Cẩn trọng với trời lạnh
PGS.TS Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ (Bệnh viện Bạch Mai), cho biết, trong những ngày thời tiết chuyển lạnh, mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận 50 - 55 người bệnh bị đột quỵ, trong số đó khoảng 8% là người trẻ và bệnh nhân đột quỵ đang có xu hướng trẻ hóa.
Bác sĩ BV Trung ương Quân đội 108 chăm sóc bệnh nhân đột quỵ
Mới đây, Trung tâm Đột quỵ (Bệnh viện Bạch Mai) tiếp nhận cụ ông Đào Văn Dễ, 103 tuổi, đến viện trong tình trạng lơ mơ, yếu nửa người phải, thất ngôn hoàn toàn… Gia đình cho biết, khoảng 22h, thấy cụ lịm đi, nghĩ cụ buồn ngủ nhưng khi chạm vào người thấy cụ dần dần ngã ra. Người nhà đoán cụ bị đột quỵ nên lập tức gọi xe cứu thương để đưa cụ thẳng từ Hưng Yên lên Trung tâm Đột quỵ (Bệnh viện Bạch Mai).
Mỗi phút trôi qua, 1,9 triệu tế bào não của bệnh nhân sẽ bị chết, do đó can thiệp tái thông mạch não càng sớm, cơ hội cứu sống càng cao. Không còn nhiều thời gian, các bác sĩ của Trung tâm Đột quỵ lập tức hội chẩn với bác sĩ của Trung tâm Điện quang để thống nhất phương án điều trị tối ưu cho bệnh nhân. Với các ca đột quỵ thông thường, việc bác sĩ đưa ra phác đồ tiêu huyết khối kết hợp với can thiệp mạch không phải là điều khó khăn. Tuy nhiên, việc áp dụng cả 2 phương pháp trên cơ thể 103 tuổi là một thách thức vô cùng lớn. Bệnh nhân phải đối diện với hàng loạt nguy cơ tiềm ẩn như: tiêu huyết khối đơn thuần; tai biến khi can thiệp mạch cao vì mạch máu não người 103 tuổi có thể rất dễ vỡ và biến chứng chảy máu… Bên cạnh đó, còn hàng loạt thách thức khác như tiên lượng kém ở bệnh nhân 103 tuổi khi phải hồi sức sau can thiệp, đó là khó cai thở máy nếu có gây mê toàn thân và đặt nội khí quản trong quá trình can thiệp, nguy cơ nhiễm trùng, suy kiệt, loét… Nhưng nếu không quyết định ngay thì bệnh nhân đối diện nguy cơ diễn biến nhanh và để lại di chứng nặng nề. Trước lằn ranh đó, các bác sĩ đã quyết định phối hợp hai phương pháp điều trị tái thông mạch là tiêu huyết khối và lấy huyết khối. Sau 1 giờ can thiệp căng thẳng, động mạch não giữa trái được tái thông hoàn toàn. Bệnh nhân cải thiện triệu chứng rất tốt, tỉnh táo hơn, cơ lực nửa người phải cải thiện 3/5.
PGS.TS Vũ Ngọc Lâm, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết, những ngày vừa qua, bệnh viện tiếp nhận liên tiếp các bệnh nhân bị đột quỵ. So với năm ngoái, mùa đông năm nay, số ca đột quỵ nhập viện đang gia tăng. Do số bệnh nhân tăng nhanh nên nhiều trường hợp phải nằm cáng.
phát hiện sớm tránh di chứng nặng nề
“Nếu bạn không phải nhân viên y tế, trong quá trình chờ cấp cứu, không nên tự ý cho người bệnh sử dụng bất kì loại thuốc nào vì một số loại thuốc sẽ làm tình trạng xuất huyết não trở nên nghiêm trọng hơn và làm các biến chứng sẽ càng nặng nề hơn, tăng nguy cơ tử vong”.
