Sinh viên Nguyễn Thanh Tùng (thứ 2, bên trái) trong một hoạt động gia sư.
Nguồn thu nhập chính đáng
Qua khảo sát ở các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thì nhu cầu đi làm thêm của sinh viên rất lớn. Trong đó, sinh viên đi làm thêm nhiều nhất ở năm thứ 2, 3. Năm đầu vì đang còn bỡ ngỡ, làm quen với môi trường mới nên sinh viên chưa tìm kiếm công việc đi làm thêm, chỉ những sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn thì họ sẽ bắt đầu tìm việc ngay từ học kỳ 2. Năm cuối, sinh viên tập trung vào việc học, hoàn thành các tín chỉ, đi thực tập, không còn thời gian cho công việc khác.
Nguyễn Thị Hoài An, sinh viên Trường Đại học Hồng Đức bắt đầu đi làm thêm từ năm thứ nhất. Công việc của Hoài An đi làm sale cho trung tâm ngoại ngữ. “Ở đại học, đi làm thêm lợi ích đầu tiên và quan trọng nhất là thu nhập. Đặc biệt những bạn có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Cuộc sống sinh viên có rất nhiều khoản chi tiêu. Vì thế, hầu hết mọi người đều mong muốn có chút thu nhập để giảm bớt gánh nặng cho gia đình. Hay đơn giản là bản thân có một khoản phí cho việc chi tiêu”, Hoài An chia sẻ. Bên cạnh đó, việc làm ở trung tâm đã giúp em nâng cao khả năng ngoại ngữ.
Đi làm để rèn luyện bản thân, tích lũy kinh nghiệm, học hỏi kỹ năng là những gì Nguyễn Thanh Tùng, sinh viên năm 3, Trường Đại học Hồng Đức đề ra khi đi làm gia sư. Tùng bắt đầu đi làm từ năm thứ 2 đại học, em được giới thiệu việc làm từ Câu lạc bộ (CLB) tài năng trẻ (thuộc Khoa Khoa học tự nhiên). Tùng cho biết: “Khoản thu nhập chính đáng từ việc làm thêm giúp mình không phụ thuộc và giảm gánh nặng cho gia đình. Công việc phù hợp còn cho mình kinh nghiệm thực tế, kỹ năng, nắm bắt nhu cầu tâm lý học sinh, cập nhật kiến thức mới... để phục vụ cho công việc về sau. Đồng thời, việc gia sư giúp mình biết được thế mạnh, hạn chế của bản thân, từ đó có sự phát huy, điều chỉnh lại”.
Khi được hỏi, hầu hết các bạn sinh viên đều cảm thấy hài lòng và yên tâm hơn khi có nguồn thu nhập ổn định hàng tháng từ việc làm thêm. Không những vậy, công việc làm thêm còn cho phép họ được trải nghiệm, từ đó rút ra nhiều bài học từ cuộc sống.
Phần lớn sinh viên đi làm thêm thường lựa chọn công việc nhân viên kinh doanh quần áo, phục vụ tại quán cà phê, cửa hàng mỹ phẩm, tiếp thị, trung tâm tiếng Anh, Tin học... Đây là những việc không đòi hỏi khắt khe trong tuyển dụng, không đòi hỏi kỹ năng; kinh nghiệm làm việc, thời gian linh hoạt, có thể làm việc ngay. Riêng việc làm gia sư được nhiều sinh viên chọn lựa bởi công việc phù hợp với năng lực chuyên môn, mức thù lao cao hơn so với những công việc khác. Mặt khác, với người sử dụng lao động cũng mong muốn và ưu tiên nhận sinh viên vì họ là những lao động trẻ, có sức khỏe, có kiến thức, nhiệt tình với công việc...
Tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên đi làm thêm, có nguồn thu chính đáng, Trường Đại học Hồng Đức đã liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp, đơn vị, trung tâm... có ngành nghề liên quan đến chuyên ngành đào tạo, ưu tiên tuyển dụng sinh viên. Đặc biệt, CLB tài năng trẻ của Khoa Khoa học tự nhiên, bên cạnh việc phát triển tài năng còn có nhiệm vụ tư vấn, giới thiệu công việc gia sư đến cho các sinh viên. Cô Nguyễn Thị Ngọc Mai, Bí thư Liên chi đoàn Khoa, cho biết: “Hầu hết sinh viên của Khoa Khoa học tự nhiên đều có nhu cầu đi làm gia sư, trong đó 80% sinh viên đang làm thêm bằng nghề gia sư. Nâng cao chất lượng giảng dạy, những sinh viên đi gia sư thường xuyên có buổi trao đổi, học tập kinh nghiệm. Các bạn đã đổi mới, sáng tạo nội dung bài giảng tích hợp công nghệ số... Từ đó, xây dựng được thương hiệu cho CLB, là địa chỉ giới thiệu việc gia sư uy tín cho các bậc phụ huynh”.
Làm thêm và những áp lực
Vừa học vừa làm thêm không phải là chuyện đơn giản với sinh viên, nhất là khi phải cáng đáng cùng lúc 2 nhiệm vụ học tập và làm việc.
Nhiều sinh viên lựa chọn làm thêm bằng công việc nhân viên bán thời gian tại quán cà phê.
Bên cạnh những mặt tích cực của việc đi làm thêm, theo Nguyễn Thị Hoài An thì cũng có những hạn chế, mà chính em từng mắc phải. Vừa làm việc tại trung tâm, Hoài An vừa làm thêm gia sư. Ôm đồn quá nhiều việc cùng một lúc khiến em cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng. Kết quả kỳ thi cuối năm thứ nhất không được như ý, khiến An “thức tỉnh”, xem xét lại giữa công việc và học tập. Thấy rằng học tập tốt luôn là ưu tiên hàng đầu, An bỏ bớt một số buổi dạy, không còn “chạy sô” việc như trước nữa. Em tâm sự: “Nếu không thể cân bằng được thời gian học và đi làm, sinh viên rất dễ xao nhãng chuyện học, tinh thần và tâm trí lúc nào cũng hướng đến công việc. Em đã từng viện lý do đi làm nên rất thờ ơ trong các công tác, bài tập với đội nhóm, không thể tham gia các hoạt động ngoại khóa... Vì thế, kết quả học tập bị ảnh hưởng rất nhiều”.
Cuốn vào công việc, không sắp xếp thời gian hợp lý... sinh viên còn bị lừa gạt, không trả tiền công xứng đáng. Nắm bắt được tâm lý, nhiều đơn vị sử dụng lao động thời vụ lợi dụng sự cả tin hoặc yếu thế của sinh viên nên đưa ra đủ những chiêu trò, quy định nội quy công việc vô cùng khắt khe để trừ lương, trả lương không đúng quy định...
Đây là những hành vi vi phạm pháp luật của người sử dụng lao động, tuy nhiên người lao động, nhất là các bạn sinh viên lại không hề hay biết để bảo vệ quyền lợi của mình. Bởi, hầu hết sinh viên đi làm thêm đều chỉ thỏa thuận “miệng”. Khi có tranh chấp, xung đột với chủ thuê các bạn chỉ có thể im lặng chịu thiệt khi không có cơ sở pháp lý ràng buộc.
Bởi vậy, sinh viên cần tìm hiểu kỹ, hoặc đến những địa chỉ uy tín, tin cậy để tư vấn, giới thiệu việc làm tránh những rủi ro cho bản thân trong quá trình lao động.
Bài và ảnh: Phan Vân