới, với hơn 420 triệu người sử dụng. Trong thời kỳ hiện đại, các quốc gia Ả Rập cũng là các quốc gia có nền kinh tế mạnh do nguồn tài nguyên dầu mỏ dồi dào, có vai trò quan trọng trong các diễn đàn quốc tế, kinh tế, và chính trị. Thời gian vừa qua, các doanh nghiệp Việt Nam đang có xu hướng tìm kiếm thị trường mới ở Ả Rập, đồng thời các quốc gia Ả Rập cũng thực hiện chính sách hướng Đông để đẩy mạnh hợp tác với các quốc gia khu vực Đông Nam Á và Đông Á trong đó có Việt Nam.
Những năm trở lại đây, Chính phủ Việt Nam đang khởi động các dự án nhằm phát triển ngành công nghiệp Halal (sản xuất và cung ứng các sản phẩm dành riêng cho thị trường người Hồi giáo) thông qua nhiều hội thảo, diễn đàn và các chuyến thăm song phương. Chính phủ Việt Nam gần đây đã có những động thái đẩy mạnh hợp tác với thị trường Ả Rập, mở ra nhiều bước đột phá trong mối quan hệ về kinh tế, thương mại, đầu tư. Vì vậy thời gian tới, nhu cầu nhân lực biết tiếng Ả Rập chắc chắn sẽ tăng cao”, cô Vân chia sẻ.
Thạc sĩ Phạm Thị Thùy Vân - Trưởng bộ môn Ngôn ngữ và Văn hóa Ả Rập, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội. (Ảnh: NVCC)
Một lợi thế của sinh viên khi theo học ngành Ngôn ngữ Ả Rập là lợi thế ít phải cạnh tranh trong bối cảnh các doanh nghiệp đang chiêu mộ nhân sự biết ngoại ngữ hiếm này. Thạc sĩ Phạm Thị Thùy Vân chia sẻ thêm: “Số lượng sinh viên làm việc đúng chuyên ngành sau khi tốt nghiệp đang ngày càng tăng, lĩnh vực ngành nghề cũng ngày càng đa dạng so với trước. Nếu như trước kia, cơ hội việc làm còn bị giới hạn ở các công việc văn phòng như làm việc ở Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Đại sứ quán hoặc giảng viên tại trường, thì hiện nay lĩnh vực làm việc đã rộng mở hơn rất nhiều như lĩnh vực du lịch, thương mại, Công nghệ thông tin,...”
Cũng là một trong những trường đại học giảng dạy tiếng Ả Rập, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, hiện đang đào tạo cử nhân ngành Đông phương học, trong đó Ả Rập học là một trong những chuyên ngành đào tạo của trường. Chia sẻ về điểm nổi bật trong chương trình đào tạo chuyên ngành Ả Rập học, Thạc sĩ Phan Thanh Huyền - Chủ nhiệm bộ môn Ả Rập học cho biết:
“Chương trình đào tạo ngành Đông Phương học sẽ theo khung quy chuẩn là nghiên cứu về đất nước học. Trong khoa Đông phương học có nhiều chuyên ngành khác nhau với nhiều ngôn ngữ khác nhau. Chương trình học bao gồm khối kiến thức chung và khối kiến thức chuyên ngành.
Xác định ngôn ngữ là công cụ quan trọng để khám phá đất nước nên thời lượng học tiếng của sinh viên khá nhiều, xuyên suốt từ năm nhất đến năm thứ tư. Khi học tiếng Ả Rập, các bạn sinh viên không chỉ đơn thuần học về các kỹ năng nghe - nói - đọc - viết mà còn học chuyên sâu về những lĩnh vực như: nghệ thuật, văn học, du lịch, báo chí,... Đây là điểm nổi bật của chuyên ngành Ả Rập học tại trường”.
