Quốc hội Slovenia ngày 4/7 đã thông qua đề xuất trưng cầu dân ý về việc tăng chi tiêu quốc phòng lên 3% GDP (khoảng 2,1 tỷ euro) vào năm 2030, do đảng Cánh tả trong liên minh cầm quyền đề xuất. Đề xuất đã được Quốc hội Slovenia thông qua với 46 phiếu thuận và 42 phiếu chống, trong đó Đảng Phong trào Tự do của Thủ tướng Golob phản đối vấn đề này.
Trước thất bại tại quốc hội, ngày 5/7, Thủ tướng Golob tuyên bố nước này sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý riêng về tư cách thành viên NATO của Slovenia. Ông Golob cho rằng, Slovenia chỉ có hai con đường, hoặc ở lại NATO và trả phí thành viên, hoặc rời khỏi liên minh quân sự này.
Theo ông Golob, cuộc trưng cầu dân ý về chi tiêu quốc phòng là “vô nghĩa”, trong khi một cuộc trưng cầu dân ý về tư cách thành viên NATO sẽ cho thấy mong muốn thực sự của người dân. Đảng Phong trào Tự do của Thủ tướng Golob cho biết, Đảng này sẽ chính thức đệ trình đề xuất trưng cầu dân ý về tư cách thành viên NATO của Slovenia vào tuần tới, đồng thời nhấn mạnh, đây là “câu hỏi đúng” cần được người dân quyết định.
Thủ tướng Slovenia Robert Golob (Nguồn: euractiv.com)
Tuyên bố của ông Golob đã gây ra nhiều phản ứng trái chiều tại Slovenia. Tổng thống Musar kêu gọi các chính trị gia làm rõ lập trường và nhấn mạnh tầm quan trọng của đối thoại, đồng thời thông báo về kế hoạch thảo luận với Thủ tướng Golob về vấn đề này. Trong khi đó, lãnh đạo phe đối lập Janez Janša của Đảng Dân chủ Slovenia (SDS) cho rằng, quyết định rút khỏi NATO đòi hỏi đa số sự ủng hộ tại quốc hội, điều mà chính phủ hiện tại không thể đạt được.
Theo giới phân tích, việc Thủ tướng Golob tuyên bố về việc tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về tư cách thành viên NATO của Slovenia được xem là nỗ lực của ông Golob nhằm giành lại thế chủ động trong bối cảnh liên minh cầm quyền rạn nứt. Cuộc trưng cầu dân ý về tư cách thành viên NATO, nếu được tiến hành, sẽ là một phép thử quan trọng đối với người dân Slovenia. Kết quả của cuộc trưng cầu dân ý này không chỉ ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại và quốc phòng của Slovenia, mà còn có thể tác động đến tình hình chính trị nội bộ của quốc gia Nam Âu này trong những năm tới.
Như Hoa/VOV-Praha