Thủ tướng Slovakia Robert Fico. Ảnh Reuters
Trong một thông điệp bằng video đăng trên Facebook, ông Fico cho biết Đảng Smer của ông sẽ xem xét cắt nguồn cung cấp điện cho Ukraine, giảm viện trợ cho người tị nạn Ukraine và yêu cầu nối lại hoạt động vận chuyển khí đốt hoặc bồi thường cho những tổn thất mà ông cho biết Slovakia đã phải gánh chịu do việc ngừng dòng chảy khí đốt của Nga.
Hoạt động xuất khẩu khí đốt của Nga qua đường ống thời Liên Xô chạy qua Ukraine đã dừng lại vào ngày đầu Năm mới, đánh dấu sự kết thúc nhiều thập kỷ thống trị của Moscow đối với thị trường năng lượng châu Âu, khi hợp đồng trung chuyển giữa Nga và Ukraine hết hạn.
Slovakia có nguồn cung cấp khí đốt thay thế nhưng ông Fico, người đã chấm dứt viện trợ quân sự cho Ukraine và tìm kiếm mối quan hệ nồng ấm hơn với Moscow, cho biết Slovakia sẽ mất doanh thu quá cảnh của riêng mình và phải trả thêm phí quá cảnh để đưa khí đốt không phải của Nga vào. Ông cũng cho biết giá khí đốt và điện của châu Âu sẽ tăng do hậu quả từ hành động của Ukraine.
Ông Fico cho biết một phái đoàn Slovakia sẽ thảo luận về tình hình tại Brussels vào thứ Ba tuần tới, và sau đó liên minh cầm quyền của ông sẽ thảo luận về hành động trả đũa cho những gì ông gọi là "hành động phá hoại" của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy.
"Tôi tuyên bố (Đảng Smer-SSD của tôi) sẵn sàng tranh luận và nhất trí trong liên minh về việc ngừng cung cấp điện và giảm đáng kể sự hỗ trợ cho công dân Ukraine tại Slovakia", ông Fico cho biết.
"Lựa chọn duy nhất cho một nước như Slovakia có chủ quyền là đòi gia hạn quá cảnh hoặc yêu cầu cơ chế bồi thường, để thay thế khoản thiệt hại về tài chính công lên tới gần 500 triệu euro."
Tuần trước, ông Zelenskiy cáo buộc ông Fico mở "mặt trận năng lượng thứ hai" chống lại Ukraine theo lệnh của Nga. Nhưng ngay lập tức, Slovakia đã bác bỏ cáo buộc này và cho rằng thiếu căn cứ và vô cùng vô lý.
Công ty vận hành mạng lưới vận chuyển khí đốt Eustream của Slovakia, do nhà nước nắm giữ phần lớn cổ phần, có doanh thu là 158 triệu euro và lợi nhuận sau thuế là 25 triệu euro trong sáu tháng tính đến ngày 31/1 năm ngoái, theo báo cáo mới nhất trên trang web của công ty.
Công ty nhập khẩu khí đốt nhà nước SPP của Slovakia, nơi đáp ứng khoảng 2/3 nhu cầu của Slovakia, cho biết hôm thứ Tư 1/1 rằng họ sẽ phải đối mặt với khoảng 90 triệu euro chi phí bổ sung, chủ yếu là phí vận chuyển, nếu thay thế toàn bộ khí đốt của Nga trong năm nay.
Slovakia, quốc gia láng giềng với Ukraine ở phía đông, đã xuất khẩu 2,4 triệu megawatt giờ điện trong 11 tháng đầu năm 2024 sang Ukraine, nơi đang phải chịu tình trạng thiếu hụt do xung đột, theo dữ liệu từ nhà điều hành lưới điện Slovakia.
Yến Anh
Reuters