Thạc sĩ Phan Thanh Huyền - Chủ nhiệm bộ môn Ả Rập học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: NVCC)
Trong khi đó, Thạc sĩ Phạm Thị Thùy Vân cho biết, tại Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội, định hướng chính của sinh viên ngành Ngôn ngữ Ả Rập là biên phiên dịch, do đó các bạn sinh viên sẽ được trang bị rất kỹ các kiến thức ngành liên quan đến kỹ năng biên phiên dịch, kiến thức sâu về ngôn ngữ Ả Rập. Ngoài ra, các môn học về lịch sử, văn hóa, địa lý cũng được cung cấp đầy đủ để các bạn có đủ kiến thức nền khi làm việc với người Ả Rập.
Do tiếp xúc với môi trường nước ngoài và tham gia các hoạt động ngoại giao với các Đại sứ quán và các tổ chức nước ngoài, các bạn sinh viên phát triển rất tốt kỹ năng giao tiếp, kỹ năng tổ chức sự kiện và kỹ năng làm việc độc lập.
Bên cạnh đó, sinh viên học ngành Ngôn ngữ Ả Rập được tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình học tập khi nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình từ phía Đại sứ quán các nước Ả Rập tại Việt Nam như: trao học bổng học tập tại nước ngoài, cung cấp tài liệu tham khảo phục vụ giảng dạy tiếng Ả Rập, cho sinh viên thực tập tại Đại sứ quán và tham gia các sự kiện do Đại sứ quán tổ chức nhằm giúp sinh viên có thêm cơ hội giao tiếp, làm quen với phong tục tập quán ở các nước Ả Rập, giới thiệu việc làm thêm để tăng khả năng thông thạo ngoại ngữ.
Nhớ về trải nghiệm học tập ngành Ngôn ngữ Ả Rập, bạn Nguyễn Ngọc Quyên - thủ khoa đầu ra ngành Ngôn ngữ Ả Rập, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ: “Lý do ban đầu tôi lựa chọn học tiếng Ả Rập xuất phát từ sự tò mò. Qua tìm hiểu, tôi cảm thấy bị thu hút bởi sự độc đáo của văn hóa, đất nước và con người nơi đây.
Hai năm đầu tiên, sinh viên sẽ được làm quen với tiếng Ả Rập, học bảng chữ cái và hệ thống ngữ pháp trong tiếng Ả Rập, song song với đó là rèn luyện 4 kỹ năng cơ bản: nghe, nói, đọc, viết. Đồng thời sinh viên còn được học một số môn học liên quan đến địa lý, văn hóa, đất nước, con người Ả Rập.
Hai năm tiếp theo nội dung học chủ yếu tập trung vào các môn chuyên ngành liên quan đến hầu hết các lĩnh vực như: biên phiên dịch, báo chí, hành chính văn phòng, kinh tế thương mại, du lịch… Đây chính là hành trang được trang bị cho sinh viên nhằm đáp ứng các yêu cầu công việc trong tương lai”.
Cơ hội việc làm phong phú ở nhiều lĩnh vực
Bên cạnh chương trình đào tạo tại trường, sinh viên ngành Ngôn ngữ Ả Rập còn được thực hành, thực tập ở nhiều doanh nghiệp. Từ đó, các bạn có thể tìm kiếm được việc làm ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Trưởng bộ môn Ngôn ngữ và Văn hóa Ả Rập, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: “Năm 2023, các bạn sinh viên của ngành Ngôn ngữ Ả Rập đã có cơ hội trải nghiệm tại một số doanh nghiệp và được chiêu mộ làm việc sớm. Năm 2024, các bạn cũng có cơ hội trải nghiệm một ngày làm hướng dẫn viên du lịch thông qua một chuyến đi thực tế tới Ninh Bình, cùng với sự đồng hành là các doanh nghiệp và các cựu sinh viên đang hoạt động trong lĩnh vực du lịch.
