Trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, nhân dân Liên Xô trước đây và nhân dân Nga ngày nay đã mất tới 27 triệu người. Riêng vùng đất Smolensk mất hơn nửa triệu người, trong đó có 90.000 dân thường. Smolensk không chỉ là vùng đất thấm đượm vinh quang, mà còn là mảnh đất thấm đẫm nước mắt.
Lãnh đạo và nhân dân Smolensk đặt hoa tại Ngọn lửa vĩnh cửu trong Công viên Anh hùng tại thành phố Smolensk.
Chiến tranh đã lùi xa 80 năm, nhưng đến với vùng đất này, những dấu tích của chiến tranh vẫn chưa hề phai mờ. Tại Smolensk, mọi con đường, mọi đài tưởng niệm đều chứa đựng sự thật về chiến tranh. Nơi đây ghi đậm dấu ấn về các trận chiến ác liệt, tinh thần anh dũng của nhân dân Liên Xô và sự kinh hoàng của các cuộc chiếm đóng.
Một phụ nữ Nga lặng người trước bức tường in chân dung những liệt sỹ đã hy sinh để bảo vệ Smolensk.
Tại các thành phố, làng mạc và thị trấn của vùng đất Smolensk, quân xâm lược đã gây ra những vụ thảm sát hàng loạt đối với dân thường, trong đó có những tội ác man rợ như thiêu sống...
Bà Elena Malysheva, Giám đốc Trung tâm Lịch sử Quốc gia trực thuộc Tổng thống Liên bang Nga cho biết, hơn nửa triệu người đã trở thành nạn nhân của chủ nghĩa phát xít trong suốt hai năm bị chiếm đóng. Chính vì vậy, mảnh đất này, hơn bất kỳ nơi nào khác, chính là nơi có thể cảm nhận sâu sắc nhất nỗi căm hận đối với quân thù.
Năm 1812, Smolensk là nơi diễn ra trận đánh khốc liệt giữa quân Nga và quân Pháp trước khi Napoleon tiến vào Moscow. Trong hai cuộc chiến tranh thế giới, vùng đất này đã nhiều lần bị thiêu rụi, gần như biến thành tro tàn.
Đài tưởng niệm các chiến sĩ Hồng quân Liên xô đã hy sinh trong trại tập trung phát xít tại thành phố Vyazma, tỉnh Smolensk.
Smolensk có tới 1.500 đài tưởng niệm lớn, nhỏ: Đài tưởng niệm nơi hy sinh của 1.500 tù binh Liên Xô; Tượng đài "Nạn nhân của chủ nghĩa phát xít" - mộ trôn tập thể của 1.500 công dân Liên Xô chết trong bệnh viện quân y Đức trong các năm từ 1941 đến 1943; Đài tưởng niệm tù binh chiến tranh "Dulag-184"; Bia tưởng niệm 5.000 công dân Liên Xô bị hành quyết vào ngày 21/10/1941. Đặc biệt là Tượng đài "Bông hoa cháy rụi” tưởng nhớ hàng trăm trẻ em đã thiệt mạng trong các trại tập trung của Đức Quốc xã trong Chiến tranh Thế giới thứ hai.
Ở Smolensk, mỗi tảng đá, mỗi đài tưởng niệm đều là dấu tích của chủ nghĩa anh hùng. Nghĩa trang trên phố Normandi-Nieman là nơi an táng lớn nhất của hơn 46.000 người hy sinh trong chiến tranh.
Ông Vasily Anokin, Thống đốc khu vực Smolensk nhấn mạnh, cuộc chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại sẽ mãi mãi là một thời kỳ của những con người vĩ đại. Bởi họ đứng lên bảo vệ Tổ quốc, chiến đấu không ngừng nghỉ và giành được chiến thắng vĩ đại nhờ có tinh thần thép. Họ đã làm được điều không tưởng, đó là giành được chiến thắng trước kẻ thù đáng sợ nhất lúc bấy giờ.
Trải qua nhiều đau thương, Smolensk vẫn luôn đứng vững trước kẻ thù xâm lược. Như chim Phượng Hoàng tung cánh, Smolensk đã phục sinh từ tro tàn. Smolensk là mảnh đất của những chiến thắng vĩ đại qua mọi thời đại và Smolensk đã vinh dự được nhận danh hiệu “Thành phố anh hùng”. Dịp 9/5, người dân Nga lại tự hào nhắc đến những người con của vùng đất Smolensk, những người anh hùng đã chiến đấu với lòng dũng cảm không gì sánh được. Chính sự cống hiến và quyết tâm cao cả của họ đã rút ngắn thời gian để nhân dân Liên Xô chạm tay vào chiến thắng vĩ đại năm 1945.
Thu Hà/VOV-Moscow