Ngày 22/5, Livzon Pharmaceutical Group Inc (Trung Quốc) công bố giao dịch mua lại một công ty Việt Nam. Theo công bố, công ty con gián tiếp của Livzon Pharmaceutical Group và bên bán đã ký thỏa thuận mua bán tổng cộng gần 100 triệu cổ phiếu IMP chiếm 64,81% cổ phiếu đã phát hành của Imexpharm.
Cụ thể, số cổ phiếu ký thỏa thuận giao dịch bao gồm hơn 73 triệu cổ phiếu IMP thuộc sở hữu của SK Investment; hơn 15 triệu cổ phiếu IMP thuộc sở hữu của CTCP Đầu tư Bình Minh Kim; và hơn 11 triệu cổ phiếu IMP thuộc sở hữu của CTCP Đầu tư KBA.
Ước tính giá trị thương vụ gần 5.731 tỷ đồng, tương ứng với giá bình quân là 57.400 đồng/cp, trong đó, trả cho SK Investment hơn 4.216 tỷ đồng, Bình Minh Kim gần 863 tỷ đồng và KBA gần 652 tỷ đồng.
Giá này cao hơn khoảng 13% so với giá trị thị trường của gần 99,9 triệu cổ phiếu IMP này theo giá đóng cửa ngày 22/5 là 50.600 đồng/cp.Với mức giá này, Imexpharm được định giá khoảng 8.800 tỷ đồng, tương đương hơn 338 triệu USD.
Diễn biến giá cổ phiếu IMP từ tháng 10/2024 đến nay. Ảnh: TradingView.
Việc hoàn tất mua lại sẽ được thực hiện theo các thủ tục mà các bên đã thỏa thuận và tuân thủ các luật và quy định hiện hành. Nếu chào mua công khai được kích hoạt, các quy định của sàn giao dịch chứng khoán HOSE liên quan đến chào mua công khai sẽ được tuân thủ.
Sau giao dịch, Livzon trở thành công ty mẹ của Imexpharm, vượt qua Tổng công ty Dược Việt Nam - đơn vị nắm giữ 22,04% cổ phần. Đồng thời, Imexpharm sẽ trở thành công ty con gián tiếp và được hợp nhất vào báo cáo tài chính của Livzon.
Tập đoàn Trung Quốc cho biết việc thâu tóm Imexpharm sẽ tạo nền tảng vững chắc để mở rộng hoạt động tại thị trường nước ngoài, phù hợp với chiến lược quốc tế hóa và phát triển bền vững trong lĩnh vực dược phẩm mà công ty đang theo đuổi.
Trước đó, hồi tháng 12/2024 đã xuất hiện thông tin SK Group xem xét bán 65% vốn tại Dược phẩm Imexpharm. Tập đoàn Hàn Quốc làm việc với một cố vấn tài chính về thương vụ này. Họ cũng liên hệ với các công ty dược phẩm và các quỹ chuyên đầu tư vốn cổ phần tư nhân để khảo sát về sự quan tâm với phần chuyển nhượng trên.
Tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2025 của Imexpharm, Chủ tịch Sung Min Woo xác nhận cổ đông SK đang tiến hành tái cấu trúc danh mục đầu tư toàn cầu, bao gồm các tài sản tại Việt Nam. Ông cũng để ngỏ khả năng SK sẽ giảm tỷ lệ sở hữu tại Imexpharm trong thời gian tới.
SK Group bắt đầu đầu tư vào Imexpharm từ năm 2020 thông qua công ty con SK Investment Vina III với tỷ lệ sở hữu ban đầu gần 25%. Sau đó, tập đoàn này liên tục tăng tỷ lệ nắm giữ lên 65%, thông qua 3 pháp nhân gồm SK Investment Vina III, Đầu tư Bình Minh Kim và Đầu tư KBA.
Trong một diễn biến khác, HĐQT Imexpharm cũng đã thông qua việc tiến hành triển khai Tổ hợp Nhà máy Dược phẩm Cát Khánh tại Cụm công nghiệp Quảng Khánh, tỉnh Đồng Tháp.
Tổng mức đầu tư cho dự án đến 1.495 tỷ đồng, tổng diện tích đất sử dụng là hơn 97.600 m2, thời hạn hoạt động 50 năm kể từ khi vận hành toàn bộ dự án. Nhà máy sẽ được vận hành theo tiêu chuẩn WHO-GMP/EU-GMP.
Mục tiêu dự án là đa dạng hóa danh mục sản phẩm để đáp ứng nhu cầu trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu, tăng doanh thu và lợi nhuận theo chiến lược. Công suất dự kiến 1,4 tỷ đơn vị sản phẩm.
Nguồn vốn sẽ lấy từ vốn chủ sở hữu và vốn vay từ cổ đông, các tổ chức tín dụng hoặc các nguồn vốn huy động hợp pháp khác.
Gần đây, SK Group cũng đã thoái một phần các khoản đầu tư lớn vào Masan Group và Vingroup.
Livzon Pharmaceutical Group Inc. được thành lập vào tháng 1/1985 với vốn đăng ký 935 triệu nhân dân tệ, tại Chu Hải, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc.
Livzon hoạt động trong các lĩnh vực chính bao gồm nghiên cứu và phát triển, sản xuất và kinh doanh các sản phẩm dược phẩm . Danh mục sản phẩm của công ty đa dạng, bao gồm: chế phẩm thuốc hóa học, dược chất (API) và chất trung gian, sản phẩm sinh học, thuốc Đông y truyền thống, thuốc thử và thiết bị chẩn đoán.
Công ty có hơn 8.000 nhân viên và niêm yết cổ phiếu trên cả Sở Giao dịch Chứng khoán Thâm Quyến và Sở Giao dịch Chứng khoán Hồng Kông.
Năm 2024, Livzon ghi nhận doanh thu hoạt động đạt 11.812 triệu RMB (hơn 41.000 tỷ đồng), với lợi nhuận ròng thuộc về cổ đông của Công ty là 2.061 triệu RMB (hơn 7.000 tỷ đồng).
Hội thảo Khoa học ‘Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế’ do Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam chủ trì, Tạp chí Điện tử Doanh nhân Việt Nam tổ chức. Hội thảo khoa học sẽ diễn ra vào lúc 8h00 ngày 26/05/2025, tại Khách sạn Thắng Lợi, 200 Yên Phụ, TP Hà Nội.
Hội thảo có sự hiện diện và tham gia thảo luận của đại diện một số cơ quan Đảng, bộ, ngành, các chuyên gia kinh tế đầu ngành, đại diện Hội và hiệp hội, đại diện ngân hàng, doanh nhân tư nhân…
Bên cạnh các bài tham luận riêng từ đại diện cơ quan Đảng, các chuyên gia và đại diện hiệp hội, … Hội thảo cũng tập trung thảo luận các nhóm vấn đề chính như cơ hội, tiềm năng, thách thức của kinh tế tư nhân trong sứ mệnh một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế, cũng như việc thể chế hóa đầy đủ và khoa học Nghị quyết 68/NQ-TW vào thực tiễn trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Trang Mai