Nhìn chung mặt bằng lương của sinh viên tốt nghiệp ngành Ngôn ngữ Ả Rập có phần “nhỉnh” hơn so với một số ngôn ngữ thông dụng do sự “hiếm” của tiếng Ả Rập. Ở năm thứ 3, năm thứ 4 các bạn đã có cơ hội đi phiên dịch thương mại với giá 50-100 USD/8 tiếng/ngày (1,2-2,5 triệu đồng)".
Sinh viên Ả Rập học - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn trong buổi tham quan Công ty TNHH BaroViet. (Ảnh: website nhà trường)
Chia sẻ về cơ hội việc làm của bản thân sau tốt nghiệp, bạn Nguyễn Ngọc Quyên, cựu sinh viên lớp 20A1, QH.2019, thủ khoa đầu ra ngành Ngôn ngữ Ả Rập, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: “Công việc hiện tại của tôi có liên quan đến lĩnh vực du lịch, chủ yếu tập trung vào đối tượng là khách du lịch của thị trường Trung Đông. Kể từ sau đại dịch Covid-19, tình hình du lịch nhìn chung có nhiều khởi sắc. Đặc biệt kể từ khi quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và một số nước Ả Rập có bước tiến mới, ngày càng có nhiều người Ả Rập chọn đến Việt Nam du lịch. Điều này tạo ra những cơ hội việc làm mới cho sinh viên tốt nghiệp ngành Ngôn ngữ Ả Rập.
Mức thu nhập hiện tại của tôi khá ổn định so với một sinh viên mới ra trường. Bên cạnh du lịch, tôi cũng làm thêm một số công việc khác như phiên dịch, dịch tài liệu,...".
Thời điểm mới ra trường, Quyên cho biết bản thân không gặp quá nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm đúng chuyên ngành. Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, các thầy cô giảng viên thường xuyên tổ chức các buổi định hướng nghề nghiệp, chia sẻ về cơ hội việc làm cho sinh viên cũng như giới thiệu cho sinh viên các đơn vị thực tập.
“Thị trường việc làm liên quan đến tiếng Ả Rập hiện nay vẫn còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác hết, chỉ cần bạn có mục tiêu và quyết tâm, chắc chắn có thể học tốt tiếng Ả Rập. Để đáp ứng được các yêu cầu công việc trong thực tế, ngoài những kiến thức được học trên giảng đường, các bạn phải biết cách vận dụng chúng vào công việc hàng ngày. Bên cạnh đó, đừng quên trau dồi và tích lũy thêm nhiều kỹ năng mềm, đồng thời phát triển một số kĩ năng bổ trợ như tin học văn phòng, các kỹ năng chuyên môn nhằm phục vụ cho mục tiêu cụ thể mà bạn đang hướng tới trong tương lai”, Ngọc Quyên nhấn mạnh.
Nguyễn Ngọc Quyên (thứ 3 từ trái sang) trong cuộc thi Qatar Debate được tổ chức tại Oman. (Ảnh: NVCC)
Nguyễn Thu Thủy - cựu sinh viên chuyên ngành Ả Rập học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cũng có những chia sẻ từ chính những trải nghiệm về cơ hội việc làm của bản thân.
“Tôi là chuyên viên kinh doanh xuất khẩu nên việc biết tiếng Ả Rập là yếu tố rất quan trọng giúp tôi hoàn thành công việc. Thời điểm mới ra trường, tôi đã xác định bản thân sẽ làm ở lĩnh vực ngoại thương nên ở thời điểm đó việc tìm kiếm cơ hội có liên quan đến ngành học vừa khó nhưng cũng vừa dễ. Khó là bởi tiếng Ả Rập không nhiều người học nên có công ty cần người nhưng ít đăng thông tin, còn dễ là chỉ cần bạn năng động tìm kiếm xem công ty nào kinh doanh mảng xuất khẩu sang thị trường Trung Đông thì lợi thế tiếng Ả Rập sẽ mang lại cho bạn nhiều cơ hội. Tôi biết tiếng Ả Rập nên khi tìm kiếm việc nhiều đơn vị tuyển dụng cũng bất ngờ, họ sẵn sàng cho tôi phụ trách riêng 1 mảng về thị trường Trung Đông để tập trung làm việc ngay từ đầu.