Bác sĩ Thái Đàm Dũng, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108
PGS.TS Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ (Bệnh viện Bạch Mai), cho hay đột quỵ là bệnh lí đòi hỏi phải chẩn đoán nhanh, chính xác và có quyết định đúng, kịp thời... mới có thể cứu sống được bệnh nhân, giúp họ hồi phục sức khỏe, giảm tỉ lệ tàn phế. Nếu không được cấp cứu sớm, bệnh nhân sẽ nhanh chóng rơi vào tình trạng hôn mê, liệt nửa người nặng, thậm chí là tử vong. Tuy nhiên, ở Việt Nam, kiến thức này còn ít người biết đến.
Mặc dù, ngày nay, với sự tiến bộ của y học, tỉ lệ tử vong do đột quỵ đã giảm, nhưng số người bị tàn tật do đột quỵ lại có xu hướng tăng. Mức độ di chứng phụ thuộc rất nhiều vào thời điểm và cách thức bệnh nhân được phát hiện, chẩn đoán và điều trị. Nếu bệnh nhân đột quỵ thiếu máu não được chuyển đến bệnh viện trong 3 giờ đầu ngay sau khi bị đột quỵ, và được điều trị đặc hiệu bằng thuốc tiêu huyết khối, sự phục hồi sẽ rất khả quan. Những năm gần đây, nhờ công tác truyền thông nên số người dân bị đột quỵ đến viện sớm đạt khoảng 20%. Tuy nhiên, con số này vẫn rất thấp so với thế giới.
“Trước đây, tỉ lệ hồi phục ở bệnh nhân đột quỵ chỉ 25%, có 25% bệnh nhân sẽ tử vong và 50% để lại di chứng tàn phế. Tuy nhiên khi áp dụng kĩ thuật mới, giống các nước đang phát triển, bệnh nhân đột quỵ được tái tưới máu trong giờ vàng, người bệnh gần như trở lại trạng thái bình thường đạt trên 50%, thậm chí 60-70%. Những bệnh nhân đến muộn, nhờ sự chuyên sâu về phương pháp điều trị tại các đơn vị đột quỵ, tỉ lệ biến chứng tử vong, di chứng tàn phế giảm đi rất nhiều. Nhiều bệnh nhân được điều trị phối hợp điều trị hồi sức chuyên sâu, tập phục hồi chức năng sớm giúp phục hồi tốt hơn so với trước đây” PGS Tôn nói.
Các chuyên gia cho biết, thời tiết lạnh không chỉ gây co thắt mạch máu làm tăng huyết áp, mà còn làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông, dẫn đến cả đột quỵ do xuất huyết não và nhồi máu não. Đặc biệt, thói quen tắm khuya - một vấn đề phổ biến ở Việt Nam - đã trở thành nguyên nhân gây ra nhiều trường hợp đáng tiếc.
Để phòng ngừa tai biến, đột quỵ, bác sĩ Lâm khuyến cáo mọi người, nhất là người cao tuổi cần chú ý giữ ấm cơ thể, tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột. Khi phát hiện người cao tuổi có dấu hiệu tai biến, đột quỵ, tuyệt đối không sơ cấp cứu bằng cách cạo gió, xức dầu, chích máu 10 đầu ngón tay, chân hoặc di chuyển quá mạnh..., cần gọi cấp cứu đưa đến cơ sở y tế gần nhất.
“Trong những ngày thời tiết rét đậm kéo dài, mọi người, nhất là người cao tuổi luôn phải mặc ấm, hạn chế tối đa việc ra ngoài vào ban đêm hoặc dậy sớm tập thể dục khi ngoài trời lạnh sâu. Tránh những nơi gió lùa, không nên thay đổi cơ thể nóng lạnh đột ngột, ăn đủ chất dinh dưỡng, kiểm soát huyết áp. Không tự ý sử dụng thuốc điều trị bệnh khi chưa được khám và tư vấn của bác sĩ”, TS Lâm nói.
Hà Minh