"Mình muốn Việt Nam làm chủ được công nghệ"
Nguyễn Mạnh Thắng, chàng trai đến từ Bắc Giang, đạt điểm thi 29,8/30 (thủ khoa toàn quốc khối A00, năm 2023) và trở thành sinh viên ngành Kỹ thuật Máy tính, ĐH Bách khoa Hà Nội. Chia sẻ trong những ngày tháng Tư lịch sử này, Thắng tâm niệm: Hòa bình là điều kiện để những giấc mơ lớn có thể thành hình.
Nguyễn Mạnh Thắng (ĐH Bách khoa Hà Nội). Ảnh: NVCC
“Nếu không có hòa bình, không chắc mình sẽ được đi học. Càng không dám nghĩ đến việc trở thành kỹ sư trong một trường đại học hàng đầu. Hòa bình là nền tảng để thế hệ bọn mình được phát triển toàn diện”.
Với Thắng, sự tri ân cần thể hiện bằng hành động cụ thể – đó là học thật giỏi, sống trách nhiệm và đặt mục tiêu cống hiến lâu dài. Mình mong muốn trở thành kỹ sư công nghệ, góp phần vào hệ sinh thái chuyển đổi số, ứng dụng AI để tối ưu hóa sản xuất, y tế và giáo dục ở Việt Nam.
“Mình muốn Việt Nam làm chủ được công nghệ, không phải nhập khẩu. Đó là cách giúp đất nước phát triển bền vững và giữ vững vị thế trong thời đại cạnh tranh”.
“Tư duy toàn cầu nhưng vẫn mang hồn Việt”
Vũ Đình Thái – sinh viên trường ĐH FPT, người đạt 29,8 điểm (thủ khoa toàn quốc khối A00, năm 2024) – lại mang tới hình ảnh của một người trẻ dám mơ, dám nghĩ khác, chọn môi trường giáo dục mới để phát triển toàn diện.
“Thế hệ mình lớn lên khi đất nước đã hòa bình nhưng cũng chứng kiến sự cạnh tranh toàn cầu ngày một gay gắt. Vì vậy, bọn mình học để có việc làm, học để đi nhanh, làm chủ công nghệ, tư duy toàn cầu nhưng vẫn mang hồn Việt”.
Vũ Đình Thái (trường ĐH FPT). Ảnh: NVCC
Thái chia sẻ: "Mình mong sau này có thể khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ giáo dục – tạo ra nền tảng học tập cho học sinh nông thôn, vùng sâu vùng xa. Hòa bình là khi mọi đứa trẻ, dù ở đâu, cũng có cơ hội học tập như nhau".
Kết nối với Nghị quyết 57: Khoa học - công nghệ là con đường ngắn nhất
Cả hai thủ khoa đều bày tỏ sự quan tâm đến Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo. Với Mạnh Thắng, điều đó đồng nghĩa với việc sinh viên công nghệ cần dấn thân nhiều hơn, cần trực tiếp tạo ra sản phẩm hữu ích cho xã hội.
“Nhà nước đang đầu tư nhiều cho khoa học, phần còn lại là ở thế hệ sinh viên bọn mình. Nếu không có tinh thần đổi mới sáng tạo thì đất nước sẽ tụt hậu”, Mạnh Thắng nói.
Vũ Đình Thái thì khẳng định: “Nghị quyết không phải chuyện vĩ mô xa vời, mà rất gần với mình – vì nó tạo ra cơ hội nghiên cứu, sáng tạo, được hỗ trợ đầu tư và bảo vệ các ý tưởng khởi nghiệp”.
Nhân dịp 30/4, cả hai sinh viên thủ khoa đều bày tỏ niềm biết ơn với các thế hệ đi trước đã đem lại hòa bình và thống nhất cho đất nước. Nhưng không chỉ xúc động, những người trẻ còn tự nhắc nhở bản thân: Sống xứng đáng với lịch sử là trách nhiệm của thế hệ hôm nay.
Nguyễn Mạnh Thắng quan niệm: “Tri ân bằng thái độ sống nghiêm túc, học tập chăm chỉ và tư duy không ngừng đổi mới”.
Hòa bình là món quà vô giá từ quá khứ, còn khát vọng là ngọn lửa thắp sáng tương lai. Với những sinh viên như Nguyễn Mạnh Thắng và Vũ Đình Thái, đất nước có quyền tin vào thế hệ tiếp nối hôm nay: Trách nhiệm, trưởng thành, và tràn đầy năng lượng sáng tạo.
Dương Triều