Các bạn sinh viên không nên chủ quan chỉ cần biết tiếng là đủ, không phải doanh nghiệp nào cũng đăng bài tuyển dụng về tiếng Ả Rập nhiều và sẵn có nên kỹ năng và sự sáng tạo là cần thiết để bạn có cơ hội làm việc đúng chuyên ngành. Học ngoại ngữ luôn đi kèm với việc học bổ trợ các kiến thức nền tảng về công việc chứ không nên tách rời cả hai. Bên cạnh đó, bạn cũng nên học thêm các ngoại ngữ khác để bổ trợ cho công việc trong tương lai".
Nguyễn Thu Thủy - cựu sinh viên chuyên ngành Ả Rập học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: NVCC)
Học tiếng Ả Rập không khó như nhiều sinh viên vẫn nghĩ
Hướng đến hội nhập toàn cầu trong bối cảnh mới, ngoại ngữ được xem là công cụ không thể thiếu. Tuy nhiên, đối với tiếng Ả Rập - một ngôn ngữ đang chưa phổ biến tại Việt Nam, tâm lý e ngại là điều khó tránh khỏi.
Chia sẻ về vấn đề này, chủ nhiệm bộ môn Ả Rập học - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Các thông tin về đất nước Ả Rập còn chưa phong phú trên các kênh thông tin truyền thông nên nhiều phụ huynh và học sinh còn lo ngại khi lựa chọn ngành này.
Đồng thời, nguồn tài liệu về tiếng Ả Rập ngoài thị trường rất hiếm, chủ yếu vẫn là các tài liệu nước ngoài nên việc trau dồi thêm kiến thức đòi hỏi sự tìm tòi của sinh viên. Đặc biệt, cách cấu tạo âm thanh tiếng Ả Rập khác với tiếng Việt nên nhiều bạn khi mới học sẽ có bỡ ngỡ, nhất là về cách viết. Tuy nhiên, tiếng Ả Rập thực chất là chữ tượng thanh cũng có âm tiết đọc gần như bảng chữ cái tiếng Việt nên việc tiếp cận và học tập tiếng Ả Rập không khó như các bạn vẫn nghĩ”.
Trong khi đó, Trưởng bộ môn Ngôn ngữ và Văn hóa Ả Rập, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng cho rằng, việc học tiếng Ả Rập thực tế không quá khó: “Để theo học tiếng Ả Rập các bạn không cần thiết phải có tố chất gì đặc biệt, nhưng cần thiết nhất là sự kiên trì, điều mà các bạn trẻ ngày nay đang rất thiếu.
Khi học một ngôn ngữ mới, điều đầu tiên các bạn được học là làm quen với chữ cái, cách viết, cách phát âm, cách ghép từ và các quy tắc ngữ pháp cơ bản. Do đó điểm đầu vào cao không phải là một lợi thế vì khi bắt đầu học, các bạn sẽ có xuất phát điểm là số 0 giống nhau. Tuy nhiên sau một thời gian học, bạn nào chăm chỉ, bạn nào kiên trì và bạn nào thiếu tập trung sẽ thể hiện rõ rệt trong kết quả học tập.
Điều cần nhất các bạn phải rèn luyện khi còn ngồi trên ghế nhà trường đó là khả năng tự học vì học một ngôn ngữ là học cả đời. 4 năm đại học chỉ cung cấp cho các bạn kiến thức cơ bản nhất để bước vào thị trường lao động, sau đó các bạn vẫn phải tiếp tục học hỏi và phát triển trong quá trình làm việc”.
Thảo Lê